Mê hồn trận MBA ở Việt Nam

Đối với doanh nhân và chuyên viên làm việc tại các công ty đa quốc gia, tấm bằng MBA không chỉ là “giấy thông hành” cho những vị trí cao hơn, mà còn là chiến lược phát triển lâu dài, mở ra nhiều cơ hội sự nghiệp trong tương lai.

Vì sao MBA hấp dẫn?

883
  Tải tài liệu

Trong điều kiện môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp và cạnh tranh hơn, nhiều doanh nhân và chuyên viên quản lý gặp khó khăn trong việc thiếu hụt kiến thức quản lý tầm cao. Do khan hiếm nhân sự cấp cao trong nước, trước nay những vị trí cao vẫn phải "nhường" cho lao động ngoại từ các quốc gia khác.

Dự báo mức độ cạnh tranh "nội ngoại" này sẽ còn gay gắt hơn khi luật cho phép người lao động thuộc khu vực Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) làm việc ở Việt Nam mà không cần giấy phép. Thực tế thị trường nhân sự cấp cao vẫn đang trong "cơn khát" và hầu hết ứng viên có bằng MBA quốc tế đều được các đơn vị tuyển dụng săn đón.

Là chương trình đào tạo sau đại học phổ biến nhất trên toàn thế giới, MBA không chỉ giúp học viên hoàn thiện kỹ năng kinh doanh, cung cấp kiến thức lãnh đạo, quản lý, tầm nhìn chiến lược và hiểu thêm nhiều mô hình kinh doanh khác, mà còn giúp mở rộng mối quan hệ với những nhân vật có ảnh hưởng trong giới.

Không phải tấm bằng MBA nào cũng có giá trị

Hiện cả nước có rất nhiều chương trình đang chiêu sinh dưới nhiều hình thức: du học, liên kết nước ngoài, học tập trung tại Việt Nam hay đào tạo từ xa. Do đó, học viên dễ bị nhiễu thông tin và ngộ nhận về giá trị văn bằng, có thể lãng phí tài chính và thời gian cho một chương trình không phù hợp. Nhiều trường hợp tấm bằng MBA chỉ để trưng bày mà không đem lại kiến thức thực sự hoặc không tạo được vị thế tương xứng.

Nhiều học viên chưa nhận thức được là không phải tấm bằng MBA nào cũng có giá trị như nhau, đặc biệt là giá trị quốc tế. Hiện nay, tại Việt Nam có ba nhóm chương trình MBA phổ biến.
Nhóm 1 chiếm khoảng 55% là bằng MBA nội địa, do trong nước cấp bằng, học chương trình tiếng Việt hoặc tiếng Anh.

Nhóm 2 chiếm khoảng 40% là bằng MBA liên kết giữa nội và ngoại. Chương trình do hai bên cấp, có logo hai đơn vị liên kết trên bằng và trên bảng điểm, chủ yếu dành cho học viên muốn có bằng MBA quốc tế giá rẻ, học nhẹ nhàng. Loại bằng này ít được công nhận ở nước ngoài và không thể học liên thông lên cao hơn.

Nhóm 3 chiếm 5% còn lại là bằng MBA 100% ngoại, có học phí cao nhất tương xứng với “giá trị quốc tế” của nó. Nhóm này có hai hình thức đào tạo, hình thức thứ nhất cũng là chương trình MBA liên kết, nhưng chỉ về mặt hành chính còn về học thuật và quản lý giáo vụ thì 100% do nước ngoài phụ trách. Hình thức thứ hai là đơn vị nước ngoài mở cơ sở ngay tại Việt Nam.

Việc phân biệt giữa nhóm 2 và nhóm 3 là khá khó khăn. Do cả hai nhóm này đều quảng bá là MBA quốc tế và do đại học nước ngoài cấp bằng, nhưng bằng cấp có con dấu và logo đối tác ở Việt Nam hay không thì chỉ đến khi nhận bằng học viên mới biết.

Những tiêu chuẩn quan trọng

Yếu tố đầu tiên là danh tiếng và chất lượng đơn vị liên kết, thứ hạng trường đào tạo.

Theo các tổ chức kiểm định quốc tế hàng đầu như: AMBA, AACSB, ACBSP, EQUIS, IACBE; chỉ số ít chương trình đào tạo MBA 100% do nước ngoài cấp bằng mới đạt chuẩn của họ.

Do đó, học viên nên xem bằng mẫu và bảng điểm để xác định ngay từ đầu chương trình MBA thuộc nhóm 2 hay 3. Bạn cũng nên chú ý logo các đơn vị kiểm định (trên bảng điểm) để đảm bảo giá trị quốc tế của nó.

Yếu tố thứ hai là đội ngũ giáo sư. Để kiến thức đa dạng, đúc kết từ nhiều châu lục, học viên nên chọn các chương trình có giáo sư từ nhiều quốc gia khác nhau, sẽ giúp nội dung bài giảng phong phú, thực tiễn và mang tính toàn cầu.

Yếu tố thứ ba là cộng đồng cựu học viên. Họ có phải là những người thành đạt, đang làm những vị trí quản lý cấp nào, doanh nghiệp nhỏ hay công ty đa quốc gia?

Thêm nữa là văn bằng đó có tính kết nối toàn cầu hay không? Thực tế, nhiều bằng MBA liên kết nhưng không được công nhận ở thị trường quốc tế, không thể học liên thông lên cấp cao hơn như PhD hoặc DBA, khó xin việc, không uy tín.

Để chuẩn bị cho giai đoạn Việt Nam gia nhập AEC và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp đến, việc bổ sung kiến thức cùng tấm bằng MBA giá trị sẽ không còn là điều xa xỉ. Bạn có thể chưa hiểu được giá trị tấm bằng MBA mình sắp theo đuổi, nhưng giới săn nhân sự biết rất rõ chất lượng của các chương trình MBA, trong đó "cao giá" nhất chính là những chương trình khó.

Do vậy, mỗi học viên cần cân nhắc mọi khía cạnh để chọn lựa một chương trình MBA phù hợp nhất với mục tiêu, thời gian, chi phí và nhất là chiến lược phát triển sự nghiệp về sau.

Thu Anh
(vneconomy.vn)

 

Bài viết liên quan

883
  Tải tài liệu