Đề thi ĐH-CĐ mang tính phân loại cao
Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011 sắp diễn ra. Ngày 27-6, Bộ GD-ĐT đã công bố một số thông tin quan trọng về kỳ thi năm nay. Phóng viên SGGP đã có cuộc trao đổi với GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT về những vấn đề mà thí sinh đặc biệt quan tâm.
° Phóng viên: Thưa ông, kỳ tuyển sinh năm nay có một số thay đổi theo hướng có lợi hơn cho thí sinh, đặc biệt việc các em có quyền được rút hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 (NV2, NV3) đã nộp ở trường này để xét tuyển vào trường khác, ông có thể nói rõ hơn về thay đổi này?
° Thứ trưởng BÙI VĂN GA: Việc quy định sau khi nộp hồ sơ ĐKXT NV2, NV3 vào trường, nếu thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ để nộp vào trường khác, các trường tạo điều kiện cho thí sinh được rút hồ sơ ĐKXT đã được bộ nêu ra từ hồi tháng 3 trong phương hướng, nhiệm vụ công tác tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011. Ngày 27-6, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn cụ thể cho các trường việc thí sinh được rút hồ sơ ĐKXT NV2 hoặc NV3.
Theo đó, thí sinh được rút hồ sơ ĐKXT đã nộp trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày bắt đầu thời hạn nộp hồ sơ của mỗi đợt đăng ký xét tuyển. Thí sinh trực tiếp hoặc có thể ủy quyền cho người khác đến trường để rút hồ sơ ĐKXT đã nộp. Trong trường hợp ủy quyền, thí sinh phải viết giấy ủy quyền và người được ủy quyền đến rút hồ sơ ĐKXT phải mang theo giấy ủy quyền kèm giấy chứng minh nhân dân của mình. Lệ phí ĐKXT của thí sinh rút hồ sơ ĐKXT đã nộp, do hiệu trưởng các trường xem xét quyết định, công bố công khai.
° Điều này nhằm gia tăng thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, để giúp thí sinh quyết định chính xác nhất việc rút hồ sơ, bộ yêu cầu các trường sẽ tạo điều kiện cho thí sinh như thế nào?
° Việc được quyền thay đổi hồ sơ ĐKXT NV2, NV3 là nhằm giúp thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển. Từ trước tới nay, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển NV2, NV3 xong là chỉ biết ngồi đợi, thông tin không có, rất tù mù, vì vậy nhiều em dù điểm cao vẫn bị trượt do có quá nhiều thí sinh cùng nộp hồ sơ vào một nơi. Năm nay để tạo cơ hội cho các em, bộ yêu cầu trong thời hạn nhận hồ sơ ĐKXT NV2, NV3 quy định, hàng ngày các trường phải cập nhật thông tin về hồ sơ ĐKXT của thí sinh vào máy tính bằng phần mềm tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011 (DH11) và công bố công khai trên website của trường.
Thông tin về hồ sơ ĐKXT của thí sinh bao gồm: họ và tên; ngày tháng năm sinh; số báo danh; đối tượng; khu vực; điểm thi từng môn và tổng điểm 3 môn thi; số thứ tự hồ sơ; mã ngành ĐKXT; ngày nhận hồ sơ ĐKXT; ngày trả hồ sơ ĐKXT (nếu có). Căn cứ vào thông tin này, trên cơ sở chỉ tiêu xét tuyển của trường, thí sinh sẽ cân nhắc, tính toán để quyết định rút hồ sơ hay không. Các em có 15 ngày để thay đổi lựa chọn của mình.
° Một vấn đề mà thí sinh và dư luận đặc biệt quan tâm trước mỗi kỳ thi là đề thi. Có ý kiến cho rằng, đề thi ĐH-CĐ được Bộ GD-ĐT ra theo hướng ngày càng khó để dễ phân loại thí sinh?
° Không thể nói là bộ ngày càng ra đề thi khó. Như tôi đã trao đổi, chủ trương của bộ là ra đề thi tuyển sinh không quá khó, không quá phức tạp. Đề thi chỉ ra trong phạm vi những kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi không nằm ngoài chương trình, không vượt kiến thức chương trình trung học. Những phần giảm tải, cắt bỏ không có trong đề thi. Vì thế không thể là nói đề khó.
Tuy nhiên, phải thừa nhận là đề thi ĐH-CĐ sẽ theo hướng bảo đảm tính phân loại ngày càng cao. Vì để bảo đảm sự phân loại tốt nên cấu trúc đề sẽ có cả câu khó lẫn câu dễ. Năm nay, đề thi sẽ có điều chỉnh theo hướng ngoài các câu hỏi khó sẽ có nhiều câu hỏi dễ để nâng phổ điểm lên. Phổ điểm sẽ phân bố rộng, rải đều và hợp lý từ điểm 0 đến điểm 10 để giúp cho các trường có thể lựa chọn được thí sinh phù hợp với yêu cầu đào tạo của mình. Đây là kỳ thi tuyển ĐH-CĐ, lấy điểm từ cao xuống thấp, những thí sinh “chiến đấu” được các câu hỏi khó sẽ đạt điểm cao, vào trường tốp trên; những thí sinh có phổ điểm thấp hơn sẽ vào trường tốp dưới. Tóm lại, đề thi bảo đảm sự phân loại nhưng cũng bảo đảm phổ điểm hợp lý để các trường tuyển sinh.
° Thưa ông, vừa qua ngành giáo dục công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT 2011 cao ngất ngưởng. Từ kết quả này nhiều ý kiến đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp quốc gia, tập trung vào thi ĐH-CĐ nhưng cũng nên giao thi ĐH-CĐ về cho các trường tự chủ. Ý kiến ông thế nào?
° Tất cả những vấn đề này, từ kết quả thi tốt nghiệp đến có mấy kỳ thi, thi ĐH-CĐ theo phương thức nào, điểm sàn ra sao... đều đang được Bộ GD-ĐT nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ trong đề án đổi mới tuyển sinh. Tuy nhiên, hiện nay đề án đang giai đoạn nghiên cứu, còn nhiều điểm chưa thống nhất nên chúng tôi chưa công bố. Nhưng về cơ bản sẽ đổi mới việc thi cử, tuyển sinh.
° Xin cảm ơn Thứ trưởng !
LÂM NGUYÊN
28/06/2011 – sggp.org.vn