Khối ngành khoa học sức khỏe: Dễ dãi tuyển sinh, khó tìm việc làm
Khối ngành khoa học sức khỏe: Dễ dãi tuyển sinh, khó tìm việc làm
Hiện nhiều trường đang ồ ạt mở ngành y đa khoa, dược học, điều dưỡng, kỹ thuật y sinh… Trừ số ít trường có mức điểm chuẩn cao chót vót, hầu hết các trường còn lại đều lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn. Tuyển sinh dễ dãi, đào tạo kém chất lượng khiến nhiều học viên ra trường khó kiếm việc làm.
Bùng nổ chỉ tiêu
Thống kê từ cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, nhóm ngành khoa học sức khỏe tại các trường ĐH và CĐ, học viện lên đến hơn 36.000 chỉ tiêu (năm 2012 chỉ hơn 30.000 chỉ tiêu). Ngoài ra, còn có hơn 63.000 chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành y dược ở bậc trung cấp (TC). Trong đó, “thịnh hành” nhất là các ngành dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật y học… Không chỉ được đào tạo ở các trường chuyên về y tế mà kể cả các trường đa ngành, trường ngoài công lập cũng được mở nhóm ngành y dược, vốn được xem là đặc thù có yêu cầu khắt khe vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người.
Chính vì sự “bùng nổ” về chỉ tiêu, loại hình đào tạo nên càng lúc nhóm ngành khoa học sức khỏe càng trở nên… mất giá. Để tuyển đủ chỉ tiêu, nhiều trường phải lấy điểm chuẩn thấp bằng điểm sàn để mong kiếm đủ người học. Thậm chí, trong mùa tuyển sinh 2012, một trường ĐH ngoài công lập tại TP.HCM lấy mức điểm chuẩn bằng sàn, nhưng chỉ có 9-10 thí sinh trúng tuyển vào bậc ĐH ngành điều dưỡng. Cũng trong mùa tuyển sinh 2012, chỉ số ít trường như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược TP.HCM, Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Y Dược Cần Thơ… lấy điểm chuẩn trúng tuyển trên 20 điểm.
Đa phần các trường còn lại có mức điểm trúng tuyển vào các ngành cử nhân điều dưỡng, kỹ thuật y học, dược sĩ... thấp bất ngờ. Cụ thể, ngành quản lý bệnh viện, y tế cộng đồng, điều dưỡng của ĐH Thăng Long chỉ đưa ra mức trúng tuyển là 13, 14 điểm. Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ) ngành dược sĩ ĐH (khối A, B) và điều dưỡng (khối B) đều có điểm chuẩn trúng tuyển bằng sàn. Hầu hết các trường ngoài công lập đều có điểm trúng tuyển bằng điểm sàn, nhưng không tuyển đủ chỉ tiêu, phải xét tuyển nguyện vọng bổ sung…
“Lọt sàn” vẫn học y dược
Nếu “lọt sàn” ĐH, người học có thể đi đường vòng bằng cách học sơ cấp, TC rồi liên thông. Chỉ với những thủ tục xét tuyển đơn giản (nộp bản sao có công chứng bằng tốt nghiệp THPT) cũng có thể vào học khối ngành y dược nên không ít trường hợp gian lận xảy ra. Trường hợp học viên Trần Thị Bích L., lớp 10DS T03 hệ vừa học vừa làm, Khoa Dược, Trường TC Âu Việt (Q.Gò Vấp) đã sử dụng bằng tốt nghiệp giả là một ví dụ. L. dùng bằng giả để vào học lớp Dược tá của Trường ĐH Y Dược. Sau khi có bằng dược tá, L. xét tuyển vào học hệ vừa học vừa làm lớp TC dược tại trường TC Âu Việt. Quá trình học của L. khá suôn sẻ đến hết chương trình học, chỉ còn chờ xét thi tốt nghiệp thì việc gian lận bị phát hiện.
Việc các trường tuyển sinh đầu vào các ngành khoa học sức khỏe với mức điểm quá thấp đã khiến nhiều người lo ngại. TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Tư vấn hướng nghiệp, Trưởng ban Công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM cho biết, yêu cầu đầu vào người học nhóm ngành khoa học sức khỏe luôn đòi hỏi phải là người giỏi vì nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Vì vậy, các trường y dược thường có điểm chuẩn rất cao, nhất là ngành bác sĩ đa khoa. Trong thời đại kỹ thuật y học ngày càng tiến bộ, chuyên sâu thì càng yêu cầu người học phải có trình độ. Chúng ta cần xác định rõ ràng đào tạo y khoa, nhất là đào tạo bậc cao như CĐ-ĐH và sau ĐH phải là đào tạo tinh hoa, không thể chạy theo số lượng, tuyển sinh tràn lan. Việc xác định quá chỉ tiêu, tuyển sinh dễ dãi cũng khiến nhiều học viên ra trường khó kiếm việc làm.
Giảng viên ở một trường y dược lớn tại TP.HCM cho biết, không chỉ trường TC, các trường ĐH, CĐ cũng đang đua nhau đào tạo bậc TC nhóm ngành khoa học sức khỏe khiến tương lai của học viên tốt nghiệp khó đảm bảo. Bạn Trần Thị M., học TC điều dưỡng khóa 2010-2012 một trường ĐH cho biết: “Lớp tôi khoảng 90 người nhưng hầu như chưa ai tìm được việc làm đúng ngành sau một năm tốt nghiệp. Nhiều bệnh viện lớn “nói không” với sinh viên tốt nghiệp từ những trường tư. Tôi còn có thể về quê xin việc trong khi các bạn hộ khẩu tại TP.HCM thì phải xin việc khác làm tạm”.
Điều dưỡng trưởng của một bệnh viện lớn tại TP.HCM cho biết, đa phần những trường đào tạo đa ngành không đủ trang thiết bị, điều kiện để đào tạo nhóm ngành y tế bài bản. Họ thường mời thỉnh giảng giảng viên ở các trường ĐH y dược hoặc những người đang công tác tại các bệnh viện để đưa sinh viên - học viên vào thực tập. Những trường này thường có học phí khá cao nhưng đào tạo học viên - sinh viên bị “chê” thiếu khả năng thực hành cơ bản như: đặt máy thở, tiêm, lấy máu, thông ống tiểu... Thậm chí, nhiều em tiêm, lấy máu xét nghiệm khiến cánh tay bệnh nhân bầm nhiều chỗ vẫn chưa làm xong.
Việc Bộ GD-ĐT cấp chỉ tiêu cho các trường tuyển sinh các ngành liên quan khoa học sức khỏe một cách ồ ạt, tuy đáp ứng nhu cầu theo học ngành thời thượng của thí sinh nhưng không giải quyết được nhu cầu thiếu nhân lực giỏi của ngành y hiện nay. Trái lại, điều này còn gây nhiều lãng phí khi thí sinh ra trường không có việc làm hoặc tay nghề non kém, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho xã hội.
Tiêu Hà
Nguồn: phunuonline.com.vn