Vụ chuyển SV ĐH Hùng Vương: Phớt lờ quy chế

Vụ chuyển SV ĐH Hùng Vương: Phớt lờ quy chế

490
  Tải tài liệu

Việc thành lập Ban chỉ đạo chuyển 1.563 sinh viên Trường ĐH Hùng Vương TPHCM sang các Trường ĐH Sài Gòn, ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Mở TPHCM và Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM để tổ chức thi, bảo vệ khóa luận và cấp bằng tốt nghiệp có nhiều bất ổn.

Theo quy chế đào tạo do Bộ GD-ĐT ban hành (Quy chế đào tạo niên chế - gọi tắt là Quy chế 25), sinh viên năm thứ nhất, năm cuối khóa và sinh viên đã dự thi tuyển sinh nhưng không trúng tuyển hoặc có điểm thi thấp hơn điểm xét tuyển của trường xin chuyển đến… không được chuyển trường.

Chuyển trường cấp tốc

Ngày 25-9, UBND TPHCM đã có công văn gửi Bộ GD-ĐT về việc giải quyết thi, bảo vệ khóa luận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên Trường ĐH Hùng Vương TPHCM.

Theo UBND TP, Trường ĐH Hùng Vương TPHCM không tự tổ chức thi và bảo vệ khóa luận tốt nghiệp cho 1.460 sinh viên năm cuối vì con dấu đang bị nhóm ông Lê Văn Lý chiếm giữ bất hợp pháp. Căn cứ đề xuất của Trường ĐH Hùng Vương TPHCM (bà Tạ Thị Kiều An, Hiệu trưởng tạm quyền), UBND TP nhận thấy Trường ĐH Sài Gòn thuộc UBND TP có đủ điều kiện và khả năng tổ chức thi, bảo vệ khóa luận tốt nghiệp cho sinh viên.

Do đó, UBND TP đề nghị Bộ GD-ĐT chấp thuận và có ý kiến chỉ đạo Trường ĐH Sài Gòn và một số trường ĐH khác có đào tạo các ngành, chuyên ngành phù hợp với ngành học được phối hợp với Trường ĐH Hùng Vương TPHCM để tổ chức thi, bảo vệ khóa luận tốt nghiệp và cấp bằng cho sinh viên năm cuối của Trường ĐH Hùng Vương TPHCM theo qui định nhằm đảm bảo quyền lợi cho sinh viên.

Theo báo cáo của Trường ĐH Hùng Vương TPHCM, hiện số sinh viên đang theo học tại trường năm học 2013-2014 là 3.201 (chủ yếu là sinh viên năm thứ 3 và năm cuối) và trên 300 sinh viên các khóa trước học lại các học phần chưa đạt. Trong đó, số sinh viên đủ điều kiện thi và bảo vệ khóa luận tốt nghiệp năm 2013 là 1.460 sinh viên (trong đó có 64 sinh viên Lào). Số liệu này tính đến ngày 3-8-2013.

Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT GS-TSKH Bùi Văn Ga có Công văn 6629 trả lời UBND TP như sau: “Đồng ý với đề nghị của UBND TP về việc chuyển sinh viên năm cuối của Trường ĐH Hùng Vương TPHCM sang các trường đại học khác trên địa bàn để tổ chức thi, bảo vệ khóa luận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp”.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành liên quan tạo điều kiện giúp Trường ĐH Hùng Vương TPHCM liên hệ với các trường đại học có đào tạo ngành phù hợp để tiếp nhận, tổ chức thi, bảo vệ khóa luận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp.

Trên cơ sở công văn trả lời của Bộ GD-ĐT, ngày 5-10, UBND TP ra quyết định số 5474 thành lập Ban chỉ đạo chuyển sinh viên sang các trường khác gồm: 1.223 sinh viên được chuyển về Trường ĐH Sài Gòn (122 sinh viên ngành Công nghệ Thông tin; 308 sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh; 86 sinh viên ngành Quản trị Bệnh viện; 215 sinh viên ngành Kế toán; 403 sinh viên ngành Tài chính – Ngân hàng và 89 sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh); 55 sinh viên chuyển về Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM (ngành Công nghệ sau thu hoạch); 241 sinh viên nganh Du lịch chuyển về Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM và 44 sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật chuyển về Trường ĐH Mở TP.HCM.

Cũng trong quyết định này, UBND TP đưa ra lịch tổ chức thi, bảo vệ khóa luận tốt nghiệp tư ngày 15 đến ngày 26-10-2013; báo cáo kết quả thi, bảo vệ khóa luận tốt nghiệp ngày 31-10 và báo cáo công tác cấp bằng tốt nghiệp ngày 4-11. Theo quyết định này, tổng cộng số sinh viên phải chuyển sang các trường khác để thi, bảo vệ khóa luận tốt nghiệp la 1.563 sinh viên (tính đến ngay 27-9-2013).

Bộ có xé rào?

Thực tế, việc bất ổn tại trường làm ảnh hưởng đến việc thi và học tập của sinh viên. Tuy nhiên, việc quyết định chuyển 1.563 sinh viên sang các trường khác khi chưa có những rà soát cụ thể về chương trình, quy trình cấp bằng, quy chế đào tạo là quá cập rập. Đáng nói hơn, việc chuyển sinh viên sang khác trường khác vướng đến nhiều điều kiện cứng của Quy chế đào tạo do Bộ GD-ĐT ban hành.

Trả lời về vấn đề này, đại diện các trường có tên trong quyết định tiếp nhận sinh viên Trường ĐH Hùng Vương TPHCM cho rằng: “Chưa thể tổ chức thi tốt nghiệp như Quyết định của UBND TP. Thời điểm này các trường đang rà soát chương trình đào tạo, lên lịch thi và đặc biệt là việc cấp bằng. Các trường đều cho rằng phải chờ quyết định của Bộ GD-ĐT”.

Theo Quy chế 25 do Bộ GD-ĐT ban hành tại Mục 2 Điều 9 của quy chế quy định rõ những trường hợp sau không được chuyển trường: “Sinh viên năm thứ nhất và năm cuối khóa không được chuyển trường; Sinh viên đã dự thi tuyển sinh nhưng không trúng tuyển hoặc có điểm thi thấp hơn điểm xét tuyển của trường xin chuyển đến trong trường hợp chung đề thi tuyển sinh”.

Mặt khác, việc chuyển sinh viên sang các Trường ĐH Sài Gòn, ĐH Nông lâm TPHCM, ĐH Mở lại càng sai khi điểm đầu vào năm 2009 của sinh viên Trường ĐH Hùng Vương TPHCM đều thấp hơn điểm chuẩn của các trường trên.

Tại Trường ĐH Sài Gòn, điểm chuẩn năm 2009 của các ngành như sau: Công nghệ Thông tin: 15,5 điểm (khối A); Quản trị kinh doanh: 15,5 điểm (khối A), 17 điểm (khối D); Kế toán: 15,5 điểm (khối A), 16 điểm (khối D); Tài chính ngân hàng: 17 điểm (khối A), 17,5 điểm (khối D); Tiếng Anh: 17 điểm (khối D). Trong khi đó, điểm chuẩn vào những ngành này ở Trường ĐH Hùng Vương là bằng điểm sàn năm 2009: khối A, D: 13 điểm, khối B, C: 14. Ngành tiếng Nhật của Trường ĐH Mở điểm chuẩn năm 2009 là 14 điểm (khối D, D4, D6).

Trường ĐH Nông Lâm TPHCM không có ngành Công nghệ sau thu hoạch và ngành gần là ngành Cơ khí chế biến bảo quản Nông sản thực phẩm điểm chuẩn năm 2009: NV1: 13 điểm (khối A) và NV2: 14 điểm.

Quy chế là vậy, nhưng trong Ban chỉ đạo chuyển sinh viên Trường ĐH Hùng Vương TPHCM có đại diện của Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM, có hiệu trưởng của các trường ĐH nhưng tất cả đã dường như bỏ qua những điều kiện trong Quy chế 25 về việc chuyển trường mà Bộ GD-ĐT đã ban hành. Nếu Bộ GD-ĐT tiếp tục bỏ qua những điều kiện của Quy chế trong việc chuyển sinh viên do bộ ban hành chắc chắn sẽ tạo tiền lệ “xé rào” sau này.

Rõ ràng việc chuyển sinh viên Trường ĐH Hùng Vương TPHCM như hiện nay còn vướng nhiều nội dung trong Quy chế của Bộ GD-ĐT nên không thể xem là giải pháp tối ưu, hợp tình và hợp lý được.

Do đó, Bộ GD-ĐT nên rà soát và cần có hướng giải quyết hợp tình và chuẩn về lý để không phải mang tiếng Bộ GD-ĐT “xé rào”. Một điều quan trọng nữa là tấm bằng và kết quả của sinh viên sau này sẽ có chuyện dở khóc dở cười: bằng của trường này nhưng bảng điểm lại của trường khác và chắc chắn khi xin việc hoặc tiếp tục học lên cao người học sẽ gặp rắc rối.

Thanh Ngọc

Nguồn: nld.com.vn

Bài viết liên quan

490
  Tải tài liệu