Tuyển sinh ĐH-CĐ 2012: Nhiều ngành học không lo thiếu việc
Ngành học mới
Ngành học tương lai
Ngành cũ nhưng cần
Còn gần vài ngày nữa các thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2012. Chọn trường nào, ngành nào đang là mối quan tâm của nhiều thí sinh và phụ huynh. Các khối ngành kinh tế luôn được xem là ngành “nóng” trong nhiều kỳ tuyển sinh gần đây. Tuy nhiên, hiện tại có nhiều ngành học không kém phần hấp dẫn, rất ít nơi đào tạo, lại dễ tìm được công việc khi ra trường nhưng đang bị thí sinh bỏ qua vì mải chạy theo số đông.
Ngành học mới
Theo dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam, đến năm 2020 dự kiến sẽ có hơn 3.000 kỹ sư, 600 thạc sĩ và tiến sĩ các chuyên ngành điện hạt nhân, quản lý, ứng dụng và bảo đảm an toàn an ninh năng lượng nguyên tử được đào tạo ở trong và ngoài nước. Nhưng hiện tại cả nước chỉ có hơn 600 cán bộ khoa học trong lĩnh vực hạt nhân đang làm việc tại 10 đơn vị. Nhiều năm qua, ngành kỹ thuật hạt nhân dù được chú trọng nhưng thực tế tuyển sinh tại các trường đào tạo nhóm ngành này không mấy khả quan.
Bắt đầu từ đợt tuyển sinh 2012, Chính phủ đã cho phép 6 trung tâm đào tạo nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân với chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào hàng năm của các cơ sở này đạt tối thiểu 250 sinh viên. Riêng ĐH Khoa học Tự nhiên (KHTN) TPHCM năm nay sẽ dành 50 chỉ tiêu cho chuyên ngành Kỹ thuật hạt nhân.
TS Huỳnh Trúc Phương, Phó Trưởng khoa Vật Lý - Vật lý Kỹ thuật của trường cho biết: “Đây là ngành học triển vọng, sinh viên ra trường đúng lúc xã hội đang cần. Đặc biệt, khoa đang kết hợp với ĐH Osaka (Nhật Bản) xây dựng chương trình Cử nhân tiên tiến và đã nhận được sự đồng ý của Bộ GĐ-ĐT.
Ngành học tương lai
Tuyển sinh khóa đầu tiên từ năm 2007, đến nay Trường ĐH KHTN TPHCM đã tuyển sinh được 6 khóa với tổng cộng khoảng 200 sinh viên ngành Khoa học - Dịch vụ (KH-DV), thuộc Chương trình liên kết Cử nhân CNTT AUT giữa Trường ĐH Công nghệ Auckland – NewZealand và Trường ĐH KHTN, đào tạo ra các cử nhân hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ cho ngành công nghiệp công nghệ thông tin (IT).
“Bản thân bên cung cấp các giải pháp phần mềm, phần cứng… là các doanh nghiệp IT và bên mua sản phẩm thường cảm thấy rất khó khăn để tìm thấy tiếng nói chung. Bên cung không biết đối tác cần gì mà bên mua cũng không biết diễn đạt nhu cầu của mình ra sao. Khi đó nguồn nhân lực KH-DV sẽ phát huy được tác dụng”, TS Trần Công Danh, Phó giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế (ITEC) giải thích.
Điều đặc biệt, Chương trình học có quan hệ mật thiết đến “Đề án Phát triển ngành KH-DV tại TPHCM giai đoạn 2011 - 2015” do Sở KHCN TPHCM đặt ra. Theo đó, trong 3 năm tới KH-DV của TP sẽ cần khoảng 400 người đã qua đào tạo chính quy, đồng thời từng bước đưa KH-DV vào giảng dạy trong các trường ĐH.
“Như vậy, sinh viên theo học ngành này sẽ không lo thiếu việc làm bởi TP đang rất cần. Ngoài ra, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực IT lớn của TP như Khu Công nghệ cao, IPT, Công viên Phần mềm Quang Trung… cũng đã tham gia vào đề án này, nên sinh viên sẽ có thêm nhiều cơ hội lựa chọn khi ra trường”, ông Danh cho biết thêm.
Trường ĐH KHTN sẽ tiếp tục tuyển sinh khóa mới năm 2012 với chỉ tiêu khoảng 80 sinh viên.
Ngành cũ nhưng cần
Theo tiến độ dự kiến, tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) và số 5 (Ngã tư Bảy Hiền - Cầu Sài Gòn) sẽ được hoàn thành vào giai đoạn 2018 - 2020 (thuộc dự án Xây dựng đường sắt đô thị TPHCM phê duyệt năm 1999) và do một công ty vận hành - bảo dưỡng đưa vào vận hành khai thác.
Theo đơn vị này ước tính, sẽ cần khoảng 380 người phục vụ cho công việc vận hành tuyến 1, và khi hoàn thành xong 5 tuyến đường sắt, dự án phải cần đến 1.000 nhân công. Còn theo TS Nguyễn Quốc Hiển, Trưởng khoa Công trình giao thông, Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM, công đoạn xây dựng 5 tuyến đường sắt này cũng cần khoảng 1.000 những kỹ sư và thợ lành nghề Việt Nam, bên cạnh những kỹ sư chính do đối tác Nhật Bản đưa sang.
Hiện khoa Công trình giao thông, Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM là đơn vị duy nhất đào tạo nhân lực cho dự án xây dựng đường sắt Metro của TP. Tuy nhiên, sau 4 khóa tuyển sinh, trường chỉ có gần 200 sinh viên theo học, và dự kiến đến đầu 2013, khoảng 20 sinh viên đầu tiên tốt nghiệp. Trong 3 khóa gần đây, kể cả khóa tuyển sinh 2012 này, nhà trường cũng chỉ đủ sức tuyển 60 - 70 chỉ tiêu, đáp ứng khoảng 1/10 nhu cầu thực tế của dự án.
“Về lâu dài, khoa sẽ thành lập riêng ngành kỹ thuật đường sắt, còn hiện tại, sẽ tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực phục vụ đề án xây dựng tuyến đường sắt nội đô của TP, hiện nhà trường và Sở GTVT TP chuẩn bị có ký kết chính thức cho công việc đào tạo này. Đây sẽ là lựa chọn mới và đầy triển vọng cho các thí sinh trong đợt tuyển sinh năm nay”, TS Hiển cho biết thêm.
TƯỜNG HÂN
Nguồn: sggp.org.vn