Khuyến mại tuyển sinh, “giảm giá” Đại học
Khuyến mại tuyển sinh, “giảm giá” Đại học
1. Người ta phải ngậm cười trước “thảm cảnh” của nền giáo dục trong thời buổi cơ chế thị trường khi nghe tin các trường ĐH, CĐ tư thục dồn dập tung ra các “chiêu” khuyến mại tuyển sinh nhằm lôi kéo các thí sinh NV2 đăng ký nhập học. Khuyến mại bằng vật chất thôi chưa đủ, có trường còn tung chiêu tặng 0,5 điểm cho những thí sinh đăng ký sớm.
Báo chí bắt đầu vào cuộc về vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã ra công văn yêu cầu các trường không được áp dụng các biện pháp tuyển sinh bằng mọi giá, dưới mọi hình thức thiếu lành mạnh gây phản cảm.
Nhưng xét cho cùng, công văn ấy chẳng qua cũng chỉ là một biện pháp hành chính. Nó tựa như việc đưa ra các mệnh lệnh nhằm “chống bán phá giá” hoặc “chống khuyến mại” trong thời buổi kinh tế khó khăn, người khôn, của khó, và người bán hàng (ở đây là các trường ĐH,CĐ) đang ế ẩm trầm trọng, muốn thu hút người mua (ở đây là các thí sinh) bằng mọi cách. Bởi các trường đều hiểu rằng - cũng như chuyến xe khách đường dài - nếu khách không ngồi kín chỗ thì chạy kiểu gì cũng lỗ. Nếu trường thiếu sinh viên thì trường sẽ lỗ to, thậm chí phải đóng cửa.
2. Theo tôi, các hình thức cấm “khuyến mãi” này sẽ không giải quyết được tận gốc. Tôi chưa thấy ai đặt lại vấn đề một cách rốt ráo: Vì sao mấy năm nay các trường liên tục thiếu thí sinh? Vì sao Hiệp hội các trường Đại học, CĐ ngoài công lập phải kiến nghị Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn hoặc xác định điểm sàn thấp? Xin nói ngay rằng, đó không hẳn là vì các lý do mà họ đưa ra như: kết quả điểm của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay nhìn chung thấp hơn năm trước, một vài môn thi có kết quả rất kém, cá biệt điểm thi môn Lịch sử thấp một cách “không bình thường”...
Thực chất, đó là hậu quả tất yếu của tình trạng bùng nổ các trường đại học ngoài công lập mà báo chí đã nêu cách đây 2-3 năm. Tôi nhớ năm 2009, GS Trần Thanh Vân phải kêu lên: “Tôi không hiểu tại sao ở Việt Nam mình lại có nhiều trường đại học, cao đẳng đến thế, gần 400 trường. Do vậy, từ Đại học không còn có ý nghĩa... Ở Pháp, người dân rất giàu nhưng họ không thể mở được đại học tư nhân vì Chính phủ quản lý rất chặt. Bên cạnh đó, tôi nhận thấy 90% đại học của mình là đại học... doanh nghiệp”.
Ngay từ lúc đó, ông đã đề xuất “Trước hết Chính phủ bỏ một số đông trường đại học không đủ điều kiện là trường đại học chuyển thành trường dạy nghề”.
Và giờ đây, ế ẩm ở các trường tư thục là hậu quả tất yếu của sự bùng nổ các trường ĐH, CĐ trong thời gian qua, khi không thiếu ngôi trường mang danh “Đại học” to đùng nhưng được mở ra bằng tiền và bằng ý chí của các “ông chủ”, chứ không hề dựa vào nhu cầu của người học hay dựa vào dự báo nguồn nhân lực của đất nước.
3. Không có lý do gì để xót thương cho trường ĐH, CĐ tư thục không tuyển được thí sinh, bởi một khi họ đã coi giáo dục là kinh doanh, thì họ phải chấp nhận quy luật của thị trường. Khi họ không tạo dựng được uy tín, chất lượng, không có chiến lược đào tạo lâu dài, thì có khoác lên mình cái danh “đại học” với tầm vóc tự xưng như rất kêu như “quốc tế”, “châu Á”, hoặc “liên hành tinh”... thì cũng sớm bộc lộ ra là “cửa hàng dịch vụ giáo dục” cấp... huyện.
Vì thế, Bộ GD&ĐT cần quyết liệt hơn trong việc giữ vững điểm sàn, chống mọi hình thức thỏa hiệp để cứu các trường tư thục. Hy vọng rằng qua thời gian đào thải khắc nghiệt và cũng rất đau đớn, rất lãng phí, chúng ta sẽ bớt được một số lượng lớn trường mà GS Trần Thanh Vân đã cảnh báo cần đóng cửa hoặc chuyển đổi từ 2 năm trước.
Ngô Khởi
29/08/2011 – thethaovanhoa.vn