Tuyển sinh đại học 2020: Lựa sức khi chọn ngành, trường
Nhiều trường đại học đã đưa ra những tính toán cân bằng chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020 và xét học bạ. Còn với thí sinh, việc đưa ra quyết định sao cho đường vào đại học thuận lợi nhất cũng cần tính đến.
Lời khuyên của các chuyên gia tuyển sinh dành cho học sinh cuối cấp: Cần lượng sức mình để “liệu cơm gắp mắm”.
Thấy gì từ phương án tuyển sinh?
Nếu như năm 2019, các trường đều dành lượng lớn chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi THPT quốc gia, năm nay, vẫn dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng có sự mở rộng phương thức khác. Xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp chiếm tỷ lệ vừa phải để đáp ứng nguyện vọng của người học với phương thức này. Việc thay đổi tỷ lệ chỉ tiêu cũng đồng nghĩa với việc tăng yếu tố cạnh tranh ở một số phương thức xét tuyển.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), năm 2018 thực hiện phương thức xét tuyển kết hợp nhưng vẫn dành đến 90% chỉ tiêu tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia. Sang năm 2019, tổng chỉ tiêu tăng khoảng 2,7% so với năm 2018 nhưng tỷ lệ chỉ tiêu tuyển bằng kết quả THPT quốc gia giảm còn khoảng 75%.
Năm 2020, chỉ tiêu tuyển bằng kết quả tốt nghiệp THPT tiếp tục giảm, chỉ còn 60% tổng chỉ tiêu. Bỏ qua những đối tượng tuyển thẳng, việc đăng ký xét tuyển bằng phương thức nào cũng sẽ có cạnh tranh. Đặc biệt với thí sinh dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, tỷ lệ chỉ tiêu ít hơn đồng nghĩa với việc cạnh tranh cao hơn.
Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, trong kỳ tuyển sinh năm nay, việc các trường đa dạng phương thức tuyển sinh là điều hoàn toàn có thể hiểu. Đề án tuyển sinh được công bố cho thấy, ngoại trừ trường nhóm sức khỏe, hầu hết trường ĐH sử dụng từ 3 đến 6 phương thức tuyển sinh khác nhau. Một số trường lớn ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi, học sinh trường chuyên. Số chỉ tiêu còn lại chia đều cho các phương thức.
Do vậy, ngoài lựa chọn ngành nghề, năm nay thí sinh phải cân não khi đăng ký xét tuyển theo hình thức nào. Chọn 1 phương thức duy nhất hay chọn nhiều phương thức cùng lúc để rộng đường vào ĐH, nguyện vọng 1 trường nào, nguyện vọng còn lại ở đâu… cần tính toán, tham khảo từ thầy cô, cha mẹ và chính chuyên gia tư vấn tuyển sinh trường nơi thí sinh có ý định theo học.
Hãy thông thái khi lựa chọn
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, nhà giáo Võ Hoàng Khải, chia sẻ: Các em phải thật bình tĩnh để đưa ra quyết định hợp lý nhất. Theo tôi những yếu tố quyết định cần là mức học phí phù hợp, điều kiện học tập tốt, gần nhà cùng chi phí cuộc sống không quá đắt đỏ. Và một điều quan trọng nữa là chất lượng đào tạo phải được bảo đảm.
Trường Đại học Trà Vinh đã và đang đáp ứng tốt các yêu cầu này, với các ngành đào tạo đa dạng và phong phú, trong đó có tới 6 ngành đạt chuẩn kiểm định khu vực và quốc tế. Thầy Khải mong thí sinh nên có những tính toán hợp lý để lựa chọn trường, ngành học cho mình, Trường Đại học Trà Vinh là điểm đến đầy hứa hẹn.
PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị, chuyên gia tuyển sinh đến từ Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, cho rằng: Tính toán để đưa ra quyết định chính xác trong việc chọn ngành học, chọn trường đối với học sinh lúc này không đơn giản. Trước đây có những bạn chỉ vì mơ ước vào một trường mỹ thuật lớn mà phải 10 năm đèn sách.
Không nên quá lãng phí như vậy, lời khuyên các thí sinh là liệu sức mình để đưa ra quyết định phù hợp nhất. Bằng cấp, chuyên môn học trong trường đại học chỉ là một yếu tố đủ để vào đời. Nếu có nghị lực, có ý chí thì học trường nào cũng được, cùng với quyết tâm sẽ đưa bạn đến bến bờ thành công.
Chuyên gia Bùi Tuấn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhắc nhở: Thí sinh cần đặc biệt lưu ý việc xét điểm thi tốt nghiệp THPT, năm nay, đề thi theo chương trình giảm tải, nhưng lực học của nhóm học sinh giỏi sẽ là vẫn ổn định. Thế nên, dự kiến điểm chuẩn từ phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT có thể sẽ ở ngưỡng cao. Chính vì thế, các em cần sáng suốt lựa chọn ngành, trường sao cho phù hợp. Đừng chọn trường ngành quá sức, vì sẽ thiệt thòi cho bản thân khi cạnh tranh gay gắt, khả năng trúng tuyển sẽ ít hơn. Nên ưu tiên cho những trường, ngành trong lựa chọn của mình mà khả năng trúng tuyển lớn. Nếu chắc trúng tuyển vào trường, ngành đó không nhất thiết đầu tư cho các nguyện vọng còn lại. |
Hà An
giaoducthoidai.vn – 15/06/2020
Bài viết liên quan
- Khi nào thí sinh được quyền thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học?
- Thi tốt nghiệp THPT 2020: Cân nhắc nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển
- Thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT
- Gỡ khó mùa tuyển sinh 2020 - cánh cửa đại học rộng mở hơn?
- Thí sinh nên cân nhắc kỹ về 3 nguyện vọng đầu tiên khi đăng ký xét tuyển