Dồi dào nguồn tuyển cho trường ĐH top trên và top giữa
Với 75% thí sinh dự thi đạt từ 15 điểm trở lên với 3 môn trong tổ hợp xét tuyển, có thể thấy, năm nay, nguồn tuyển của các trường đại học (ĐH) tương đối dồi dào, nhất là các trường top giữa và top trên.
Thống kê cho thấy, có khoảng 75% thí sinh đạt tổng số điểm cho 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đại học (ĐH) từ 15 trở lên. Có 5 thí sinh đạt điểm từ 29 - 29.8 điểm. Trong đó, có 4 thí sinh thuộc tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) và 1 thí sinh thuộc tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa). Thủ khoa 3 môn năm nay là thí sinh đến từ trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ với tổng điểm tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) là 29.8 điểm (Toán 9.8, Hóa 10 và Sinh 10).
Về phổ điểm theo khối, năm nay tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) có điểm trung bình gần 18, tăng hơn so với 2018. Tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh) điểm trung bình từ 17 tới 18; Tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) điểm trung bình cũng từ 16 - 17 điểm.
Tiến sĩ Quách Tấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ GD&ĐT cho rằng, phổ điểm chuẩn phải lệch sang phải một chút, nhưng sườn bên phải chỉ được “chạm” điểm 10, không được lệch quá nhiều. Khi so sánh với phổ điểm năm 2019, TS Quách Tấn Ngọc nhận định: “Phổ điểm 3 môn Vật lý, Hóa học, Địa lý hơi lệch sang phải, như vậy là “ngon”. Phổ điểm môn Sinh học phân phối tương đối chuẩn. Đề Sinh học năm nay thuộc loại tương đối khó".
Bà Nguyễn Thị Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam cho rằng, kết quả phân tích phổ điểm các môn trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 phản ánh được đúng năng lực học sinh phổ thông. Đáng chú ý, ở hầu hết các tổ hợp xét tuyển 3 môn truyền thống vào ĐH đều có mức điểm 16-17, tức trên mức trung bình, mức điểm cao 22 điểm trở lên có độ phân hóa rõ rệt. Bà Nga đánh giá cao đề thi năm nay đã đáp ứng được cả tiêu chí xét tuyển ĐH-CĐ, các trường top giữa sẽ không còn “khát” sinh viên như những năm trước. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH (ĐH QGHN) cũng cho biết, rất yên tâm khi phổ điểm thi các môn và các khối thi năm nay có sự phân hóa tốt.
“Không chỉ các ĐH tốp trên thuận lợi tuyển sinh vì phổ điểm từ mức 24 trở lên có độ dốc lớn, các trường ĐH tốp giữa cũng đảm bảo được nguồn tuyển vì số lượng thí sinh đạt mức 17-20 điểm/tổ hợp xét tuyển truyền thống cũng dồi dào”, Trưởng phòng Tuyển sinh trường ĐH Công nghiệp TPHCM, ông Nguyễn Thái Sơn nhận định.
Phổ điểm sáng, điểm chuẩn sẽ cao hơn
Bà Nguyễn Lam Giang, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Trường ĐH Waikato - New Zealand cho rằng, phổ điểm của môn Lịch sử và tiếng Anh phản ánh đúng thực tế và không gây bất ngờ. Bởi theo bà Giang, nhiều năm nay, Lịch sử tuy đã được đưa vào thi THPT quốc gia và thay đổi phương thức kiểm tra, đánh giá, tuy nhiên học sinh vẫn chưa đầu tư, nhiều em không chọn môn thi trong tổ hợp xét tuyển cũng bởi không có quá nhiều ngành nghề tuyển sinh môn học này. Điểm Lịch sử thấp không phản ánh năng lực, chất lượng dạy học của giáo viên không cao mà thí sinh có lựa chọn môn này để dự thi đa số em cũng chỉ học đối phó, không có sự đầu tư nên kết quả thể hiện rõ.
Cũng theo bà Giang, điểm trung bình môn tiếng Anh thấp nhưng cũng có hơn 47.000 bài thi có điểm 8 trở lên cho thấy trình độ, năng lực môn học này ở học sinh không đồng đều ở các địa phương. Đa số học sinh ở các trường top đầu các tỉnh, học sinh ở thị xã, TP được đầu tư, có cơ hội học tập nên điểm thi cao. Bà Giang cho biết, thực tế chương trình giáo dục phổ thông với thời lượng 3 tiết tiếng Anh/ tuần, trình độ giáo viên ở các địa phương chưa đáp ứng, học sinh chưa có cơ hội, điều kiện để học thêm thì kết quả thi thấp là không có gì bất ngờ. Cũng theo bà Giang, từ kết quả thi THPT quốc gia môn tiếng Anh nhiều năm liên tiếp áp chót bảng, Bộ GD&ĐT nên có giải pháp thúc đẩy, nâng cao chất lượng vì đây là môn học quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Trong khi tất cả các môn có phổ điểm lệch trái hoặc lệch phải thì môn Ngữ văn có hình dạng răng cưa, phản ánh các mức điểm không đồng đều. Cô Phan Hà Thanh, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông (Hà Nội) cho rằng, nhìn vào phổ điểm hình răng cưa có thể thấy sự không đều tay giữa các giáo viên. Cô Thanh cũng cho rằng, môn Ngữ văn có đặc thù riêng, đặc biệt lại có phần điểm sáng tạo nên sẽ tùy tỉnh, tùy người mà có cách cho điểm khác nhau.
Thầy Vũ Khắc Ngọc, chuyên gia ở Hệ thống giáo dục Học Mãi cho rằng, nhìn sơ bộ phổ điểm các môn năm nay cho thấy, điểm thi các môn không đồng đều. Trong khi các môn như Lịch sử, tiếng Anh phổ điểm lệch trái (nhiều điểm dưới 5) thì điểm Giáo dục công dân chủ yếu lệch phải (nhiều điểm cao).
Cũng theo thầy Ngọc, phổ điểm có phần “tươi sáng” hơn nhưng lại không đồng đều ở các môn như năm nay, dự đoán điểm chuẩn của các trường, các ngành sẽ tăng so với năm ngoái từ 0,5 đến 1,5 điểm.
NGUYỄN HÀ - NGHIÊM HUÊ
tienphong.vn – 15/07/2019