Kiểm tra chất lượng, trường khai tiến sĩ đột tử

Đến năm 2013, nếu các trường không khắc phục được các điều kiện đảm bảo chất lượng thì sẽ bị xem xét đình chỉ hoạt động giáo dục, thậm chí giải thể.

813
  Tải tài liệu

Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã khẳng định với báo chí như vậy tại sáng 30/12 sau khi công bố kết quả thanh tra 24 trường ĐH, CĐ và 4 cơ sở liên kết đào tạo với nước ngoài.

Ông Bằng cho biết, quá trình kiểm tra cho thấy, hầu hết các trường đã cố gắng xin đất, xây dựng cơ sở vật chất, huy động kinh phí, xây dựng lực lượng để triển khai mở ngành đào tạo sau khi được thành lập hoặc nâng cấp. Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn phải khắc phụ như: Giảng viên cơ hữu nhiều trường không đạt. Có 41 ngành đào tạo không có tiến sĩ, 12 ngành không có tiến sĩ và thạc sĩ, thậm chí có ngành chưa có giảng viên cơ hữu...

Với những sai phạm từng trường đã nhận hình thức xử lý nhưng đến năm 2013, nếu các trường không khắc phục được các điều kiện đảm bảo chất lượng thì sẽ xem xét đình chỉ hoạt động giáo dục. Thậm chí, còn đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải thể.

Đình chỉ do cơ sở toàn thuê mướn

- Kết quả kiểm tra cho thấy có nhiều trường có tỷ lệ sinh viên/giảng viên rất cao so với quy định 25 sinh viên/1 giảng viên, trong đó có cả trường công. Tuy nhiên, chỉ có 3 trường bị đình chỉ tuyển sinh. Vậy tiêu chí vi phạm đến mức độ nào thì bị đình chỉ?

Ông Nguyễn Huy Bằng: Năm 2012, có 3 trường bị đình chỉ tuyển sinh. Khi xử lý, chúng tôi không nhằm vào trường ngoài công lập. Vi phạm rơi vào trường nào thì trường đó phải chịu thôi. Các trường bị đình chỉ là do đến nay cơ sở toàn đi thuê mướn.

Đúng là có nhiều trường vi phạm ở những mức độ khác nhau nên không bị đình chỉ. Tuy nhiên, đoàn thanh tra đã có cảnh báo ngay tại trường. Mặt khác, trên cơ sở kết luận này Bộ sẽ có văn bản riêng cho từng trường có nêu các sai phạm và yêu cầu phải có biện pháp khắc phục: tuyển người, xin đất, xây trường....

- Rất nhiều trường có tỷ lệ tuyển sinh vượt quy định cho phép. Vậy quy mô năm tới có bị trừ?

Ông Nguyễn Huy Bằng: Tiêu chí chọn kiểm tra là những trường thành lập từ năm 1998 trở lại đây và trường nào cũng phải báo cáo, trường nào cũng trong "tầm ngắm" của Bộ. Tuy nhiên, sức trong thời gian vừa rồi chỉ kiểm tra được 24 trường thôi, không thể kiểm tra tất các trường trong một lúc.

Quá trình kiểm tra chúng tôi cùng Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Giáo dục ĐH căn cứ trên dữ liệu các trường báo cáo chọn cả trường tốt, trường trung bình và trường yếu. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra 24 trường chưa nói hết được bức tranh chung của giáo dục ĐH. Có những trường chưa kiểm tra, chưa có quyết định dừng tuyển sinh nhưng đáng bị dừng tuyển sinh, chúng tôi sẽ kiểm tra trong năm tới.

Có những trường tới kiểm tra thấy yếu thật. Cụ thể như Trường ĐH Hà Hoa Tiên, đến nay vẫn chưa định hình được định hướng phát triển. Có những trường như vậy nên xã hội không tin, không vào học.

Cũng có nhiều ý kiến mở trường nhiều dẫn đến cạn nguồn tuyển. Nhưng quan trọng nhất là uy tín, từng trường phải khẳng định thương hiệu của mình. Thực tế có nhiều trường tư nhưng chất lượng đào tạo tốt như ĐH Thăng Long...

Khi làm việc, lãnh đạo một số trường cũng đặt vấn đề: Tại sao Bộ chỉ phạt trường tuyển vượt còn không phạt trường tuyển không đủ? Tôi cũng đã trả lời, theo quy định thì với những trường sau 3 năm thành lập mà không tuyển được cũng sẽ giải thể. Tuy nhiên vì mục tiêu đảm bảo chất lượng chứ không phải thành tích thực hiện doanh số giao. Bộ khuyến khích các trường vì mục tiêu chất lượng thực hiện đúng quy định tỷ lệ SV/GV quy đổi hoặc thấp hơn.

Kết luận này cũng là căn cứ để xác định giao chỉ tiêu cho các trường trong năm 2012.

Không thể chấm dứt sai phạm 100%

- Khi duyệt mở ngành, mở trường đều có quy trình rất chặt nhưng vẫn lọt lưới nhiều sai phạm. Kết quả thanh tra nhiều trường, nhiều ngành bị đóng cửa. Vậy trách nhiệm của Bộ về những sai phạm này có được xem xét, thưa ông?

Ông Nguyễn Huy Bằng: Khi chúng tôi kiểm tra các trường thì có giải thích, khi mở ngành thì có giảng viên là tiến sĩ. Nhưng kiểm tra việc thực hiện cam kết thì các trường đưa rất nhiều lý do.

Có trường đưa lý do, lúc đầu họ vào sau đó chuyển trường khác. Cũng có trường trình bày rất lâm li: Đến nay, chúng tôi không có tiến sĩ nào vì lúc mở ngành có tiến sĩ nhưng sau đó chết đột tử. Đó là lý do khách quan. Nhưng chúng tôi cho rằng có thể họ chưa thu hút được giảng viên có trình độ tiến sĩ. Bản thân các trường cũng chưa có uy tín.

- Như ông khẳng định, khâu thanh kiểm tra là công việc thường xuyên của Bộ. Vậy đợt thanh tra này khác gì so với việc thanh tra thường xuyên đó? Và đây có phải là đợt thanh tra quy mô lớn nhất từ trước đến nay?

Ông Nguyễn Huy Bằng: Tôi mới được phân công về bộ phận thanh tra nên cũng chưa có khái quát có lớn hay không. Như tôi khẳng định, thanh tra trước đây đã làm tốt rồi, nhưng giờ yêu cầu cao hơn, quản lí chặt chẽ hơn nhằm mục đích nâng chất lượng.

- Vậy Bộ có những giải pháp gì để chấm dứt những sai phạm vừa liệt kê trong toàn hệ thống trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Huy Bằng: Giải pháp để chấm dứt sai phạm là vấn đề của cả hệ thống. Ý kiến cá nhân tôi cho rằng, khó có thể chấm dứt 100%. Đây là thực tế không chỉ riêng của Việt Nam bởi pháp luật đặt ra nhưng không phải tất cả đều tự nguyện làm theo. Do đó, chấm dứt 100% thì khó, nhưng có thể giảm vi phạm.

Năm 2012, Bộ trưởng đã giao nhiệm vụ cho Thanh tra chủ trì phối với các đơn vị chức năng tiếp tục kiểm tra các trường thành lập từ năm 1998 đến nay. Số lượng trường chắc chắn sẽ nhiều hơn để nhằm chấn chỉnh nâng cao chất lượng đào tạo lên.

Ông Phan Mạnh Tiến, phó Vụ trưởng Vụ GD ĐH: Việc kiểm tra này - là để giám sát các trường thực hiện các cam kết đảm bảo chất lượng. Sắp tới sẽ kiểm tra tất cả các trường. Mặc dù đưa ra quyết định xử lý đình chỉ một trường không dễ nhưng khi đã công bố các trường nằm trong vùng cảnh báo thì bản thân các trường phải tự nâng mình lên.

Không công nhận bằng học liên kết sai

Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Giáo dục (Bộ GD-ĐT): Cả 4 đơn vị liên kết đào tạo với nước ngoài đều vi phạm pháp luật về giáo dục Việt Nam. Cụ thể, tổ chức tuyển sinh các trình độ đào tạo không được phép như CĐ, ĐH, thạc sĩ. Đồng thời vi phạm quy định về tổ chức đào tạo các trình độ CĐ, ĐH, thạc sĩ tại Việt Nam.

Việc dừng đào tạo của một số cơ sở dẫn tới băn khoăn học viện đang học sẽ xử lí thế nào? Ông Bằng khẳng định: theo quy định thì chính các chủ thể đó phải có nhiệm vụ khắc phục. Tất cả các đơn vị đã thừa nhận và có hướng xử lý.

Dù là việc của họ nhưng quá trình xử lý họ cũng có trao đổi với Bộ về hướng giải quyết. Cụ thể là họ tìm các đối tác để chuyển học viên sang đó đào tạo tiếp. Cũng có ý kiến chấp nhận dừng đào tạo và hoàn tất thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam. Phương án xử lý các đơn vị đưa ra Bộ thấy hợp lí.

Những học viên đã theo học chương trình liên kết không đúng quy định, đồng nghĩa với việc bằng nhận được sẽ không được công nhận.

Kiều Oanh (Ghi)

Nguồn: vietnamnet.vn

Bài viết liên quan

813
  Tải tài liệu