Đào tạo hệ vừa làm vừa học: “Thả nổi” chất lượng
Hệ vừa làm vừa học (VLVH) ngay từ khi ra đời đã kịp thời đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân. Nhưng sau gần 50 năm tồn tại, loại hình này đang bị thử thách gay gắt về chất lượng đào tạo khi một vài địa phương đã “quay lưng” và “nói không” với tấm bằng VLVH.
Mạnh ai nấy “tuyển”
Không thể phủ nhận những đóng góp mà hệ đào tạo VLVH đã mang lại khi góp phần giảm tải cho hệ thống đào tạo chính quy. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi nguồn tuyển thí sinh hệ chính quy bị cạnh tranh quyết liệt, không ít các cơ sở đào tạo nhanh tay mở rộng quy mô đào tạo hệ không chính quy (trong đó có hệ VLVH) nhằm kiếm thêm thu nhập bằng cách nới lỏng đầu vào. Có trường tuyển sinh hệ VLVH lên đến 60% - 70% so với chỉ tiêu hệ chính quy.
Th.S Nguyễn Thị Thu Ba, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, dẫn chứng: “Tại một trường đại học ở TPHCM, cùng một ngành công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, cùng xét tuyển điểm thi đại học 2013, ở hệ chính quy có điểm chuẩn là 18 điểm nhưng điểm chuẩn đầu vào hệ VLVH chỉ 13 điểm. Tại một số cơ sở khác, mức chênh lệch giữa hai hệ này cũng tròn trèm 5 - 6 điểm”. Đối tượng tuyển sinh cũng rất đa dạng, từ học sinh tốt nghiệp THPT (phần lớn do rớt đại học hệ chính quy), tốt nghiệp trung cấp, trường nghề... Thậm chí, nhiều cơ sở “mời” thí sinh vào học theo kiểu “cho không biếu không”, chỉ cần đóng tiền là có thể ung dung ngồi học chờ ngày lấy bằng cử nhân.
Chưa hết, Th.S Thu Ba cho biết, hệ VLVH tại một số đơn vị đào tạo còn có số tín chỉ cao hơn cả hệ chính quy. Tại Trường Đại học Kinh tế TPHCM, số tín chỉ của hệ đào tạo VLVH cao hơn 35 tín chỉ so với hệ chính quy. Trong khi hệ chính quy học vào các buổi trong tuần, thì hệ VLVH chỉ học ba buổi tối trong tuần. Như vậy, với số tín chỉ nhiều hơn, nhưng thời gian học lại ít hơn, liệu chất lượng đào tạo có ổn?
Tại hội thảo bàn về giải pháp đảm bảo chất lượng đào tạo hệ VLVH do Viện Nghiên cứu giáo dục vừa tổ chức, ông Dương Đình Cả, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho rằng, không ít cơ sở đào tạo coi hệ VLVH là “cần câu cơm”, tạo việc làm thêm, tăng thu nhập cho các thầy, cô giáo. Vì là cần câu cơm, là dạy thêm, là ngoài giờ nên tinh thần, thái độ và trách nhiệm của người dạy cũng có chừng mực.
Đừng để xã hội quay lưng
Cách đây hơn 2 năm, TP Đà Nẵng từng ra thông báo không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức (nay là hệ vừa VLVH) vào làm việc trong cơ quan nhà nước. Quyết định vào thời điểm đó như một “cơn lốc” gây xôn xao dư luận. Nhưng gần đây, một địa phương khác là Nam Định cũng thông báo tuyển dụng công chức với nội dung người dự tuyển phải được đào tạo hệ chính quy tập trung dài hạn, đồng nghĩa với việc không tuyển hệ VLVH. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, khi một vài địa phương bắt đầu chối từ bằng VLVH thì các trường phải nhận ra chất lượng yếu kém của sản phẩm do mình đào tạo.
Tuy nhiên, ông Phạm Duy Quang, Phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TPHCM khá trăn trở: “Những năm gần đây, tỷ lệ tốt nghiệp hệ VLVH tại Trường ĐH Luật TPHCM thường dao động khoảng 40% - 50%. Thấp nhất là khóa mới tốt nghiệp tại cơ sở Cần Thơ, chỉ 24%. Những con số này là kết quả của quá trình siết chặt kỷ luật và chất lượng đào tạo. Thế nhưng, việc làm này lại khiến trường phải đối mặt với một sự cạnh tranh không lành mạnh từ phía những đơn vị khác. Bẳng chứng là 180 học viên VLVH khóa mới nhất của trường tại cơ sở Nha Trang đang bị “lôi kéo” bởi các cơ sở đào tạo khác”.
PGS-TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục khẳng định, nếu không quản lý theo hệ thống, thì sớm muộn gì xã hội cũng quay lưng với hệ VLVH. Phải xác định, việc tiếp tục duy trì hệ này là một chủ trương đúng đắn để đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội. Nhưng muốn nâng cao chất lượng đào tạo, các cơ quan quản lý phải có những quy định chặt chẽ hơn trong quy chế đào tạo, tiến hành đào tạo theo những quy trình hợp lý, đảm bảo chất lượng đào tạo từ tuyển sinh đầu vào, tổ chức quá trình dạy học, kiểm tra đánh giá quá trình học tập và đảm bảo chất lượng đầu ra. Về phía người học cũng phải xác định lại động cơ học tập đúng đắn, thực học, không chạy theo bằng cấp thì mới thực sự có khả năng, đáp ứng yêu cầu công việc sau khi tốt nghiệp, đồng thời mới xóa được định kiến không hay của xã hội về hệ VLVH như hiện nay.
TƯỜNG HÂN
Nguồn: sggp.otg.vn