Đề thi THPT quốc gia 2020 giảm độ khó

Các đơn vị chuyên môn sớm hoàn thành xây dựng đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 cho tất cả các môn theo hướng tính toán cân đối lượng kiến thức sao cho phù hợp

1271
  Tải tài liệu

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho biết cục sẽ xây dựng và sớm công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 phù hợp giảm tải chương trình do dịch bệnh Covid-19.

Đề minh họa cần có sớm, rõ ràng

Theo đại diện Cục Quản lý chất lượng, sau khi có chương trình giảm tải, cục sẽ dựa vào đó để xây dựng ma trận đề, sau đó hoàn thiện đề tham khảo để công bố. Qua đó nhằm làm định hướng cho các nhà trường tổ chức dạy học, ôn tập trong kỳ thi THPT quốc gia 2020.

Chia sẻ về tiến độ hoàn thành việc giảm tải, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT), thông tin đơn vị này đang đẩy mạnh việc triển khai rà soát chương trình, dự kiến trong tháng 3-2020 sẽ phải hoàn thành công bố phương án giảm tải để áp dụng khi nhà trường mở cửa trở lại. "Hy vọng đến tháng 4-2020, khi dịch bệnh đẩy lùi, học sinh sẽ trở lại trường" - ông Thành nói.

Một chuyên gia tuyển sinh nhận định do việc học tập của học sinh bị gián đoạn, chương trình học kỳ II được giảm tải nên đề thi năm nay nên giảm độ khó so với năm trước để công bằng cho các thí sinh. Chuyên gia này đề xuất với những kiến thức ở học kỳ II lớp 12, Bộ GD-ĐT chỉ ra đề ở mức cơ bản, có thể tập trung các câu hỏi có mức độ phân hóa cao vào các kiến thức đã học ở học kỳ I. Hiệu trưởng một trường THPT tại Hà Nội thừa nhận việc học trực tuyến không thể đem lại kết quả như học trực tiếp, vì thế Bộ GD-ĐT nên sớm có đề minh họa rõ ràng, cụ thể để giáo viên bám vào đó dạy học sinh.

Hiệu trưởng này cũng đề xuất Bộ GD-ĐT cân nhắc giảm độ khó của đề, đặc biệt với những kiến thức của học kỳ II lớp 12. Nếu bộ không sớm có hướng dẫn giảm tải thì giáo viên sẽ rất rối trong dạy học, vì chưa biết học sinh sẽ nghỉ đến khi nào và có đủ thời gian học chương trình học kỳ II và ôn tập hay không?

Tinh giản nội dung nâng cao

Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết thêm việc tinh giản nội dung dạy học tập trung vào học kỳ II của năm học 2019-2020 với tất cả các khối lớp. "Khi cắt giảm chương trình không thể làm cơ học mà phải có rà soát và phương án cụ thể, làm sao phải bảo đảm chuẩn đầu ra, chuẩn chất lượng" - ông Thành nói. Việc tinh giản nội dung sẽ được thực hiện theo hướng đó là lấy chương trình giáo dục làm cơ sở, từ đó rà soát các nội dung trong sách giáo khoa môn học. Với những nội dung vận dụng nâng cao vượt quá chuẩn thì sẽ được tinh giản. Chỉ dạy học ở 3 mức độ đọc - hiểu - vận dụng thấp.

Ngoài ra, bộ sẽ xem xét những kiến thức lặp lại giữa các môn học, các lớp học. Việc tinh giản sẽ tính toán đến kiến thức ở lớp dưới đã học thì sẽ cắt đi ở lớp trên. Ngoài ra, sẽ tích hợp những nội dung giao thoa giữa các môn học như khoa học - công nghệ, lịch sử - địa lý… Với những nội dung này, bộ sẽ thiết kế để tổ chức tích hợp vào một môn chủ đạo và chỉ bổ sung yêu cầu cần đạt ở những môn còn lại, không dạy lặp lại kiến thức đó nữa. Như vậy, sẽ tiết kiệm được lượng thông tin, tiết kiệm được đối tượng nghiên cứu khảo sát cho học sinh nhưng vẫn bảo đảm được yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của chương trình.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thành, bộ sẽ hướng dẫn cụ thể hóa nội dung tinh giản theo hướng phát triển năng lực và kiến thức cơ bản, bảo đảm thống nhất chung toàn quốc.

Bên cạnh đó, bộ cũng sẽ có hướng dẫn cụ thể, quy định chi tiết hơn việc dạy học qua internet và truyền hình ra sao, từ xây dựng kế hoạch dạy học, kỹ năng của giáo viên, tài liệu dạy học… bảo đảm chất lượng, hiệu quả, theo dõi được việc học của học sinh. Chỉ khi có quy định chặt chẽ thì việc kiểm tra, đánh giá ghi nhận kết quả học tập mới đạt chất lượng.

Lùi thời gian xét tuyển ĐH

Theo lịch trình tuyển sinh, tháng 4 hằng năm là thời điểm học sinh bắt đầu làm thủ tục đăng ký xét tuyển ĐH. Năm nay, do dịch Covid-19, việc tuyển sinh ĐH cũng sẽ có nhiều thay đổi.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho hay bộ sẽ điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh đợt 1 của các trường. Theo bà Phụng, thông thường, kế hoạch tuyển sinh đợt 1 là thời điểm ngay sau khi thi THPT quốc gia. Năm nay, các lịch trình của thí sinh như lịch đăng ký xét tuyển, đăng ký tuyển thẳng, thay đổi nguyện vọng xét tuyển sẽ lùi tịnh tiến theo thời gian lùi kỳ thi THPT quốc gia 2020. Các đợt khác sau đợt 1, các trường sẽ tự điều chỉnh căn cứ vào kết quả tuyển sinh đợt 1 và kết quả tuyển sinh của những đợt trước để bố trí lịch tuyển sinh của những đợt sau.

YẾN ANH
nld.com.vn – 23/03/2020

Bài viết liên quan

1271
  Tải tài liệu