Ngành Sư phạm đang "đầu voi, đuôi chuột"
Ngành Sư phạm đang "đầu voi, đuôi chuột"
Trong bài phát biểu tôn vinh thành công của giáo sư Ngô Bảo Châu đạt giải Fields, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Đảng và nhà nước ta xác định nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục đào tạo là môt đột phá của chiến lược phát triển kinh tế xã hội gia đoạn 2011 – 2020. Muốn làm được như vậy một trong những việc cần làm trước có lẽ là phải thu hút người giỏi thi vào ngành sư phạm với một sự bảo đảm sẽ sống được bằng lương”.
Ngay từ đại hội Đảng lần thứ 7 đã xác định “ Cùng với khoa học và công nghệ giáo dục và đào tạo được xem là quốc sách hàng đầu”.
Đã là quốc sách hàng đầu thì đâu tư phải là hàng đầu, trường sư phạm phải là trường hàng đầu trong các trường đại học, lương của giáo viên phải là hàng đầu trong đội ngũ cán bộ viên chức nhà nước, thu hút được người giỏi thi vào ngành sư phạm là nhân tố đầu tiên nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, quyết định sự thành công của giáo dục.
Nhiều trường Sư phạm phải đóng cửa
Ấy thế mà mấy năm gần đây trong khi các trường đại học Y, Dược, Ngoại thương, Bách khoa điểm chuẩn tuyển sinh cao ngất ngưởng thì điểm chuẩn đầu vào của các trường sư phạm lại thấp lè te, thậm chí phải tuyển theo nguyện vọng2, nguyện vọng 3 và có nơi không có nguồn tuyển phải đóng của ngành học.
Năm 2009, đại học sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí MInh có tới 874 chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng 2 với điểm tuyển đại học là 14,5 điểm kể cả ưu tiên, hệ cao đẳng là 10 điểm.
Đại học Hồng Đức: điểm tuyển sư phạm toán, vật lý, hóa học là 17 điểm, sinh học là 16 điểm, sư phạm mầm non là 15 điểm, sư phạm tiểu học D1 là 13 điểm, M là 14 điểm. Bậc cao đẳng điểm tuyển sư phạm toán tin là 10 điểm, sư phạm hóa tự nhiên là 10 điểm, sư phạm sinh tự nhiên là 10 điểm.
Năm 2010, có nhiều trường nhiều ngành học không tuyển đủ chỉ tiêu phải đóng cửa trong đó có ngành sư phạm.
Đại học Đà Nẵng trong số 11 ngành phải đóng cử có đến 4 ngành thuộc nhóm sư phạm ngoại ngữ.
Đại học Huế, trường đại học ngoại ngữ ngành tiếng Pháp chỉ có 4 hồ sơ đăng ký, ngành tiếng Nga chỉ có một hồ sơ đăng ký xin tuyển.
Trường đại học Nông Lâm TP.HCM đã chính thức xóa sổ ngành song ngữ Pháp Anh vì mấy năm nay không có thí sinh xin tuyển.
Năm 2011, tuy chưa có tin tức đầy đủ về tuyển sinh nhưng ngày 27/04/2011 lãnh đạo phòng giáo dục chuyên nghiệp sở giáo dục đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cho biết, có khoảng 3 nghìn hồ sơ thi vào đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, không tăng so với năm trước trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của trường tăng 400 chỉ tiêu.
Ngày 13/04/2011 là ngày áp chót nhận hồ sơ đăng ký thi đại học cao đẳng theo tuyến sở giáo dục đào tạo, cơ quan đại diện bộ giáo dục đào tạo ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Nhìn chung ngành kinh tế vẫn được học sinh ưa chuộng, tiếp theo là nhó ngành công nghệ thông tin, số vào sư phạm rất ít ỏi.
Trong những điểm thu hồ sơ trên cả nước, các trường sư phạm luôn là trường bị xếp vào nhóm có lượng hồ sơ thưa vắng nhất. Ngay cả trường THPT chuyên của đại học sư phạm Hà Nội năm nay cũng chỉ có 29 hồ sơ nộp vào ngành sư phạm.
Hiện nay cả nước còn 30 trường cao đẳng sư phạm địa phương nhưng nhiều trường trong số này phải tuyển sinh ngoài ngành sư phạm cao hơn thậm chí gấp đôi ngành sư phạm…
Nợ tiền phụ cấp giáo viên
Trong khi đó Bộ giáo dục lại tuyên bố (năm 2006) là đến năm 2010 giáo viên sống được bằng đồng lương. Nay năm 2010 đã sắp qua chẳng thấy tia hy vọng nào, làm mất niềm tin trong đội ngũ.
Mặt khác có nhiều địa phương lại chưa thực hiện đầy đủ kịp thời những chế độ đã có với giáo viên như phụ cấp đứng lớp phụ cấp dạy thêm giờ phụ cấp địa bàn khó khăn..
Tại Sóc Trăng, năm học 2010 – 2011 trường tiểu học Trung bình A xã Trung bình huyện Trần Đề có 24 giáo viên đến nay chưa nhận được phụ cấp dành cho vùng đặc biệt khó khăn với số tiền 250.000.000đ, trường tiểu học Trung bình B, Trung Bình C giáo viên bị nợ phụ cấp đến 600.000.000 đ có giáo viên bị nợ nhiều nhất là 70.000.000 đ. Nhiều giáo viên tiểu học phải trở thành con nợ vay ngân hàng để tiêu dùng hàng ngay rồi trừ dần vào lương nên đời sống rất khó khăn. Hiện nay chúng tôi chưa nhận được thông tin về tình trạng trên đại phương đã giải quyết như thế nào.
Việc tuyển dụng được làm giáo viên ở nhiều nơi cũng gặp rất nhiều khó khăn như tình trạng kéo dài thời gian hợp đồng đến 4 -10 năm với đồng lương 300.000 – 500.000 đ/ tháng không đủ tiền đi đường đã làm nhiều giáo viên trẻ phải bỏ nghề và nếu được tuyển dụng chính thức thì phải mất một số tiền chạy việc không nhỏ nên phải đi làm việc khác để đảm bảo cuộc sống.
Nghề giáo viên là nghề đã có từ lâu đời và có truyền thống nên ngay từ khi còn là học sinh mầm non, tiểu học, khi được hỏi: lớn lên em sẽ làm gì ? Em sẽ trả lời ngay: Lớn lên em sẽ làm cô giáo.
Nhưng khi lớn lên đến trung học phổ thông các em đã hiểu được nghề giáo có nhiều khó khăn, nên đã quên hết ước mơ từ nhỏ học giỏi cũng đâu có vào ngành sư phạm nữa.
Chính phủ vừa ban hành nghị đinh 54/2011/ NĐCP về nhà giáo dạy 5 năm được hưởng phụ cấp thâm niên cũng đã tạo nên sự phấn khởi mới đối với giáo viên nhưng cũng giống như một người đã mắc bệnh trầm kha nới bắt đầu chạy chữa thì đã quá muộn. Nhà nước cần phải có chính sách cơ bản toàn diện để xây dựng đội ngũ giáo viên và các nhà trường sư phạm hiện nay thì mới chấn hưng được nền giáo dục nước nhà
Nhà giáo Trần Hữu Trù
Nguyên chuyên viên cao cấp bộ Giáo dục và đào tạo
13/07/2011 – giaoduc.net.vn