Liên kết nhà trường và doanh nghiệp: “Bắt tay” lợi cả đôi đường

Liên kết nhà trường và doanh nghiệp: “Bắt tay” lợi cả đôi đường

671
  Tải tài liệu

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, xã hội đang tồn tại một nghịch lý: dư thừa lao động có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ hành nghề đang khao khát việc làm trong khi số lao động đáp ứng yêu cầu chuyên môn của doanh nghiệp thì lại không nhiều. Sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ giúp khắc phục nghịch lý này.

Lấp dần khoảng cách

Không khó hiểu khi mới đây Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, các trường ĐH phải thống kê có bao nhiêu sinh viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp, bởi đó là thước đo thiết thực về chất lượng đào tạo. ThS Võ Sỹ Mạnh (Trung tâm Đảm bảo chất lượng Trường ĐH Ngoại thương) nêu lên một thực tế: Rõ ràng, không thể đánh giá một trường ĐH là vững mạnh, là có triển vọng khi số lượng sinh viên tốt nghiệp của nhà trường bị thất nghiệp ngày càng nhiều. Về phía doanh nghiệp, tuyển dụng lao động qua các hội chợ việc làm là việc thường thấy. Tuy nhiên, thực tế tại các hội chợ việc làm cho thấy, dù công tác tuyển chọn lao động được tiến hành trong điều kiện thị trường dư thừa cử nhân khát khao tìm việc, song hầu hết doanh nghiệp không dễ tìm được lao động phù hợp. Với đa số lao động được tuyển, doanh nghiệp vẫn phải đầu tư thêm thời gian, kinh phí để đào tạo lại cho phù hợp với yêu cầu chuyên môn.

Để khắc phục khoảng cách trong đào tạo và yêu cầu tuyển dụng, bảo đảm lợi ích của cả nhà trường và doanh nghiệp, PGS-TS Hà Văn Hội, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội đưa ra một số hình thức hợp tác đào tạo cụ thể. Theo đó, trường ĐH cần chủ động mời doanh nghiệp đến nói chuyện hoặc tham gia giảng dạy xen kẽ một số buổi. Thông qua đó, các doanh nhân sẽ truyền đạt những kinh nghiệm thực tiễn cho sinh viên. Tuy nhiên, việc bố trí lịch lên lớp giảng dạy cố định với các doanh nhân khá khó khăn, nên cách  tốt nhất là nhà trường bố trí thời gian linh hoạt và dành cho họ khoảng 10-20% số giờ giảng cho một môn. Việc tổ chức cho sinh viên thực tập tại doanh nghiệp cũng là cách liên kết hữu ích, song trong những năm gần đây, trong khi số lượng sinh viên có nhu cầu thực tập, thực tế ngày một lớn thì nhiều doanh nghiệp lại không muốn nhận thực tập sinh bởi điều đó có thể ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động của doanh nghiệp.  Theo PGS-TS Hà Văn Hội, trong trường hợp này, bên cạnh việc xác định trách nhiệm của các bên trong mối liên kết đào tạo - tuyển dụng, nhà trường cần chịu trách nhiệm trước cơ sở thực tập để doanh nghiệp yên tâm nhận sinh viên. Ngoài ra, nhà trường và doanh nghiệp có thể cùng hợp tác xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên thực hành. Việc đào tạo có thể diễn ra tại doanh nghiệp, ngay trong quá trình thực hiện các công việc cụ thể.

Trong lĩnh vực kinh tế, TS Nguyễn Xuân Minh, Trường ĐH Ngoại thương cho rằng, động cơ thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp và trường ĐH tương đối phong phú. TS Nguyễn Xuân Minh nêu kinh nghiệm hợp tác giữa Cơ sở II của trường với doanh nghiệp trong thời gian qua. Theo đó, các hoạt động chủ yếu diễn ra theo hình thức mời báo cáo viên, mời chuyên gia cùng giảng dạy, cử giảng viên đi thực tế, nhận tư vấn về nghiệp vụ, pháp lý; triển khai dự án theo đặt hàng của doanh nghiệp, tài trợ học bổng... Cơ sở thường ký hợp đồng trách nhiệm hoặc hợp đồng đào tạo với thời gian phổ biến là 5 năm. Kinh nghiệm hợp tác cho thấy kết quả chưa được như mong đợi, chưa phát huy tiềm năng của nhà trường do mối liên hệ hợp tác thông qua quá nhiều bộ phận thay vì một đơn vị chuyên trách.

Mô hình hợp tác

Đề xuất về hướng hợp tác giữa ĐH và doanh nghiệp tại Việt Nam, ThS Võ Sỹ Mạnh đưa ra một số mô hình, trong đó có hình thức hợp đồng hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu, học bổng, thực tập - việc làm... Thời gian hợp tác có thể ngắn, trung hoặc dài hạn, nên theo nhiệm kỳ của người đứng đầu trường ĐH và có thể có giá trị ràng buộc đối với người kế nhiệm... Thứ hai, trường ĐH có thể hợp tác với doanh nghiệp dưới hình thức hợp đồng góp vốn. Lúc này, trường ĐH trở thành thành viên của doanh nghiệp, tham gia vào quá trình điều hành của doanh nghiệp và hưởng lợi tức từ vốn góp. Mô hình này cho phép sinh viên của trường có thể tham gia làm việc tại doanh nghiệp trong kỳ thực tập nhằm bảo đảm quá trình đào tạo gắn kết chặt chẽ với thực tiễn. Ngoài ra, trường ĐH thành lập các công ty nghiên cứu để đưa sản phẩm khoa học của nhà trường vào cuộc sống, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu của nhà trường.

Liên quan tới hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, PGS-TS Hà Văn Hội lưu ý một số vướng mắc. Đó là doanh nghiệp bao giờ cũng quan tâm đến bài toán hiệu quả kinh tế nhưng những sản phẩm nghiên cứu phải qua thử nghiệm mới đánh giá được tính khả thi, nên tính rủi ro đối với doanh nghiệp không phải là nhỏ. Do đó, khi thực hiện hợp tác, cả hai bên cần xác định những nghiên cứu đó phục vụ việc gì, thời gian cũng như kinh phí thực hiện. Mỗi bên cần bỏ ra bao nhiêu kinh phí, nên có chuyên gia tư vấn về pháp luật, hành chính và khoa học hay không…

Không chỉ là nhịp cầu giúp đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, việc tăng cường mối liên kết với các doanh nghiệp hiện nay chính là yếu tố then chốt để các trường ĐH nâng cao chất lượng đào tạo và quyết định thương hiệu, thậm chí là sự sống còn của mình.


Quỳnh Phạm

23/11/2011 – hanoimoi.com.vn 

Bài viết liên quan

671
  Tải tài liệu