Khó khăn tìm chỗ thực tập

Khó khăn tìm chỗ thực tập

966
  Tải tài liệu

Tìm một nơi thực tập không phải là chuyện dễ dàng đối với sinh viên (SV) trong thời điểm hiện nay. Điều này góp phần khiến chất lượng SV tốt nghiệp chưa cao, đặc biệt ở những ngành yêu cầu kinh nghiệm thực tế.

Khó khăn ngành tài chính - ngân hàng

Nhiều SV học các ngành liên quan đến ngân hàng (NH) chạy đôn chạy đáo xin thực tập nhưng phần lớn đều bị từ chối.

Tại các diễn đàn trên mạng, rất nhiều SV học NH than thở chuyện khó khăn khi xin thực tập. Các SV đều cho biết nhiều nơi từ chối ngay lúc SV nộp hồ sơ. Ngay cả SV Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, trước giờ vốn được xem là “đắt giá”, mà vẫn còn phải chạy nhiều nơi. M.Tin trên một diễn đàn còn kể đi hết 18 NH để nộp hồ sơ nhưng nơi nào cũng nói không tuyển hoặc tuyển đủ SV thực tập rồi.

M.Hằng, nhân viên cấp cao một NH tại TP.HCM, cho biết vào thời điểm này cô rất mệt mỏi với những lời nhờ xin thực tập. Theo Hằng, hiện tại chỉ có thể xin giúp vào NH nhỏ, còn NH lớn thì gần như đã hết cơ hội.

Các NH lớn đều có yêu cầu rõ ràng về trường ĐH mà SV theo học. Đơn cử, NH Sacombank tại TP.HCM chỉ chấp nhận SV năm cuối chuẩn bị tốt nghiệp các chuyên ngành tài chính - ngân hàng của các trường: ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM). Riêng vị trí thực tập công nghệ thông tin thì yêu cầu SV phải là người đang theo học ngành này tại các trường ĐH công lập. NH ACB tại TP.HCM chỉ nhận SV ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, ĐH Ngoại thương, ĐH Tài chính - Marketing, ĐH RMIT. Các NH khác như HD Bank, Kiên Long Bank, Maritime Bank, Nam Á Bank… cũng yêu cầu SV phải có điểm trung bình tích lũy từ 6,5 hoặc 7 trở lên.

Không chỉ ngành NH, du lịch khách sạn cũng là một ngành có nhiều khó khăn khi SV tìm nơi thực tập. Khách sạn càng lớn càng có yêu cầu khắt khe. Hiện rất nhiều SV phải xin thực tập tại những nơi không đúng với ngành học hoặc chấp nhận hợp thức hóa việc thực tập tại những khách sạn nhỏ bằng cách chỉ nhờ những nơi này chứng nhận quá trình thực tập cho mình.

Bệnh viện quá tải vì… SV

Hiện nay, các bệnh viện (BV) không chỉ quá tải về bệnh nhân mà cả SV. Vì vậy việc đi thực tế lâm sàng của SV gặp nhiều khó khăn. SV y khoa bắt đầu đi lâm sàng từ năm 3 để thực hành và làm quen với các kỹ năng khám, theo dõi bệnh. Tuy nhiên, do lượng SV quá đông nên chỉ một số SV được thực hành khi thăm khám tại các giường bệnh.

Theo khảo sát của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, khoảng 70%  SV thực hành ở BV chủ yếu chỉ nghe và ghi. “Khi một giáo viên đi thăm bệnh, có rất nhiều lớp đi theo, Y3, Y4, Y6 cả chuyên tu nữa nên rất đông. Bạn nào thấp yếu thì không thể chen được nên nhiều khi đi theo thầy cô chỉ đứng ở ngoài, không biết thầy cô làm gì, nói gì” - một SV Y3, Khoa Y Dược, ĐH Tây nguyên tâm sự.

Tại BV T.Ư Huế, mỗi ngày có hàng ngàn SV Trường ĐH Y  Dược Huế, học viên sau ĐH và SV CĐ, trung học y tế, bác sĩ nội trú và thực tập sinh nước ngoài... đến học tập. Việc quy tụ một lượng lớn SV như vậy đã làm cho BV trở nên quá tải… SV. Tương tự, tại Khoa Truyền nhiễm BV hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng), thường chỉ có từ 40-50 bệnh nhân nhưng có khi lên tới 150 SV của Trường ĐH Y Hải Phòng đến thực tập.

Ngoài việc thiếu các BV thực hành, SV y khoa còn thiếu giảng viên là những bác sĩ lâm sàng để truyền thụ kỹ năng thực tiễn nên chất lượng học tập SV chưa cao. Lịch dạy lâm sàng của một số giáo viên thường bị chồng chéo. Theo số liệu khảo sát của ĐH Y Hải Phòng, từ năm 2006 đến 2010, số lượng SV đa khoa tăng gấp 2 lần, nhưng số lượng giảng viên lâm sàng chỉ tăng 1,38 lần.

Việc thiếu hệ thống BV thực hành cũng như giảng viên lâm sàng như trên khiến chất lượng đào tạo y khoa hiện tại mang nặng lý thuyết nhưng thiếu thực hành.  

Ý KIẾN:

Trường năng động, SV có nhiều cơ hội

“Đúng là SV ngày càng khó xin thực tập hoặc làm việc tại các NH vì ngoài số lượng SV học ngành này ngày càng đông, còn có nhiều SV học ngành khác nhưng cũng nộp đơn muốn thử sức mình ở lĩnh vực này. Nhưng nếu trường năng động, SV sẽ có cơ hội nhiều hơn. Bên cạnh đó, kỹ năng nộp hồ sơ để NH chấp nhận của nhiều SV còn kém, không gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng nên SV cũng cần được tư vấn trước khi xin thực tập”.

Thạc sĩ TRẦN ĐÌNH LÝ
(Giám đốc Trung tâm hỗ trợ SV và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM)

Tìm chỗ thực tập chất lượng không đơn giản

“Hiện nay, có nhiều trường đánh đồng giữa chuyện kiến tập và thực tập. SV đi thực tập chẳng khác gì kiến tập, chỉ nhìn ngắm thôi mà không được trực tiếp đụng tay vào làm gì. Nói thật, không dễ tìm đủ nơi thực tập cho SV. Tìm được công ty tiếp nhận SV thực tập có chất lượng không hề đơn giản. Nên nếu không có chỗ thực tập, SV có thể thay thế bằng đồ án để hoàn thành. Thật ra, bài toán thực tập này diễn ra ở khắp thế giới. Tôi vẫn thường nhận thư SV nước ngoài muốn đến Việt Nam thực tập. Ở Pháp, Úc..., SV đều phải tự lo chỗ thực tập cho mình”.

PGS-TS DƯƠNG ANH ĐỨC
(Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM)

Đăng Nguyên - Tuyết Khoa

Nguồn: thanhnien.com.vn

Bài viết liên quan

966
  Tải tài liệu