Tuyển sinh đại học năm 2019: Điểm sàn thấp, các trường đang tự “định giá” mình
Để thu hút thí sinh và tuyển đủ chỉ tiêu, nhiều trường đại học trong đó chủ yếu là trường tư thục, trường ở các tỉnh có mức điểm sàn xét tuyển chỉ từ 13 điểm. Còn theo Bộ GD&ĐT, nếu các trường để điểm sàn quá thấp cũng đồng nghĩa với việc họ tự xác định vị thế chất lượng thấp của mình trong hệ thống các trường đại học.
Nhiều trường có điểm sàn xét tuyển thấp
Thời điểm hiện tại, các thí sinh đang trong quá trình làm thủ tục thay đổi nguyện vọng tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm 2019. Các trường đại học trên phạm vi cả nước cũng đã công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) khi xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT Quốc gia 2019 xét theo khối thi. Trong khi rất nhiều trường đại học công lập top đầu lấy điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ 15 đến 18 điểm, nhiều trường công lập ở nhóm dưới, đại học tại địa phương, trường ngoài công lập có mức điểm sàn thấp đến khó tin chỉ từ 13,0 điểm. Như vậy, chỉ 4 điểm/môn nếu có điểm cộng nữa là thí sinh có thể đỗ vào đại học năm nay.
Cụ thể, ĐH Công nghiệp Việt Trì (Phú Thọ) cũng xét tuyển các thí sinh dựa trên kết quả thi THPT Quốc gia năm 2019 có tổng điểm kết quả thi của 3 môn thi trong tổ hợp các môn xét tuyển đạt từ 13,50 điểm trở lên (đã bao gồm điểm ưu tiên đối tượng, khu vực). ĐH Hoa Lư (Ninh Bình) công bố điểm sàn theo kết quả kỳ thi THPT Quốc gia có tổng điểm ba môn theo tổ hợp xét tuyển được đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các ngành tương ứng của trường ngoài ngành Sư phạm (theo điểm sàn của Bộ GD&ĐT), đối với các ngành còn lại (Kế toán, Quản trị Kinh Doanh, Việt Nam học, Du lịch) chỉ là 13,5 điểm.
ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia. Thí sinh phải tốt nghiệp THPT; 24/28 ngành đào tạo có điểm sàn xét tuyển là 13,5 điểm. ĐH Xây dựng miền Trung (Phú Yên): Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và điều kiện nhận hồ sơ đối với trình độ đại học từ 13,0 điểm; Điểm của từng môn trong tổ hợp xét tuyển phải lớn hơn 1,0 điểm. ĐH Võ Trường Toàn (Hậu Giang): Ngành Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng hệ chính quy là từ 13,0 điểm trở lên (tổng điểm thi 3 môn trong tổ hợp xét tuyển sau khi đã cộng các điểm ưu tiên).
ĐH nam Cần Thơ, điều kiện nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển theo kết quả thi THPT Quốc gia các chuyên ngành đào tạo: Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Bất động sản, Quan hệ công chúng, Luật Kinh tế, Luật, Kỹ thuật xây dựng, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Kỹ thuật cơ khí động lực, Kiến trúc, Công nghệ thực phẩm: 15,0 điểm. Các khoa: Công nghệ kỹ thuật hóa học, Quản lý đất đai, Quản lý tài nguyên và môi trường, Kỹ thuật môi trường 14,0 điểm.
Đáng lo chất lượng "đầu vào"?
Từ năm 2017 đến nay, điểm sàn chỉ áp dụng cho khối ngành đào tạo sư phạm, trong đó năm 2019, điểm sàn áp dụng thêm đối với chuyên ngành đào tạo về sức khỏe. Như vậy, các trường đại học và chuyên ngành đào tạo khác không có điểm sàn mà theo phương thức tự chủ tùy từng trường. Kỳ tuyển sinh đại học năm 2018, có khoảng hơn 30 trường có ngành lấy điểm sàn đến 13, chủ yếu là các trường tư thục, trường thuộc một số tỉnh ở địa bàn khó khăn và trường đào tạo khối ngành nông lâm, thuỷ lợi… Những nhóm ngành này do không được thí sinh ưa thích, dù lấy điểm thấp, nhưng những trường ở địa bàn không thuận lợi vẫn không đủ nguồn tuyển.
Năm nay mối lo chất lượng "đầu vào" tại nhiều trường đại học lại được đặt ra, bởi theo Bộ GD&ĐT, đề thi THPT Quốc gia 2019 đáp ứng tiêu chí 60% là kiến thức cơ bản để xét tốt nghiệp. Nếu căn cứ vào tỷ lệ thí sinh đạt từng ngưỡng điểm thì năm nay trường nào xác định điểm sàn 13 chỉ tương đương với mức 12 điểm của năm 2018. Như vậy, điều này đồng nghĩa với việc dù điểm sàn xét tuyển một số trường có tăng nhẹ hơn năm trước, song cơ bản là khá thấp, chưa kể có thể tiếp tục hạ điểm ở các đợt xét tuyển tiếp theo. Thậm chí, có rất nhiều trường xét tuyển dựa trên lực học 3 năm THPT cũng khá "dễ vào".
Theo quy định, điểm sàn của các trường do các trường tự chủ quyết định nhưng phải đưa vào đề án tuyển sinh, công khai trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT để thí sinh, nhân dân được biết. Đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, trong quá trình thực hiện quyền tự chủ, một số ít trường có thể xác định điểm sàn thấp để tuyển đủ chỉ tiêu. Đối với những trường hợp này, Bộ đã có trao đổi với lãnh đạo nhà trường về nguồn tuyển, phổ điểm, đánh giá chất lượng của từng ngưỡng xét tuyển… để khuyến cáo các trường trong việc quyết định chính sách chất lượng của trường mình. Nếu xác định điểm sàn quá thấp cũng đồng nghĩa với việc các trường tự xác định vị thế chất lượng thấp của mình trong hệ thống.
PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông đưa ra lời khuyên cho thí sinh năm nay trước một loạt trường có điểm xét tuyển thấp: "Thí sinh cần chọn trường yêu thích, chứ không nên theo đám đông, hoặc đăng ký cốt để đỗ vào trường thấp điểm. Thí sinh cũng phải xem điểm trúng tuyển các năm trước, chắc chắn năm nay điểm trúng tuyển dự báo sẽ cao hơn năm 2018. Thí sinh cũng không quan tâm nhiều đến điểm công bố nhận hồ sơ để xét tuyển của các trường, vì đây là điều kiện cần, mức điểm này thường khá thấp. Tiếp đến là sắp xếp thứ tự nguyện vọng từ cao xuống thấp sao cho phù hợp với điểm của mình và điểm trúng tuyển của năm trước".
Bộ GD&ĐT cho biết, từ ngày 22/7 đến 17h00 ngày 29/7, Hệ thống Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ mở chức năng "Thay đổi nguyện vọng xét tuyển sinh" cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến. Bộ GD&ĐT quy định, phương thức điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến chỉ áp dụng cho thí sinh không tăng thêm số nguyện vọng. Từ 22/7 đến 17 giờ 00 ngày 31/7 thí sinh điều chỉnh bằng Phiếu đăng ký xét tuyển. Mỗi thí sinh chỉ được phép điều chỉnh nguyện vọng 1 lần duy nhất. |
Quang Anh
giadinh.net.vn – 25/07/2019