Xu hướng thích làm thầy hơn làm thợ

Xu hướng thích làm thầy hơn làm thợ

685
  Tải tài liệu

Dù tìm nhiều cách tiếp thị, quảng cáo, lối kéo học sinh rớt tốt nghiệp THPT hoặc điểm thi CĐ, ĐH thấp vào học nhưng nhiều trường trung cấp nghề (TCN), trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) ở TPHCM tiếp tục đối mặt với mùa tuyển sinh ảm đạm, não nề hơn. Lấy nguồn nào để tuyển sinh khi các trường ĐH tiếp tục vơ vét người học từ bậc sơ cấp đến CĐ? Làm gì để xoay chuyển cỗ máy đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật, chuyên môn đang lệch pha trầm trọng như hiện nay?

Chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu

Những năm gần đây, nhiều trường TCN, TCCN ở TPHCM đã được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị dạy nghề, kỹ năng theo hướng tiên tiến, từng bước tiếp cận chuẩn quốc tế. Thế nhưng, dù đã chủ động đổi mới, mở nhiều ngành nghề mới xã hội đang cần, thậm chí kết nối với doanh nghiệp đặt hàng đào tạo để ra trường có việc làm ngay, nhưng học sinh vẫn quay lưng. Đến hẹn lại lên - mùa tuyển sinh của hệ thống giáo dục nghề nghiệp gồm các trường nghề, giáo dục chuyên nghiệp (GDCN) lại tủi phận chiếu dưới - “ngóng chờ sung rụng” như mọi năm.

Dạo quanh một loạt cơ sở đào tạo TCN, TCCN, trong đó có những trường có uy tín, thương hiệu trên địa bàn TPHCM, chúng tôi ghi nhận không khí tuyển sinh năm nay vẫn ảm đạm, thậm chí thê thảm hơn năm trước.

Ông Nguyễn Đắc Hiển, Trưởng phòng đào tạo Trường TCN Kỹ thuật Hùng Vương, quận 5 than thở: “Năm nay trường được giao 900 chỉ tiêu đào tạo nghề nhưng tuyển được 505 học viên là mừng lắm rồi. Năm học trước, cố gắng lắm chúng tôi mới tuyển được 53% chỉ tiêu…”.

Được biết Trường TCN Hùng Vương nằm trong top 40 trường nghề trọng điểm đã được cấp 12 tỷ đồng để đầu tư 5 nghề trọng điểm đạt chuẩn quốc tế, khu vực và quốc gia. Đó là chưa kể trường được thụ hưởng Dự án Tăng cường kỹ năng nghề (nguồn vốn ODA) khá lớn để đổi mới trang thiết bị dạy nghề; được đầu tư chuyển giao chương trình đào tạo và đưa giáo viên đi nước ngoài tập huấn để nâng cao kỹ năng đào tạo dạy nghề theo chuẩn quốc tế. Với thế mạnh này trường tự tin đào tạo nguồn lao động có trình độ kỹ thuật, kỹ năng nghề đạt chuẩn và ra trường có thể làm việc trên các dây chuyền sản xuất, công nghệ hiện đại. Tuy có nhiều nghề hot, dễ kiếm việc làm ở các công ty Việt Nam cũng như có vốn đầu tư nước ngoài như nghề cơ điện tử, bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí, cắt gọt kim loại, vận hành sửa chữa thiết bị lạnh, công nghiệp, công nghệ thông tin… nhưng thời gian gần đây, trường cũng phải ngóng chờ học viên như “trời hạn trông mưa”.

Tương tự, ông Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh, cũng vò đầu bứt tai khi nhắc đến áp lực tuyển sinh đầu năm học mới quá nặng nề. Theo ông Trung, trường cũng làm hết cách từ tuyên truyền đến từng trường phổ thông, kéo học sinh đến tham quan môi trường học nghề khá lý tưởng, nhưng số học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vào học rất ít. Đến thời điểm này, trường mới tuyển sinh được 300 học viên so với tổng chỉ tiêu là 1.500 học sinh (đạt 1/5 kế hoạch) và bằng 50% so với năm trước.

Tương tự, PGS-TS Bùi Ngọc Oánh, Hiệu trưởng Trường TC Kinh tế Kỹ thuật Tây Nam Á, cũng nhận định tình hình tuyển sinh năm nay của các trường trung cấp èo uột hơn năm trước. Đến giờ này dù cố gắng hết sức, trường cũng chỉ tuyển sinh bằng 50% so với năm trước.

Không thể tự cứu mình…

Theo các chuyên gia dạy nghề, mùa tuyển sinh CĐ, ĐH còn kéo dài đến tháng 11 và các trường ĐH vẫn “tham lam” chưa chịu nhả miếng bánh ngọt để tuyển sinh thêm hệ CĐ, TCCN, TCN thì hệ thống trường nghề, TCCN chỉ có nước… bó tay, chờ lượm lặt số thí sinh rơi rớt. Theo Thông tư 57 của Bộ GD-ĐT nhằm cứu các trường nghề khỏi chết yểu thì còn tới 3 năm nữa mới đến thời hạn các trường ĐH không được tuyển sinh hệ TCN, TCCN.

Một vị hiệu trưởng trường nghề chua chát nói: “Năm nào chúng tôi cũng tủi phận trường dưới cơ và mòn mỏi chờ đợi vét số thí sinh rớt CĐ, ĐH. Nhưng càng ngày, hy vọng càng mong manh. Để chiêu dụ tân sinh viên, có trường ĐH ngoài công lập quảng cáo rằng không đạt điểm sàn vẫn có cơ hội học ĐH. Vậy thì còn cửa nào cho trường nghề sinh tồn?”.

Mùa tuyển sinh năm học trước, dù có nhiều nỗ lực, các trường TCN, TCCN ở TPHCM cũng chỉ tuyển được khoảng 50% và cao lắm là 70% chỉ tiêu được giao. Còn năm nay thì sao? Ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề, dự báo: “Áp lực tuyển sinh đào tạo vẫn nặng nề như năm trước và nhiều trường TCN không tránh khỏi tình trạng sức khoẻ thoi thóp, tìm mọi cách để tồn tại”. Tuy năm nay chính sách miễn giảm 50% học phí học nghề tại hệ thống các trường nghề, TCCN, kể cả tư thục được coi là tín hiệu sáng sủa hơn, nhưng chưa biết nó có tăng sức hút  đối với giới trẻ?

Tại hội nghị tuyển sinh hệ GDCN được tổ chức tại TPHCM giữa năm 2013, TS Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ GDCN Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh rằng các trường TCCN phải tìm cách tự cứu mình chứ không nên than vãn không tuyển đủ chỉ tiêu. Nhưng nói thì dễ còn tự thân vận động, cạnh tranh để tồn tại trong tình cảnh thua về lực, yếu về thế như nêu trên thì hầu hết các trường đều cảm thấy bất lực. Trước thực tế hệ thống giáo dục nghề nghiệp thuộc hai Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH chỉ đào tạo khoảng trên 50% công suất, chỉ tiêu cho thấy sự lãng phí rất lớn, rất đáng báo động.

Trong khi xã hội đang cần lực lượng lao động có tay nghề, kỹ thuật, kỹ năng thì giới trẻ vẫn quay lưng với trường nghề, TCCN để chen chân vào các trường CĐ, ĐH để rồi thất nghiệp tràn lan. Một khi xã hội chưa thể lay chuyển tâm lý chuộng bằng cấp, thì tấm bằng ĐH vẫn thắng thế, đè bẹp ý muốn nhỏ nhoi học nghề để tiến thân. Một khi người thợ giỏi nghề, đạt trình độ bậc cao chưa được tôn vinh, trả lương cao hơn kỹ sư mới vào nghề, thiếu trình độ chuyên môn, kỹ năng thì khó tạo được hiệu ứng kêu gọi giới trẻ yên tâm chọn học nghề như mong muốn.

KHÁNH BÌNH

Nguồn: sggp.org.vn

 

Bài viết liên quan

685
  Tải tài liệu