Lượng sức, chọn ngành
Thấp nhất 13, cao nhất 27 - đó là thực tế điểm chuẩn vào các trường ĐH hằng năm. Cùng một ngành học, điểm chuẩn trường này với trường khác có thể chênh nhau đến 10 điểm. Bạn sẽ chọn trường nào vừa sức mình trong số hơn 400 trường ĐH, CĐ cả nước?
Kinh tế: 13 đến hơn 24 điểm
Khối A luôn là khối có đông thí sinh nhất và cũng là khối có nhiều ngành, nhiều trường nhất để thí sinh chọn lựa. Ở khối này, có thể thấy rõ sự cách biệt điểm chuẩn giữa các nhóm trường. Cao nhất là các trường thành viên thuộc các Đại học Quốc gia và một số trường nhóm kinh tế. Muốn chắc ăn vào nhóm này, thí sinh phải đạt từ 17 điểm trở lên.
Kế đến là các ngành thuộc nhóm kỹ thuật công nghệ ở các trường ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, các ngành ngoài sư phạm ĐH Cần Thơ… khoảng từ 16 đến 18 điểm, một số ngành vươn lên đến trên 20 điểm. Nhóm có mức điểm cận sàn và bằng sàn khối A (khoảng 14-16) gồm các ĐH ở tỉnh, ĐH vùng (ĐH Tây Nguyên, ĐH Đà Lạt, ĐH An Giang...) và nhóm trường mới, trường ngoài công lập.
Thực tế tuyển sinh hằng năm trước đây cho thấy những ngành được nhiều thí sinh quan tâm như: Điện tử viễn thông, kỹ thuật điện - điện tử, CNTT, công nghệ thực phẩm, cơ điện tử, xây dựng... luôn có điểm chuẩn cao hơn các ngành khác ở cùng trường. Tuy nhiên, ở mùa tuyển sinh 2011 thì các ngành này mức điểm không cao hơn mấy so với các ngành khác trong trường.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM năm 2011, điểm chuẩn các ngành này ở mức từ 14 đến 17 điểm. Ở Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), đây cũng là nhóm ngành có mức điểm chuẩn tương đối cao hơn với các trường khác từ 15 đến 19 điểm. Những ngành thuộc lĩnh vực cơ khí, kỹ thuật… mức điểm chỉ ở mức điểm sàn hoặc “nhỉnh” hơn một vài điểm. Riêng các ngành như công nghệ thực phẩm, công nghệ hóa dầu, môi trường… thì điểm chuẩn cao hơn một vài điểm, từ 15 đến 20 điểm, tùy từng khối thi.
Ở khu vực phía Bắc, trường ĐH Kinh tế thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, điểm chuẩn vào các ngành khá cao, từ 21 đến 23 điểm. Trong đó, ngành kế toán là ngành có tỷ lệ “chọi” cao nhất (50/1.181) và cũng là ngành có điểm chuẩn cao nhất: 23 điểm. Các ngành kinh tế của trường ĐH Kinh tế Quốc dân hằng năm điểm chuẩn từ 19 đến 24 điểm.
Năm 2011, điểm chuẩn nhiều ngành của trường nằm ở mức 21 điểm, một số ngành như kinh tế quốc tế, kinh tế đầu tư… điểm chuẩn lên tới 23,5 hay 24,5 điểm. Trong khi đó, các trường như ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, ĐH Kinh tế (ĐH Huế), ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), điểm chuẩn dao động từ 14 điểm đến 19 điểm.
Trường nào vừa sức?
Điểm trúng tuyển mỗi ngành cao hay thấp không chỉ phụ thuộc số lượng thí sinh hay tỉ lệ “chọi”, mà tùy thuộc rất nhiều vào chất lượng thí sinh dự thi vào cùng ngành đó và độ khó của đề thi. Ở các trường tại TP HCM, một số ngành tỉ lệ “chọi” khá cao nhưng điểm chuẩn cũng chỉ ở mức 15. Do vậy, thí sinh không quá âu lo trước những ngành luôn có đông thí sinh.
Để chọn một trường, một ngành vừa với học lực của bản thân, thí sinh cần phải suy nghĩ cẩn thận. Cùng nhóm ngành kinh tế, điểm chuẩn ở ĐH Kinh tế quốc dân có thể trên 20 điểm; ĐH Ngoại thương ở khoảng 22 đến 29 điểm; ĐH Ngân hàng, ĐH Kinh tế TPHCM ở mức trên dưới 20, Khoa kinh tế (ĐH Quốc gia TPHCM) 16-20; ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Nẵng ở mức 16-18. Trong khi đó, hầu hết những trường ĐH mới ở các tỉnh và nhóm trường ngoài công lập, điểm chuẩn bằng hoặc cận điểm sàn ở mức 13, 14.
Trong khi đó, điểm chuẩn các ngành sư phạm lại không có sự chênh lệch quá lớn giữa các trường. Đây là nhóm ngành luôn có đông thí sinh (đặc biệt là các ngành khối A, B) và điểm chuẩn luôn ở mức khá cao so với mặt bằng điểm chuẩn chung. Ở Trường ĐH Sư phạm Công lập hầu hết các ngành toán, lý, hóa, sinh có mức điểm chuẩn trên dưới 20 điểm.
Nhóm ngành y, dược, răng hàm mặt nhìn chung điểm chuẩn ở mức 22 trở lên. Nhóm ngành cử nhân ở các trường y có điểm chuẩn trên dưới 20. Cùng thi khối B, ngành công nghệ sinh học có điểm chuẩn kế cận nhóm ngành y (khoảng 18-22 điểm). Trong khi đó, “anh em ruột thịt” với ngành này là ngành cử nhân sinh học luôn có mức điểm thấp hơn 2-4 điểm. Dễ chịu nhất ở nhóm ngành khối B là nhóm ngành nông lâm ngư có mức điểm chuẩn 14-15 ở hầu hết các trường công.
Với khối C, nhìn chung điểm chuẩn cao nhất thuộc về ngành báo chí, kế đến là sư phạm khối C, ngữ văn... Thông thường, điểm chuẩn khối C các trường phía Bắc luôn cao hơn phía Nam khoảng 2 điểm.
Với khối D, trên 20 điểm vẫn là các ngành nhóm kinh tế thuộc các trường top trên như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân. Riêng nhóm ngành ngoại ngữ, các trường thành viên ĐH Quốc gia điểm chuẩn khoảng 20, kế cận là cử nhân ngoài sư phạm ở các trường ĐH Sư phạm Hà Nội và TPHCM.
Chọn ngành, trường phải từ nguyện vọng bản thân Theo tôi, thứ nhất thí sinh và phụ huynh phải định hướng nghề nghiệp rõ ràng về nguyên tắc việc chọn ngành, nghề của thí sinh phải có từ rất sớm, nghĩa là nó mang tính định hướng, chứ không phải ngay trước kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ… Thi vào ngành nghề nào? Trường nào? Ở đâu? có thể nói là có nhiều tiêu thức lựa chọn. Tuy nhiên, xuất phát điểm của thí sinh khi chuẩn bị vào ngưỡng cửa ĐH, CĐ, THCN…phải là sở thích, sở trường, năng khiếu. Đó mới là điều cốt lõi. Tiếp theo là phải cân nhắc nhu cầu việc làm của ngành này? Nếu xác định được sẽ có ý nghĩa đối với cả cuộc đời, lâu dài hơn là tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Thi trường nào, ngành nào để dễ đậu?”. Mặc khác, thí sinh nên biết lượng sức mình: Nghĩa là phải “biết người biết ta”, nên lượng sức mình có thể vừa với những trường “top” nào. Biết rằng, lời khuyên thì rất bổ ích, nhưng cũng chỉ là sự tham khảo, bản thân các em phải tự quyết định về tương lai của mình. Thạc sĩ Trần Đình Lý Trường Đại học Nông Lâm TPHCM |
Quang Phương
Nguồn: tienphong.vn