Mạnh tay với sai phạm trong liên kết đào tạo

Nhiều sai phạm

Nhập nhằng tài chính

943
  Tải tài liệu

Thời gian qua, cùng với Thanh tra Chính phủ (TTCP), bản thân thanh tra Bộ GD-ĐT cũng đã vào cuộc để chấn chỉnh những sai phạm trong liên kết đào tạo, đặc biệt là đào tạo đại học (ĐH), sau ĐH kể cả ở trong nước và với đối tác với nước ngoài. Bộ GD-ĐT cũng đã có những động thái mạnh mẽ để chấn chỉnh tình trạng này. Tuy nhiên, nếu không tiếp tục làm mạnh thì lĩnh vực này vẫn sẽ tiếp tục rối loạn, nhiều sai phạm, người học, xã hội mất tiền oan mà chất lượng giáo dục cao thì không thấy đâu.

Nhiều sai phạm

Cuối tuần qua, TTCP đã thông báo kết luận thanh tra công tác quản lý Nhà nước trong việc liên doanh, liên kết đào tạo (LKĐT) ĐH và sau ĐH tại Bộ GD-ĐT và ĐH Quốc gia Hà Nội. Kết quả cho thấy không chỉ những sai phạm trầm trọng trong LKĐT ở ĐH Quốc gia Hà Nội mà diễn ra ở hầu hết các trường được thanh tra.

Qua xem xét hồ sơ 149 chương trình LKĐT trong nước tại 18 trường thấy có nhiều khuyết điểm, vi phạm. Cụ thể, có 46,5% chương trình liên kết tuyển sinh (195/419) hệ vừa làm vừa học khi chưa được bộ cấp phép (trong đó có các trường lớn như ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH sư phạm kỹ thuật TPHCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Vinh…); một số trường khi hợp đồng đào tạo không xác định đối tượng tuyển sinh, không quy định cụ thể trách nhiệm cho đơn vị phối hợp tham gia vào quá trình đào tạo..; có 54 chương trình LKĐT đặt địa điểm lớp không đúng quy định; 5 trường vượt chỉ tiêu tuyển sinh cho phép của Bộ GD-ĐT; hồ sơ lưu trữ của các lớp LKĐT đại học các năm 2006-2008 của Trường ĐH Vinh không có danh sách thí sinh sự thi…


Một số trường ĐH lớn như Bách khoa Hà Nội, Thái Nguyên thực hiện LKĐT thạc sĩ ngoài trụ sở không có phép của bộ… Năm 2007, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội còn ban hành quyết định cho phép các học viên cao học không viết, bảo vệ luận văn, dẫn đến có 8 chương trình LKĐT thạc sĩ của Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho phép các học viên cao học làm tiểu luận, không viết, bảo vệ luận văn.

Đặc biệt, qua kiểm tra hồ sơ 118 chương trình (tổng số trên 18.000 người theo học, đã tốt nghiệp gần 1.000 người) của 94 đối tác nước ngoài liên kết với 18  trường ĐH (trong đó 49 chương trình đào tạo hệ ĐH, 58 chương trình đào tạo thạc sĩ và 11 chương trình đào tạo tiến sĩ), TTCP nhận thấy có rất nhiều vi phạm.

Cụ thể là vi phạm LKĐT chưa có phép của Bộ GD-ĐT; 16/20 chương trình LKĐT  với nước ngoài của ĐH Quốc gia Hà Nội không có thủ tục xác nhận tư cách pháp nhân của đối tác; các chương trình LKĐT của ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện cấp phép bằng công văn khi các đơn vị có nhu cầu mà không hề xác định số học viên/lớp, số lớp học/khóa học.

Điều đáng chú ý, LKĐT với quốc tế là để tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới nhưng thực tế LKĐT hiện nay rất xa vời với mục tiêu đó. Trong số 94 đối tác nước mà TTCP tiến hành kiểm tra, chỉ có 5 trường được xếp thứ hạng cao trong khu vực và trên thế giới, còn lại hầu hết chưa được xếp hạng hoặc có thứ hạng thấp hơn các trường của Việt Nam.

Nhập nhằng tài chính

Đối tượng và hình thức tuyển sinh của chương trình LKĐT cũng có vấn đề. Qua kiểm tra hồ sơ 16 LKĐT cử nhân (chủ yếu của các trường ĐH lớn như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng...), cho thấy chỉ yêu cầu đối tượng tuyển sinh tốt nghiệp THPT, có tới 4 chương trình tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển. Tuyển sinh LKĐT sau ĐH cũng có hàng loạt sai phạm.

Cụ thể như có 9 chương trình LKĐT tiến sĩ và thạc sĩ của ĐH Quốc gia Hà Nội không tổ chức thi tuyển sinh. Đối tượng tuyển sinh các chương trình LKĐT thạc sĩ chỉ yêu cầu tốt nghiệp ĐH, không có yêu cầu cùng khối ngành nhưng cũng không yêu cầu học chuyển đổi; chương trình đào tạo thạc sĩ xét tuyển cũng không yêu cầu về trình độ ngoại ngữ.

Về quá trình đào tạo của các chương trình LKĐT với nước ngoài, qua thanh tra cho thấy có rất nhiều sai phạm: 118 chương trình liên kết đều do đối tác nước ngoài cấp bằng nhưng không có thời gian tổ chức đào tạo tại nước ngoài theo quy định; cá biệt chương trình LKĐT của ĐH Kinh tế TPHCM với trường ĐH Woosong Hàn Quốc giảng dạy bằng tiếng Việt; 11 chương trình liên kết ở ĐH Quốc gia Hà Nội không phải viết luận văn và không bảo vệ tốt nghiệp…

Nhức nhối nhất là vấn đề quản lý tài chính trong LKĐT. Hàng năm các trường đều không lập dự toán chi tiết cho các khoản thu từ hoạt động LKĐT với nước ngoài do không xác định chỉ tiêu, không phê duyệt kế hoạch đào tạo. Khi LKĐT ở trong nước, các cơ sở liên kết được thu học phí ngoài quy định, thu thêm học phí khi tổ chức học ngoài giờ, tự đặt mức phí tuyển sinh, sử dụng biên lai do trường tự in khi chưa được phép của cơ quan quản lý thuế.

Thậm chí, cơ sở liên kết với trường ĐH Vinh còn thu chi phí tuyển sinh không theo dõi qua hệ thống kế toán của trường. ĐH Bách khoa Hà Nội khi ký hợp đồng liên kết chỉ xác định mức thu của trường, không xác định mức thu của đơn vị liên kết đối với học sinh. ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) thu vượt quy định 100.000 đồng/học viên/tháng, với tổng số tiền hơn 283 triệu đồng.

Những vi phạm về tài chính ở LKĐT với nước ngoài còn “khủng” hơn khi mức thu học phí không được tính toán dựa trên chi phí cụ thể, đặc biệt là có sự chênh lệch quá lớn giữa các chương trình, đối tác liên kết. Chương trình thạc sĩ thu thấp nhất là 3.500 USD/khóa của lớp cao học Việt Nam - Hà Lan (Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội), mức thu phổ biến từ 3.500 đến 4.200 USD/khóa; cao nhất là 13.500 USD/khóa (cử nhân quản trị kinh doanh của Trường ĐH Kinh tế quốc dân), mức thu phổ biến từ 8.000 đến 10.000 USD/khóa.

Theo quy định mức thu của Chính phủ thì mức thu này cao gấp 20 lần (200 triệu đồng/10 triệu đồng). Điều đáng nói theo TTCP kết luận là mức thu đối với học viên cao nhưng chất lượng đào tạo không tương xứng với học phí…

Những thực tế này cộng với bức tranh về LKĐT mà vừa qua Bộ GD-ĐT thanh tra và chỉ ra cho thấy, đã đến lúc ngành giáo dục phải thực sự “lột xác” trong khâu quản lý LKĐT, đặc biệt là LKĐT với nước ngoài. Bộ GD-ĐT cần phải ban hành quy định cụ thể về LKĐT ĐH và sau ĐH, quy định cụ thể về ngành nghề đào tạo nguồn nhân lực cần ưu tiên trong LKĐT quốc tế nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Cùng với đó, Bộ GD-ĐT phải có biện pháp xử lý với các chương trình LKĐT chưa có giấy phép nhưng vẫn thực hiện tuyển sinh (từ năm 2006 đến nay), xử lý triệt để những sai phạm trong tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng đang diễn ra phổ biến hiện nay ở các chương trình LKĐT.

Lâm Nguyên

(sggp.org.vn)

Bài viết liên quan

943
  Tải tài liệu