Đào tạo nhân lực ngành điều dưỡng: Chạy theo số lượng, thả nổi chất lượng

Đào tạo nhân lực ngành điều dưỡng: Chạy theo số lượng, thả nổi chất lượng

541
  Tải tài liệu

Thời gian gần đây, nhân lực ngành điều dưỡng được các cơ sở giáo dục ưu tiên đào tạo dẫn đến tình trạng gần như bão hòa. Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý lại cho rằng, sự bão hòa ấy xuất phát từ việc chạy theo số lượng mà chưa mấy quan tâm đến chất lượng. Nhằm mở ra một hướng đi mới, Khoa Y dược (ĐH Đà Nẵng) đã có kế hoạch liên kết xuất khẩu lao động ngành này sang Đức…

Thừa hay thiếu?

Hiện nay trên địa bàn TP.Đà Nẵng có 6 trường ĐH, CĐ mở chuyên ngành đào tạo nhân lực chăm sóc sức khỏe ở cả 3 trình độ: Trung cấp, CĐ, ĐH. Ngoài Trường ĐH Kỹ thuật Y - dược Đà Nẵng - một ngôi trường chuyên đào tạo các ngành điều dưỡng và ngành dược, các trường khác như ĐH Duy Tân, Khoa Y dược ĐH Đà Nẵng, CĐ Phương Đông, CĐ Bách khoa và CĐ Lạc Việt… cũng đều mở các ngành này. Ngay từ năm 2007, khi được cấp phép mở ngành điều dưỡng hệ trung cấp, Trường CĐ Phương Đông đã bắt tay vào đào tạo, và hai năm sau đó (năm 2009), trường bắt đầu tuyển sinh hệ CĐ ngành điều dưỡng. Ông Lê Ngọc Nguyên, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Phương Đông cho biết, những năm đầu mới đào tạo, có khoảng 60 đến 70% SV học điều dưỡng ra trường kiếm được việc làm ở các cơ sở y tế. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, nhà trường mở rộng dần quy mô tuyển sinh ngành điều dưỡng. Đơn cử như: Năm 2007 tuyển mới 524 SV hệ trung cấp, năm 2010: 924 SV trung cấp, năm 2011: 1.403 SV hệ trung cấp, 270 SV hệ CĐ, chiếm 40% tổng SV toàn trường.

Sự gia tăng chóng mặt ấy chỉ bắt đầu chững lại khi một số trường CĐ, ĐH trên địa bàn được cấp phép mở mã ngành điều dưỡng. Con số SV vào trường tụt dần, năm 2013, nhà trường chỉ tuyển được 75% chỉ tiêu tuyển sinh và chỉ được khoảng 70% của năm ngoái (hơn 200 SV). Theo đánh giá của ông Lê Ngọc Nguyên, việc sụt giảm chỉ tiêu tuyển sinh ngoài nguyên nhân có nhiều trường cùng tham gia đào tạo ngành điều dưỡng, thì nhu cầu thị trường các ngành chăm sóc sức khỏe đã bắt đầu bão hòa. Thậm chí đã có dự báo dư thừa lao động ngành điều dưỡng trong tương lai không xa. 

Cũng theo TS.BS Nguyễn Đăng Quốc Chấn, Trưởng khoa Y dược, ĐH Đà Nẵng, hiện nay các cơ sở giáo dục có xu hướng đào tạo điều dưỡng một cách ồ ạt. Từ đó dẫn đến tình trạng dư thừa là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên cần xem xét về chất lượng đào tạo. Trên thực tế, không phải bao giờ người theo ngành điều dưỡng cũng được đào tạo một cách chuyên sâu, có thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc bệnh nhân chủ động và chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực mất cân đối về cơ cấu dẫn đến khi sử dụng chưa phân biệt rõ trình độ đào tạo, kỹ năng, tay nghề… Như vậy, xét cho cùng, nhân lực lao động ngành điều dưỡng qua quá trình ồ ạt đào tạo quên mất chất lượng đã dẫn đến thừa nhân lực nhưng thiếu chất lượng.

Hướng đi mới

Theo thống kê chưa đầy đủ, số lượng tuyển mới nhân viên điều dưỡng hàng năm ở các bệnh viện Đà Nẵng còn hạn chế. Đơn cử, năm 2012 tuyển dụng mới 76 người, con số này ở Bệnh viện Phụ sản - Nhi cũng không nhiều. Còn lại các bệnh viện tuyến quận như Bệnh viện Đa khoa quận Ngũ Hành Sơn, nhiều năm nay không tuyển SV điều dưỡng mới tốt nghiệp.

Có một thực tế rằng, nếu như trước đây, trong ngành y, điều dưỡng được coi là trợ lý của bác sĩ, thì nay, xu hướng này có phần thay đổi. Không chỉ là trợ lý mà điều dưỡng có thể đảm nhận nhiều việc liên quan đến chăm sóc sức khỏe như: Chăm bà mẹ, chăm sóc người đau ốm, người già, trẻ sơ sinh… Đó cũng là một xu thế mới mà các cơ sở đào tạo cần nắm bắt. Điểm đáng chú ý ở đây là đào tạo chuyên sâu về chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường. Có như vậy, bài toán nan giải về dư thừa lao động có bằng cấp mới có đáp án.

Chính vì vậy, từ năm 2013, Khoa Y dược ĐH Đà Nẵng bắt đầu tuyển sinh cử nhân điều dưỡng với điểm chuẩn đầu vào tương đối cao so với các trường ĐH đào tạo ngành y trên cả nước (23 điểm). TS.BS Chấn cho biết, khoa sẽ đào tạo nhân viên điều dưỡng các ngành chuyên biệt cho bệnh nhân ung thư, người già… Bên cạnh đó nhằm tìm một hướng đi hợp lý, vừa giải quyết việc làm, vừa nâng cao trình độ, chuyên môn của ngành điều dưỡng, khoa đã ký biên bản ghi nhớ với Cục Quản lý lao động nước ngoài về việc đào tạo điều dưỡng và hộ lý để xuất khẩu sang Đức. Song song với việc này, bắt đầu từ năm học thứ 2, các SV hệ cử nhân điều dưỡng có nguyện vọng và năng lực sẽ được học thêm tiếng Đức để đáp ứng nhu cầu làm việc ở nước ngoài. “Khoa có kế hoạch hợp tác chặt chẽ với một số trường ĐH có truyền thống đào tạo y dược ở Đức. Hàng năm giáo viên chúng tôi đều có chương trình sang Đức cập nhật phương pháp giảng dạy, sử dụng trang thiết bị và chương trình đào tạo. Hiện đây là năm đầu tiên khoa được cấp phép đào tạo ngành điều dưỡng hệ ĐH, chúng tôi đã có đội ngũ giáo viên gồm 3 tiến sĩ, 6 thạc sĩ, 2 bác sĩ chuyên khoa và sắp tới sẽ có thêm 3 tiến sĩ nữa. Các phòng thực hành, mô hình… cũng đã và đang được trang bị đầy đủ”, BS. Nguyễn Đăng Quốc Chấn cho biết.

Một điểm đáng chú ý khác, đó là Việt Nam đã ký thỏa thuận khung công nhận lẫn nhau với các nước ASEAN về dịch vụ điều dưỡng. Như vậy, cần phải đi trước, đón đầu trong khâu chuẩn bị đầy đủ về cả trình độ, kỹ năng nghề nghiệp lẫn ngoại ngữ cho nhân lực ngành điều dưỡng mới có đủ điều kiện cạnh tranh với các nước trong khu vực. Đồng thời, đào tạo chuyên sâu, nâng cao chất lượng cũng là cách để nâng vị thế người điều dưỡng trong ngành y.

Phan Vĩnh Yên

Nguồn: giaoduc.edu.vn

 

Bài viết liên quan

541
  Tải tài liệu