Tuyển sinh 2021: Nhiều trường đại học tuyển thí sinh có năng lực ngoại ngữ

Ở mùa tuyển sinh 2021, hàng loạt trường đại học lấy ngoại ngữ làm tiêu chí để tuyển sinh viên. Đáng chú ý, những thí sinh có ưu thế về ngoại ngữ sẽ được ưu tiên tuyển chọn, dù kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT thấp hơn.

Được ưu tiên

623
  Tải tài liệu

Trường ĐH Thái Bình Dương (TBD) vừa công bố đề án tuyển sinh dự kiến năm 2021. Theo đó trường dự kiến tuyển 1.000 chỉ tiêu của 8 ngành đại học theo 3 phương thức. Đáng nói, ở phương thức xét tuyển số 3 là kết hợp học bạ THPT đạt từ 6,0 trở lên cộng với thành tích nổi bật của thí sinh, chiếm khoảng 9% chỉ tiêu. Thành tích nổi bật của thí sinh như: Có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS 5.0, TOEFL iBT 55, TOEIC 550), hoặc đạt giải Khuyến khích cấp tỉnh trở lên trong các kỳ thi (Học sinh giỏi, Khoa học kỹ thuật, Olympic truyền thống 30/4). Đồng thời, trường xét tuyển người tốt nghiệp trung cấp trở lên (người tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT phải học và hoàn thành các môn văn hóa THPT theo quy định hiện hành).

Tương tự, năm học 2021 - 2022, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU) Xét tuyển đại học bằng 5 phương thức. Ở phương thức 4: Xét kết quả Kỳ thi SAT (Scholastic Assessment Test) (2% tổng chỉ tiêu).

Mùa tuyển sinh 2021, trường ĐH Việt Đức dự kiến sử dụng 3 phương thức xét tuyển. Đáng chú ý, trường này dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh viên đầu vào. Cụ thể, trường ĐH Việt Đức sẽ tổ chức kỳ thi riêng testAS vào tháng 5/2021, bài thi gồm 2 phần: kiến thức cơ bản kiểm tra trình độ IQ (110 phút) và kiến thức khối chuyên ngành (145 - 150 phút). Ở phần thi kiến thức chuyên ngành, thí sinh chọn bài thi Toán học, Khoa học Máy tính và Khoa học tự nhiên để xét vào ngành Khoa học Máy tính. Thí sinh làm bài Kỹ thuật để xét vào ngành Kỹ thuật Điện và Máy tính, Kỹ thuật Cơ khí, Kiến trúc và Kỹ thuật Xây dựng. Bài thi Kinh tế học được dùng để xét tuyển vào ngành Tài chính và Kế toán, Quản trị Kinh doanh.

Phương thức xét tuyển thẳng, trường sử dụng các văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp THPT quốc tế như TestAS, SAT, IBD, AS/A-Level, IGCSE, WACE … hoặc thí sinh đạt giải học sinh giỏi Olympic quốc tế, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, cuộc thi khoa học và kỹ thuật cấp quốc gia.

Trong số 5 phương thức xét tuyển năm 2020 của trường ĐH Ngoại thương cũng có 2 phương thức chính sử dụng chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế (kết hợp với kết quả học tập THPT, kết hợp với điểm 2 môn kỳ thi tốt nghiệp). Ngay phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trường cũng áp dụng nhân hệ số 2 môn Ngoại ngữ với nhiều ngành. Trong các tổ hợp xét tuyển, ngay từ đầu, trường thông tin lấy thí sinh xét bằng tổ hợp chứa môn Ngoại ngữ thấp hơn các tổ hợp khác từ 0,5 - 2 điểm, tùy tổ hợp môn.

Theo phương án tuyển sinh năm 2021, trường ĐH Mở TP. HCM có tới 3 cách xét ưu tiên thí sinh giỏi ngoại ngữ. Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, tất cả ngành đào tạo đại trà của trường đều có từ 1 - 3 tổ hợp môn có chứa môn Ngoại ngữ, riêng chương trình chất lượng cao, tất cả các tổ hợp đều chứa môn này.

Ra trường dễ tìm việc

Thống kê của Bộ GD - ĐT các năm qua cho thấy, các trường đại học vẫn có xu hướng tăng cường môn ngoại ngữ trong các tổ hợp xét tuyển. Các tổ hợp chứa môn ngoại ngữ dần thay thế các môn khác với mục tiêu tuyển được người học có kỹ năng ngoại ngữ tốt hơn ngay từ đầu vào.

PGS. TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng trường ĐH Mở TP. HCM cho biết theo quy định của Bộ GD-ĐT thì tổ hợp môn bắt buộc phải có môn chính (Văn hoặc Toán). Ngoài ra, trường sẽ cân nhắc 1 môn quan trọng phù hợp với ngành đào tạo và môn còn lại liên quan đến ngoại ngữ trong quá trình xây dựng các tổ hợp xét tuyển.

Theo PGS. TS Nguyễn Minh Hà, cùng với phương thức xét tuyển thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, việc tăng cường môn tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển nhằm hướng đến mục tiêu ưu tiên người có ưu thế ngoại ngữ hơn trong số các thí sinh cùng năng lực.

“Sinh viên vào trường cần đọc được tài liệu bằng tiếng Anh. Hiện nay, chuẩn tiếng Anh đầu ra của trường đang ở mức 5.0 IELTS nhưng sắp tới có thể tiếp tục nâng lên. Tốt nghiệp, sinh viên giỏi ngoại ngữ ra trường cơ hội việc làm cao hơn”, ông Hà nói thêm.

Nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, trong xu thế hội nhập, ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là yếu tố “cộng điểm” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Trong quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có quy định, thí sinh sẽ được miễn thi môn Ngoại ngữ nếu có các chứng chỉ quốc tế.

Theo đó, với môn Tiếng Anh, nếu thí sinh có chứng chỉ TOEFL ITP 450 điểm, TOEFL iBT 45 điểm hoặc IELTS 4.0 là có thể được miễn bài thi Ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.  Ngoài ra, nếu thí sinh có các chứng chỉ quốc tế tiếng Trung, Nga, Pháp, Nhật, Đức cũng sẽ được miễn thi môn này. Thí sinh được miễn thi Ngoại ngữ sẽ được tính 10 điểm cho bài thi này để xét công nhận tốt nghiệp.

Việc Bộ GD  - ĐT có quy định miễn thi môn Ngoại ngữ với thí sinh có chứng chỉ quốc tế sẽ hướng học sinh tích cực đầu tư và quan tâm tới việc học Ngoại ngữ nhiều hơn. Đặc biệt, việc học môn này không chỉ dừng trong nhà trường mà cần đạt được những kỹ năng cần thiết theo chuẩn quốc tế.

QUẾ SƠN
svvn.tienphong.vn – 12/01/2021

Bài viết liên quan

623
  Tải tài liệu