Thông tin mới nhất về đào tạo liên thông
Từ ngày 4/6, những điểm mới trong thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 55 quy định đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH sẽ có hiệu lực.
Theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, các trường tuyển sinh liên thông CĐ, ĐH có thể tự chọn hình thức tuyển sinh hoặc thi tuyển hoặc xét tuyển.
Nếu tổ chức thi tuyển, các trường phải tổ chức đảm bảo thi đủ ba môn gồm: môn cơ bản, môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành (hoặc thực hành nghề). Các cơ sở giáo dục ĐH công bố công khai các môn thi trong thông báo tuyển sinh trước kỳ thi ba tháng.
Hình thức xét tuyển sẽ áp dụng cho việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Các trường có thể được thực hiện tối đa hai lần tuyển sinh liên thông trong một năm. Nhà trường phải xây dựng và ban hành Quy chế tuyển sinh liên thông không trái với các quy định tại Quy chế thi THPT quốc gia, Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy (đối với tuyển sinh liên thông chính quy) hoặc Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hình thức vừa làm vừa học (đối với tuyển sinh liên thông vừa làm vừa học).
Điểm trúng tuyển liên thông ĐH, CĐ theo hình thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia phải đảm bảo đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định chung với tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy.
Với từng ngành cụ thể, tổ hợp môn xét tuyển với tuyển sinh liên thông ĐH, CĐ chính quy sẽ phải trùng với tổ hợp môn thi dùng cho tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy với ngành tương ứng.
Tuy nhiên, điểm trúng tuyển với tuyển sinh liên thông theo hình thức xét tuyển hoàn toàn không bắt buộc phải áp dụng khung chung giống với điểm xét trúng tuyển của tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy.
Thông tư mới ban hành cũng đưa ra những quy định chặt chẽ hơn để kiểm soát chất lượng đầu vào. Cụ thể, với cả 3 môn thi, thí sinh chỉ được xét trúng tuyển khi đạt điểm mỗi môn thi từ 5 điểm trở lên theo thang điểm 10.
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy phải nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy của các trường. Tương tự, chỉ tiêu tuyển sinh liên thông vừa làm vừa học cũng phải nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh vừa làm vừa học của chính nhà trường ấy.
Chỉ tiêu tuyển sinh và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy được xác định hằng năm cho từng ngành đào tạo, không vượt quá 20 % chỉ tiêu chính quy của ngành đối với các ngành nói chung, riêng các ngành về khoa học sức khỏe không vượt quá 15%...
Trước đó, cuối năm 2012, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 55 quy định tuyển sinh liên thông ĐH, CĐ chính quy bắt buộc phải thi “ba chung” cùng với tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy. Quyết định này đã gây phản ứng mạnh mẽ từ các trường ĐH, CĐ và thí sinh có nguyện vọng thi liên thông khi người học nhìn nhận rằng con đường vào đại học từ những bậc học thấp hơn bị đóng quá chặt.
Ngân Anh (vietnamnet.vn)
Bài viết liên quan
- Các trường cao đẳng, trung cấp vẫn chưa có hy vọng sống
- Nhiều ngành thị trường cần nhưng không có người học
- 32 chuyên ngành thạc sĩ bị thu hồi quyết định đào tạo
- Nhầm lẫn cơ bản về một số nội dung của Luật Giáo dục Nghề nghiệp
- Trường Đại học Hạ Long quyết định "bao cấp" toàn bộ cho sinh viên