Nếu bỏ thi THPT quốc gia 2020, trường ĐH sẽ tuyển sinh ra sao ?

Theo đại diện nhiều trường ĐH, nếu dịch bệnh kéo dài Bộ GD-ĐT có thể tính tới việc dừng kỳ thi THPT quốc gia 2020 và các trường sẽ phải chủ động trong phương án tuyển sinh trường mình.

864
  Tải tài liệu

“Luật không quy định phải thi THPT quốc gia”

Trước câu hỏi về việc có thể bỏ kỳ thi THPT quốc gia 2020 do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và không biết lúc nào học sinh (HS) trở lại trường, tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nói: “Có ý kiến đề nghị Quốc hội điều chỉnh luật Giáo dục sửa đổi để thực hiện việc bỏ kỳ thi này do dịch Covid-19. Nhưng điều này không cần thiết, nói khác hơn là luật đã đủ điều kiện để thực hiện”.

Theo tiến sĩ Lý, luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ban hành ngày 14.6.2019 đã quy định rất rõ: HS học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp THPT.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thêm phương án thi riêng

Chiều 10.4, Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã quyết định phương án tuyển sinh riêng năm 2020, bằng một kỳ thi tổ chức chiều 25.7 tại trường này. Hình thức thi là thi trắc nghiệm kết hợp tự luận ngắn trong 1 buổi với thời gian làm bài 180 phút, riêng với ngành ngôn ngữ Anh, thời gian làm bài 210 phút…

Đối với khối kỹ thuật, kinh tế, thí sinh thi 1 buổi trên giấy với 3 môn/bài thi, gồm: toán (85 - 90 phút), đọc hiểu (30 - 35 phút), bài thi khoa học tự nhiên (tổng hợp các kiến thức lý, hóa, sinh-60 phút). Tổng thời lượng bài thi 180 phút. Ngành ngôn ngữ Anh cũng thi 1 buổi với bài thi trên giấy 2 môn toán (85-90 phút) và đọc hiểu (30-35 phút), tổng thời lượng bài thi trên giấy 120 phút; môn thứ ba là tiếng Anh (90 phút) thi trên máy tính. Tất cả các môn đều thi theo hình thức trắc nghiệm, trừ môn toán (thi 2/3 trắc nghiệm và 1/3 tự luận)

Thí sinh cần đăng ký dự thi và sơ tuyển. Thí sinh được đăng ký tối đa 5 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên vào các ngành/chương trình của trường (độc lập với đăng ký các nguyện vọng xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia).

Quý Hiên

“Như vậy, HS THPT hoàn thành chương trình, đủ điều kiện thì được dự thi nhưng không bắt buộc phải là kỳ thi do ai tổ chức. Luật không quy định phải là kỳ thi THPT quốc gia”, tiến sĩ Lý phân tích. Khi đó, theo tiến sĩ Lý, các địa phương sẽ phân công cơ quan chuyên môn cấp bằng tốt nghiệp THPT theo quy định của Bộ.

Còn tiến sĩ Nguyễn Thanh Trọng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - luật TP.HCM, đưa ra 2 phương án. Trường hợp dịch bệnh không kéo dài, kỳ thi có thể tổ chức vào tháng 8 như dự kiến của Bộ trong điều chỉnh kế hoạch lần 2 vẫn là tốt nhất. Nhưng nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và kéo dài, theo tiến sĩ Trọng, Bộ nên xem xét lại việc tổ chức kỳ thi năm nay. “Một trong các phương án cần tính đến ở phương án 2 này là giao cho các sở GD-ĐT triển khai việc thi và đánh giá phù hợp với điều kiện, tình hình từng địa phương”, tiến sĩ Trọng đề xuất.

Các trường ĐH cần chủ động tuyển sinh

Trong bối cảnh này, việc xét tuyển vào các trường ĐH và CĐ nên như thế nào? Tiến sĩ Trần Đình Lý nhìn nhận: “Vẫn với quan điểm như trước khi có dịch Covid-19, càng có nhiều phương thức xét tuyển để đáp ứng nhu cầu đa dạng, điều kiện khác nhau, lợi thế riêng biệt của HS thì càng tốt. Ngay như xét học bạ, một số người chưa tin tưởng lắm nhưng hình thức này vẫn có những lợi điểm như: mang tính quá trình, không mang tính may rủi cho một kỳ thi...”. Theo tiến sĩ Lý, các trường tốp trên cũng có thể chọn tốp 100 - 200 trường THPT có thứ hạng cao để tuyển chọn.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Trọng, khi không có kỳ thi sẽ khó khăn cho các trường xét tuyển dựa vào kỳ thi. “Tuy nhiên, quan điểm cá nhân tôi cho rằng, nếu không tổ chức kỳ thi thì các trường ĐH phải chủ động và có sự đầu tư cho phương án tuyển sinh riêng. Có thể một trường tự đứng ra thực hiện kỳ thi riêng, hoặc nhiều trường cùng tổ chức hoặc tham gia xét tuyển kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM”, ông Trọng bày tỏ.

Tiến sĩ Trọng nhấn mạnh: “Hiện nay luật đã giao cho các trường ĐH quyền chủ động trong tuyển sinh. Các trường có thể linh hoạt trong hình thức xét tuyển, đặc biệt là có thể thực hiện tuyển nhiều lần trong năm”.

Đại diện các trường ĐH nói gì ?

Trước giả định không có kỳ thi, các trường ĐH cho biết có những định hướng tuyển sinh khác nhau.

PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng mọi việc đều có thể linh hoạt. Trong trường hợp bất khả kháng không có kỳ thi chung, trường sẽ điều chỉnh lại đề án tuyển sinh cho phù hợp. Cụ thể, theo phương án tuyển sinh đã công bố năm 2020, trường xét tuyển thí sinh dựa vào 2 cột điểm (thi THPT quốc gia và học bạ). Khi không còn điểm kỳ thi chung, trường buộc phải chuyển sang xét học bạ và chỉ dựa vào điểm 5 học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12) để HS không bị ảnh hưởng kết quả học tập.

“Thực lòng tôi không mong muốn điều này xảy ra vì kết quả kỳ thi đến nay vẫn đánh giá HS công bằng nhất. Còn xét tuyển học bạ khó để nói được mức độ công bằng, có thể không tuyển được thí sinh đảm bảo đầu vào như mong muốn”, ông Hải cho hay.

Năm 2019, Trường ĐH Luật TP.HCM có tổ chức kỳ thi riêng làm 1 trong 3 tiêu chí xét thí sinh vào trường (bên cạnh điểm thi quốc gia, điểm học bạ). Tuy nhiên theo ông Hải, nếu kỳ thi THPT quốc gia không được tổ chức, trường này cũng không quay lại tổ chức kỳ thi riêng. Bởi lẽ đề án tuyển sinh công bố đầu năm nay đã không còn kỳ thi này, HS sẽ không kịp chuẩn bị.

Tiến sĩ Trần Tiến Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, cho biết hiện phương án xét tuyển của trường đã dựa vào 2 kỳ thi năng lực (do trường và ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức. Nếu không có kỳ thi chung toàn quốc, trường ĐH này sẽ dựa chủ yếu vào các kỳ thi riêng. Đặc biệt là có thể điều chỉnh tăng chỉ tiêu của phương án ưu tiên xét tuyển HS giỏi các trường THPT tốp đầu mà ĐH Quốc gia TP.HCM đang thực hiện (thay vì 5% như mọi năm thì tăng lên trong khoảng 5 - 15% tổng chỉ tiêu).

Hà Ánh
thanhnien.vn – 11/04/2020

Bài viết liên quan

864
  Tải tài liệu