Điểm sàn đại học khoảng 13-14

Điểm sàn đại học khoảng 13-14

842
  Tải tài liệu

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết như vậy tại buổi họp báo chiều tối 10/7 sau khi kết thúc thi ĐH đợt 2. Với đề thi ĐH năm nay thí sinh đạt điểm tuyệt đối sẽ ít đi, thí sinh đạt điểm trung bình sẽ nhiều hơn.

Sẽ ít điểm tuyệt đối

- Thưa Thứ trưởng, sau khi kết thúc hai đợt thi ĐH nhiều ý kiến nhận xét đề thi có độ phân hóa cao. Vậy Bộ GD-ĐT dự kiến mức điểm sàn các khối thi năm nay có biến động so với năm trước?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Chủ trương xuyên suốt hai đợt thi ĐH của Bộ GD-ĐT là ra đề thi không quá khó, không quá phức tạp và đánh đố học sinh. Với mục tiêu ra đề đảm bảo phân hóa cao và kết quả thi hợp lí. Cụ thể là thí sinh đạt điểm tuyệt đối sẽ ít đi, thí sinh đạt điểm trung bình sẽ nhiều hơn. Và phổ điểm đầu vào cũng được nới rộng hơn.

Với mức độ đề ra như vậy thí sinh cũng sẽ cơ hội trúng tuyển nhiều hơn và các trường tuyển sinh đủ chỉ tiêu được giao cũng dễ hơn.

Thông qua nhận định từ phía dư luận về đề thi 2 đợt có tính phân loại cao thì bài thi đạt điểm 10 sẽ giảm, bài thi đạt điểm thấp cũng giảm nhưng số thí sinh đạt điểm trung bình sẽ nhiều hơn. Cụ thể là phổ điểm sẽ phổ biến ở ngưỡng 15-16 điểm/ ba môn thi.

Như vậy điểm sàn năm nay dự kiến sẽ không thấp hơn năm 2010 (khối A, D là 13, của khối B, C là 14 điểm). Tôi dự đoán vậy. Còn mức điểm cụ thể còn phụ thuộc vào kết quả điểm thi của tất cả thí sinh và Hội đồng điểm sàn sẽ họp quyết định.

- Ngoài những nhận xét đề có tính phân hóa còn có băn khoăn đề thi khối A năm nay khó. Và Bộ GD-ĐT chủ trương ra đề thi khó để hạn chế thí sinh trúng tuyển vào ĐH và tăng số thanh niên đủ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Thứ trưởng lý giải thế nào về băn khoăn đặt ra?

Đề thi khó hay dễ không quan trọng vì các trường tuyển sinh sẽ căn cứ chỉ tiêu được giao và tuyển từ trên xuống. Như đã khẳng định về mục tiêu ra đề ở trên thì Bộ không chủ trương ra đề khó, mà trong đề sẽ có câu khó và câu dễ nhằm phân loại thí sinh. Còn chỉ tiêu thì đã được quy định nên không có chuyện ra đề khó để hạn chế số thí sinh trúng tuyển ĐH.

Chưa thể bỏ thi "ba chung"

- Để xảy ra một số sự cố ở đợt thi thứ nhất, Thứ trưởng nhìn nhận thế nào khi có nhiều ý kiến cho rằng, có sự chủ quan, lơ là trong khâu tập huấn giám thị?

Về cơ bản cả hai đợt thi kết thúc trong an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế. Tuy nhiên, có một số sự cố xảy ra ở đợt thi thứ nhất như giám thị ký nhầm tại phòng thi số 41 vào Học viện Hậu cần và nhầm lẫn mã đề thi ở Hội đồng thi Trường ĐH Giao thông vận tải là do sự cố kỹ thuật.

Còn để bước vào hai đợt thi ĐH các đơn vị có tổ chức thi đã chuẩn bị tập huấn rất kỹ. Tuy nhiên, để xảy ra một số sai sót như vậy không phải năm nay mới có mà các mùa thi năm trước cũng từng xảy ra.

Đối với sự cố ở Học viện Hậu cần là do xử lí chưa chuyên nghiệp dẫn đến sự cố nhỏ thành lớn. Còn sự cố nhầm mã đề ở Trường ĐH Giao thông vận tải đã được xử lí kịp thời và không để lại hậu quả ảnh hưởng đến kỳ thi.

Do đó, có thể nói việc chuẩn bị của Bộ là rất chu đáo vì 10 năm tổ chức thi 3 chung năm nay Bộ mới phải dùng đề thi dự bị.

- Vấn đề đổi mới thi tuyển sinh đã đặt ra và gần như không được Bộ GD-ĐT đề cập tới trong 1 năm gần đây. Vậy trước những bất cập của tuyển sinh 3 chung đặt ra năm nay - Bộ có dự kiến những đổi mới tuyển sinh năm tới? Và phương án cụ thể sẽ cải tiến thế nào, thưa Thứ trưởng?

Việc đổi mới thi ĐH - Bộ đã đặt vấn đề. Năm 2010 Bộ cũng đặt hàng với một số trường ĐH cùng nghiên cứu đổi mới thi. Tuy nhiên, việc đổi mới thi tuyển sinh ĐH phải toàn diện, đồng bộ với đổi mới cách dạy, cách học và cách thi ở phổ thông. Nếu chỉ đổi mới tuyển sinh mà không đổi mới cách học, cách thi ở phổ thông thì sẽ không hiệu quả.

Do đó Bộ dự kiến đến năm 2015 sẽ có đổi mới toàn diện cách dạy - học và thi tuyển sinh và có lộ trình thực hiện cụ thể để các em học sinh ở phổ thông thay đổi cách học, cách kiểm tra. Việc này sẽ có lộ trình thực hiện cụ thể và Bộ sẽ công bố sớm.

Vì thực tế, mỗi năm có gần 2 triệu thí sinh đăng ký dự thi ĐH, CĐ và số đến thi xấp xỉ 1,5 triệu nhưng chỉ tiêu mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nên việc thi ĐH, CĐ sẽ còn kéo dài.

- Cũng liên quan đến vấn đề đổi mới thi cử, nhiều phụ huynh có ý kiến về thời gian thi mỗi đợt không cần kéo dài đến 3 ngày (1 ngày làm thủ tục và 2 ngày thi) mà chỉ cần 2 ngày là đủ. Nghĩa là sáng làm thủ tục chiều thi luôn môn đầu thì phụ huynh không phải tốn kém thêm 1 ngày chờ đợi, gây ùn tắc giao thông...Thứ trưởng có ý kiến thế nào về vấn đề đặt ra?

Theo quy định từ trước đến nay là mỗi đợt thi sẽ có 3 ngày. Một ngày trước thi thí sinh làm thủ tục dự thi và điều chỉnh những sai sót nếu có. Ngày làm thủ tục không chỉ giúp thí sinh mà còn giúp các trường ra soát để không nhầm lẫn số báo danh của thí sinh. Vì thi ba chung nếu nhầm 1 số báo danh sẽ xô lệch số báo danh của cả Hội đồng thi và sẽ ảnh hưởng đến cả nước.

Do đó, buổi chiều ngày làm thủ tục dự thi là thời gian để các trường ra soát lại tất cả khâu chuẩn bị để đề phòng sự cố xảy ra.

- Cảm ơn Thứ trưởng!

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Ngô Kim Khôi: "Thí sinh có nhiều cơ hội vào ĐH"

Liên quan đến quy định thí sinh được rút hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2, NV3 của trường này sang nộp trường khác thì có cần thêm động thái nào ghi trên Giấy chứng nhận kết quả thi - ông Ngô Kim Khôi cho biết: Như mọi năm thí sinh có kết quả thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn quy định của Bộ nhưng không trúng tuyển NV1 sẽ được trường dự thi cấp cho 2 Giấy chứng nhận kết quả để tham gia xét tuyển vào trường khác.

Điều khác mọi năm là thí sinh khi nộp hồ sơ xét tuyển NV2 hoặc NV3 vào trường có nguyện vọng theo học vẫn có thể rút ra đem nộp cho trường khác có cơ hội trúng tuyển cao hơn (theo tìm hiểu của thí sinh). Tuy nhiên, thời hạn cho thí sinh rút chỉ ấn đinh trong vòng 15 ngày - tính từ thời gian nộp hồ sơ. 5 ngày cuối trước khi công bố kết quả trúng tuyển NV2, NV3 thí sinh không được rút lại hồ sơ.

Và Giấy chứng nhận kết quả thi số 1 và số 2 năm nay sẽ có thêm 1 dòng để thí sinh rút ra sẽ điền thêm thông tin để gửi sang trường khác. Nếu rút lần 3 thì phải kèm theo đơn trình bày nguyện vọng mới nộp được sang trường khác.

Như vậy thí sinh sẽ có nhiều cơ hội trùng tuyển hơn. Để có thông tin cho thí sinh, các trường sẽ phải cập nhật lượt hồ sơ đăng ký xét tuyển từng ngày lên trang web của trường để thí sinh lựa chọn.

Lệ phí đăng ký xét tuyển có được rút ra hay không, Bộ  GD-ĐT giao cho trường quyết định.

Kiều Oanh (ghi)

11/07/2011 – vietnamnet.vn

Bài viết liên quan

842
  Tải tài liệu