Học nghề ra có việc làm ngay là cách tốt nhất để thu hút tuyển sinh

'Trường liên kết với doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp là vấn đề quan trọng hàng đầu, từ đó thu hút tuyển sinh'.

793
  Tải tài liệu

Đó là nhận định của đại diện nhiều trường CĐ, trung cấp cũng như lãnh đạo các Sở LĐ-TB-XH trong hội nghị Tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm năm 2020 trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được tổ chức tại TP.HCM mới đây.

Khó khăn mời giáo viên từ doanh nghiệp

Bên cạnh ý kiến của một số trường cho rằng rất thuận lợi trong việc phối hợp với doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo, mời doanh nghiệp tham gia vào việc giảng dạy, đánh giá đồ án, luận văn tốt nghiệp… vẫn còn nhiều trường nêu những vướng mắc khiến việc hợp tác bị hạn chế.

Ông Phạm Văn Điều, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Gia Lai, nhìn nhận: “Vấn đề gắn kết doanh nghiệp vẫn chưa thực sự thuận lợi, chẳng hạn trong việc mời người từ doanh nghiệp đến giảng dạy. Theo quy định, chuyên gia được mời phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, điều này là rất khó. Trường muốn doanh nghiệp hỗ trợ thì phải theo doanh nghiệp chứ không thể bắt doanh nghiệp theo trường. Vì vậy nên có quy định riêng cho giáo viên đến từ doanh nghiệp, nếu theo quy định cứng nhắc thì không ai chịu kết hợp với trường, chưa kể họ không thấy được lợi ích để sẵn sàng tham gia”.

Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Gia Lai, cũng cho biết việc mời giáo viên thỉnh giảng từ các đơn vị bên ngoài nếu phải theo quy định thì không thể. “Có những ngành đặc thù bên văn hóa nghệ thuật phải mời các nghệ nhân, nghệ sĩ, nếu đòi hỏi chuẩn thì khó đáp ứng, ví dụ bộ môn cồng chiêng mời các già làng ra dạy thì họ lấy đâu chứng chỉ, bằng cấp cũng không có. Nếu muốn trường nghề gắn với doanh nghiệp, với thực tiễn thì nên linh hoạt cho các ngành nghề đặc thù”, ông Ánh đề xuất.

Giải quyết việc làm là quan trọng hàng đầu

Theo báo cáo của 63 sở LĐ-TB-XH, tính trung bình năm 2019 tỷ lệ học sinh, sinh viên (HSSV tốt nghiệp trình độ CĐ, trung cấp có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 80%, trong đó, CĐ là 85% và trung cấp khoảng 80%. Trong số HSSV chưa có việc làm ngay theo thống kê phần lớn do tiếp tục học liên thông lên trình độ cao hơn hoặc chờ tìm kiếm những công việc có mức thu nhập và điều kiện phù hợp hơn.

Ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng, cho rằng liên kết với doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp là vấn đề quan trọng hàng đầu, từ đó thu hút tuyển sinh. Ông Lộc chia sẻ: “Chúng tôi chủ động liên hệ, làm việc với các khu chế xuất, khu công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận để thu thập thông tin tuyển dụng của hơn 700 doanh nghiệp, đồng thời kết nối với họ để tạo cơ hội học tập, tham quan thực tập và tham dự tuyển dụng cho sinh viên. Khảo sát trong 2 năm gần đây số SV tốt nghiệp của trường có việc làm phù hợp sau 12 tháng là 90%”.

Ông Lộc kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Sở LĐ-TB-XH có chính sách đãi ngộ cụ thể cho những doanh nghiệp tích cực tham gia đào tạo, gắn kết với các trường CĐ, trung cấp.

Tại Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, hằng năm tổ chức 3 lần hoạt động đào tạo gắn với giải quyết việc làm và kết nối doanh nghiệp. “Tỷ lệ người học có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp là 80% và sau 6 tháng là gần 100%”, tiến sĩ Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho hay.

Trong khi đó, tiến sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, cũng cho hay trường ký kết với khoảng 50 doanh nghiệp để đưa sinh viên đến thực tập, học việc thực tế, đồng thời tuyển dụng sinh viên sau tốt nghiệp. “Trường thực hiện gắn kết với doanh nghiệp như vậy là để hằng năm có thể ký cam kết đảm bảo việc làm sau khi tốt nghiệp với sinh viên và phụ huynh”, ông Lê Lâm cho biết.

Theo tiến sĩ Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp đang thiếu rất nhiều lao động kỹ năng nên nếu muốn phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh thì chắc chắn họ sẽ đồng hành với các trường CĐ, trung cấp nhiều hơn. “Thời gian tới cũng sẽ kịp thời dự báo nhu cầu đào tạo theo từng trình độ, ngành nghề, giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phù hợp và đảm bảo tốt cơ hội việc làm cho người học sau tốt nghiệp”.

Mỹ Quyên
thanhnien.vn – 25/06/2020

Bài viết liên quan

793
  Tải tài liệu