Đào tạo nghề: Đi tìm những lối thoát tích cực
Mạng lưới dạy nghề phát triển mạnh
Một số rào cản lớn đối với đào tạo nghề và các giải pháp tháo gỡ
Mặc dầu các trường đào tạo nghề - các cơ sở dạy nghề được đầu tư phát triển sâu rộng trên cả nước, nhưng nhìn chung số người học nghề hằng năm trên cả nước vẫn khá èo uột. Đâu là những rào cản và giải pháp tháo gỡ tốt nhất cho thực trạng này?
Mạng lưới dạy nghề phát triển mạnh
Ở các nước kinh tế phát triển cao, bình quân 1 trường ĐH có 4 trường CĐ; 10 trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề (TCCN & TCN). Do đó các lối rẽ vào đời dành cho học sinh (HS) sau tốt nghiệp (TN) THCS & TN THPT ở các quốc gia này là khá hợp lý, hầu như không có tình trạng chen chân, đổ xô tìm đường vào ĐH như ở nước ta.
Từ năm 1999-2010, cả nước chỉ tăng thêm 24 trường TCCN (258-282 trường), trong khi số trường ĐH, CĐ tăng gấp 2,7 lần. Đến cuối tháng 9/2012, số trường ĐH, CĐ trên toàn quốc lên tới gần 470 trường - gấp 1,5 số trường TCCN.
Riêng mạng lưới cơ sở dạy nghề do Tổng cục Dạy nghề quản lý (thuộc Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội), đến hết năm 2011 cả nước có 136 trường CĐ nghề; 307 trường TCN; 849 trung tâm dạy nghề và hơn 1.000 cơ sở dạy nghề khác, tăng 1,5 lần so với năm 2006.
Theo Tổng cục Dạy nghề: Quy mô tuyển sinh học nghề năm 2011 đạt hơn 1,77 triệu HS-SV, tăng khoảng 1,3 lần so với năm 2006. Từ năm 2007 đến hết năm 2011 đã tuyển mới được gần 1,35 triệu người học CĐN; TCN và 6,85 triệu người học sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên (dưới 3 tháng). Kết quả nâng tỷ lệ lao động (LĐ) qua dạy nghề năm 2010 đạt 30%. Đến tháng 5/2012 đã có danh mục nghề của 386 nghề đào tạo ở tình độ CĐ; 462 nghề đào tạo ở trình độ trung cấp. Theo quy hoạch của nước ta hiện có 26 nghề trọng điểm quốc tế; 49 nghề trọng điểm khu vực ASEAN và 107 nghề trọng điểm quốc gia được đầu tư đồng bộ về chương trình đào tạo, về giáo trình, về cơ sở vật chất (CSVC) - trang thiết bị dạy học và về đội ngũ giáo viên (GV).
Đáng lưu ý, năm 2006 số cơ sở dạy nghề ngoài công lập chiếm 23,24%, đến năm 2011 tăng lên 35,37%, thu hút khoảng trên 30% HS vào học nghề. Năm 2010, tỷ lệ LĐ nông thôn qua đào tạo nghề đạt khoảng 22%. Ở nhiều địa phương, tỷ lệ LĐ sau khi đào tạo nghề có được việc làm - hoặc tự tạo việc làm đúng nghề đào tạo đạt trên 70%. Tỷ lệ LĐ có kỹ năng nghề chiếm khoảng 25% trong tổng số LĐ xuất khẩu. Kỹ năng nghề của HS TN các cơ sở dạy nghề cả nước được nâng lên. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, 80 - 85% số LĐ qua đào tạo nghề được sử dụng đúng trình độ đào tạo, 30% LĐ có kỹ năng nghề từ khá trở lên. Quy mô tuyển sinh dạy nghề tăng nhanh, nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo nghề đạt 30% vào năm 2010 - tăng 4% so với mục tiêu “Chiến lược phát triển GD giai đoạn 2001 - 2010” đã đề ra... Nguồn lực đầu tư cho dạy nghề được đa dạng hoá, trong đó ngân sách Nhà nước giữ vai trò chủ đạo (chiếm khoảng 60%). Năm 2006 chiếm 6,7% tổng chi ngân sách Nhà nước cho GD&ĐT, năm 2010 khoảng 9%...
Một số rào cản lớn đối với đào tạo nghề và các giải pháp tháo gỡ
Bộ Công thương hiện có 44 cơ sở đào tạo nghề từ sơ cấp --> trung cấp --> cao đẳng. Ba năm gần đây (2009-2011), số lượng tuyển sinh của các cơ sở này giảm đáng kể, nhất là TCN (năm 2009 tuyển được 10.200 HS; năm 2011 còn 5.600 HS). Những trường tuyển được HS học nghề, hầu hết ở các đô thị lớn với khả năng tìm việc thuận lợi... Đáng quan tâm là trong Luật Dạy nghề chưa có quy định về trách nhiệm của các doanh nghiệp về việc đóng góp kinh phí cho việc duy trì và phát triển hệ thống dạy nghề. Đề nghị cho phép doanh nghiệp được trừ khi tính thu nhập chịu thuế đối với chi phí hoạt động đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho công nhân và cho người LĐ của doanh nghiệp.
Theo đại diện UBND tỉnh An Giang: Một trong những bất cập của đào tạo nghề hiện nay là: việc dạy nghề thường xuyên có thời gian đào tạo dưới 3 tháng (chiếm trên 60% số lượng HS học nghề toàn tỉnh hàng năm), nhưng chưa được công nhận trình độ đào tạo nghề dưới 3 tháng trong Luật dạy nghề. Nghĩa là chưa có chứng chỉ pháp lý cho trình độ đào tạo nghề dưới 3 tháng này. UBND tỉnh Long An nhấn mạnh bất cập về đội ngũ GV dạy nghề. Khó khăn lớn nhất đó là việc tuyển dụng GV dạy nghề có yêu cầu quá cao: GV vừa phải có trình độ chuyên môn tương xứng, phải có nghiệp vụ sư phạm đúng chuẩn, lại phải có kỹ năng thực hành nghề phù hợp. Trong khi đó chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ đối với GV dạy nghề chưa phù hợp.
Đồng tình với nhận định trên, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động VN đề nghị: Cần sớm sửa đổi chính sách tiền lương theo từng bậc trình độ kỹ năng nghề. Hiện nay có 5 bậc trình độ, nhưng chưa có chính sách trả lương tương xứng theo 5 bậc này. Cần xử lý ngay những tồn tại giữa thang - bậc lương cũ (6 bậc; 7 bậc) với 5 bậc kỹ năng nghề.
Nhìn ở góc độ liên thông đào tạo, đại diện Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hải Phòng cho rằng: Vấn đề đào tạo liên thông giữa dạy nghề với 3 cấp trình độ (sơ cấp nghề; trung cấp nghề và CĐ nghề) hiện nay chỉ là liên thông dọc. Liên thông ngang chưa được thể hiện rõ ràng, khiến cho việc thiết kế chương trình đào tạo liên thông còn tách rời nhau, chưa tạo động lực thu hút đông đảo thanh niên tham gia học nghề. Hiện nay đã xuất hiện nhu cầu ngày càng nhiều lực lượng kỹ sư thực hành, nhưng đối tượng này chưa có trong quy định của Luật Dạy nghề là một lỗ hổng lớn.
Ở VN hiện vẫn có tới gần 70% LĐ trong độ tuổi (từ 16 --> 55 --> 60 tuổi) sống ở nông thôn, thì phương hướng đào tạo nghề - dạy nghề phải đặc biệt chú ý ở địa bàn này. Theo đại diện Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Quảng Trị: Gần 97% số HS của tỉnh giai đoạn 2007-2010 được đào tạo nghề trình độ sơ cấp và học nghề dưới 3 tháng, chỉ có 3,4% theo học TCCn & TCN. Trong tổng số LĐ đã qua đào tạo nghề ở Quảng Trị (từ 2007 đến 2011), có gần 88% LĐ được đào tạo nghề nông nghiệp, chỉ có hơn 12% LĐ là học các nghề phi nông nghiệp.
Chuyện bằng cấp nghề cũng đang nóng hổi. Ông Phạm Văn Tuý (trường TCN số 13 - Bộ Quốc Phòng) tỏ ra lo lắng: HS vừa TN THCS khi vào học tại các trường nghề, trường TCCN vừa được học văn hoá vừa được học nghề. Khi ra trường xin việc, những HS này rất khó tìm được việc làm. Lý do: bằng nghề thì được công nhận, nhưng bằng văn hoá chỉ được coi ở trình độ dở dang là 9+2 hoặc 9+3 --> nhưng không được coi là đã tốt nghiệp THPT.
Theo đại diện Trường TCN Hải Phòng: Cần sớm xây dựng chương trình đạo tạo liên thông ngành giữa TCCN và THPT. Nên có THPT thuần tuý; THPT có học nghề phổ thông và THPT kỹ thuật. Những HS lứa tuổi bậc trung học (15-18 tuổi) và người LĐ ở các doanh nghiệp vì lý do nào đó không học lên cao được, thì có thể chuyển đổi học các chương trình liên thông ngang. Sau này có điều kiện có thể cao hơn (học để lấy chứng chỉ theo môđun, hoặc theo từng môn học).
Theo GS.TS Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam: Ở nước ta, dạy nghề ngắn hạn có vai trò đặc biệt quan trọng. Nhu cầu số một của người lao động là học nghề (nhất là đối tượng thanh niên), trước hết là để xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động. Học nghề vừa là học kỹ thuật - công nghệ, vừa có thêm kiến thức phổ thông. Đất nước đang tiến vào thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hóa, do đó công tác dạy nghề - đào tạo nghề ngày càng đặt ra những vấn đề nóng bỏng, cấp bách |
Đinh Lê Yên
Nguồn: gdtd.vn