Các trường cao đẳng, trung cấp vẫn chưa có hy vọng sống

Mùa tuyển sinh năm nay, hàng loạt trường đại học (ĐH) cắt giảm hoặc dừng hẳn việc tuyển sinh hệ cao đẳng (CĐ) và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Thông tin này đang làm cho các trường CĐ và TCCN cảm thấy phấn khởi, nhưng vẫn chưa có hy vọng.

736
  Tải tài liệu

Trong quá khứ, việc phân công đào tạo từng rất rõ ràng với trường ĐH đào tạo hệ ĐH, trường CĐ đào tạo hệ CĐ, các trường TCNN đào tạo trung cấp và công nhân kỹ thuật.

Nhưng, từ khoảng 15 năm trở lại đây, khi giáo dục đào tạo được xã hội hóa, người đi học phải đóng góp học phí, nhu cầu được học tập bùng nổ… thì các trường ĐH bắt đầu “nở nồi” tuyển sinh và đào tạo thêm cả hệ CĐ; nhiều trường còn tuyển và đào tạo cả hệ TCCN.

Sau đó, khi chính sách “liên thông” giữa các bậc học chuyên nghiệp ra đời và được thực thi, thì số lượng trường ĐH tuyển và đào tạo CĐ, TCCN càng nhiều.

Để thu hút nhiều thí sinh vào học, các trường còn quảng bá vào học CĐ, TCCN sẽ được liên thông lên CĐ, ĐH ngay tại trường.

Trong khi đó, đại đa số thí sinh luôn có tâm lý thích học ĐH, nên họ chọn học CĐ hay TCCN tại các trường ĐH với hy vọng liên thông lên ĐH dễ dàng. Nhờ vậy, doanh thu của các trường ĐH đương nhiên cũng tăng lên. Nhưng “thị phần của các trường CĐ và TCCN bị mất dần khiến nhiều trường đang đứng trước nguy cơ giải thể”, theo ThS Lê Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường CĐ Công thương TP.HCM.

Tuy nhiên, nguồn lực con người và cơ sở vật chất của các trường ĐH rất có hạn, việc đào tạo lại nặng về lý thuyết hàn lâm, thiếu thực tiễn - thực hành, trong khi CĐ và TCCN là hai hệ đào tạo đòi hỏi phải nặng về kỹ năng thực hành, nên chất lượng đào tạo hai hệ này ở nhiều trường đã không như mong đợi; sinh viên, học sinh sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm. Theo thời gian, người đi học không còn tín nhiệm nữa.

Thêm vào đó, cơ hội học tập cũng ngày càng mở rộng. Cụ thể, từ năm 2010, việc tuyển sinh ĐH-CĐ bắt đầu ế ẩm. Đặc biệt, trong kỳ tuyển sinh 2012, cả nước còn thừa 100.000 chỉ tiêu không tuyển được người vào học, trong đó có cả chỉ tiêu hệ ĐH. Những năm tiếp theo, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH- CĐ vẫn tiếp tục tăng, trong lúc số thí sinh tốt nghiệp THPT ngày càng giảm, thì tình trạng “vắng người học ĐH” càng thêm trầm trọng.

Nhiều khoa ngành của các trường phải tạm đóng cửa, ngưng tuyển sinh. Để cứu các trường, Bộ GD-ĐT buộc phải nới lỏng điểm sàn và trong năm 2015 này phải chấp nhận để các trường tuyển sinh theo cách riêng mà chủ yếu là xét học bạ bậc THPT. Cánh cửa ĐH xem như đã mở toang!

Một khi trường ĐH mở toang cửa thì ai dại gì vào học CĐ và TC. Đó là lý do một số trường ĐH giảm chỉ tiêu và thậm chí dẹp luôn hai hệ này. Tất nhiên, Bộ GD-ĐT đã có thông tư 57 và thông tư 20 “lệnh” cho các trường ĐH phải giảm dần chỉ tiêu và chấm dứt tuyển sinh TCCN trước năm 2017; đồng thời Bộ cũng khuyến khích các trường tập trung vào đào tạo ĐH cho có chất lượng. Động thái này là nhằm cứu 285 trường TCCN và 260 trường CĐ trực thuộc Bộ GD-ĐT (chưa kể hằng trăm trường CĐ và TCCN nghề thuộc Bộ LĐ-TB-XH) đang ngắc ngoải.

Ông Lê Thanh Bình nói: “Chúng tôi rất phấn khởi trước thông tin buộc các trường ĐH phải dừng tuyển sinh TCCN trước năm 2017, nhiều trường ĐH giảm và ngừng tuyển sinh CĐ. Nhưng, cần hơn nữa là Bộ GD-ĐT phải ra văn bản cấm hoặc khống chế việc tuyển sinh cả hệ CĐ ở các trường ĐH thì các trường CĐ và TC mới hy vọng sống”.

 TẦM XUÂN
(phunuonline.com.vn)

Bài viết liên quan

736
  Tải tài liệu