Phân tầng Đại học: Có phải là phân thứ hạng cao - thấp?
Nghị định 73 về quy định tiêu chuẩn phân tầng, xếp hạng trường ĐH đã có hiệu lực từ 25-10. Năm học 2015-2016, vấn đề phân tầng, xếp hạng ĐH cũng sẽ là một trọng tâm của Giáo dục Đại học (GDĐH). Dù phân tầng ĐH là xu thế tất yếu hiện nay, vẫn còn có những cách hiểu chưa thống nhất về khái niệm phân tầng. Việc cho rằng phân tầng ĐH là phân cao – thấp khiến cho nhiều trường có vẻ băn khoăn về chuyện phải vào top dưới.
Nghị định 73 của Chính phủ chia hệ thống ĐH thành 3 tầng định hướng nghiên cứu, ứng dụng, thực hành. Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT giải thích: “Việc phân ra 3 tầng cũng hợp lý và cũng căn cứ vào thông lệ quốc tế. Theo đó, các cơ sở GDĐH trong mỗi tầng được sắp xếp vào 3 hạng của khung xếp hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp: Hạng 1, hạng 2, hạng 3. Hạng 1 bao gồm 30% các cơ sở GDĐH có điểm cao nhất; hạng 3 bao gồm 30% các cơ sở GDĐH có điểm thấp nhất và hạng 2 bao gồm 40% các cơ sở GDĐH không thuộc hạng 1 và 3.
Phân tầng cơ sở GDĐH được thực hiện theo chu kỳ 10 năm và xếp hạng cơ sở giáo dục được thực hiện theo chu kỳ 2 năm.
Việc phân tầng, xếp hạng các trường có ý nghĩa quan trọng nhằm xác định rõ mục tiêu, đường hướng phát triển của các trường. Trên thế giới, việc phân tầng, xếp hạng các trường ĐH đã được một số tổ chức có uy tín đánh giá theo các tiêu chí cụ thể. GDĐH của Việt Nam vẫn chưa phân tầng được. Trong rất nhiều lý do, có hai nguyên nhân chính là: Tổ chức để phân tầng và tiêu chí để phân tầng.
Ngay cả khái niệm “phân tầng” cũng là một thuật ngữ còn gây tranh cãi, khiến nhiều cán bộ quản lý cơ sở đào tạo dị ứng. Bởi đa số đang hiểu phân tầng theo nghĩa đơn giản nhất là phân cao – thấp: Trường bậc trên, trường bậc dưới. “Nói đến tầng, người ta sẽ nghĩ có sự so sánh cao - thấp. ĐH chia ra 3 tầng, phải chăng tầng trên cùng là thượng lưu, giữa là trung lưu, dưới là hạ lưu? Vậy thì trường nào sẽ chịu chui vào tầng hạ lưu đây? – PGS.TS Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng trường ĐH Văn hóa nói.
Tại cuộc họp tổng kết năm học 2014-2015 của khối GDĐH, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nói: Hiện nay nói đến phân tầng, tôi có cảm giác là chúng ta đang nghĩ nhiều đến phân cao – thấp. Phân tầng là mỗi tầng có một sứ mạng khác nhau trong đào tạo. Có trường nghiên cứu, có trường ứng dụng thực hành… chứ không đơn giản chỉ là xếp trên hay dưới.
Trong năm học tới, việc phân tầng ĐH sẽ được đẩy mạnh. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, hiện Bộ GD&ĐT đã soạn thảo, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền một số văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, tạo căn cứ pháp lý để giải quyết các vấn đề thực tiễn, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Điển hình nhất là Quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở GDĐH làm cơ sở để xếp hạng các trường ĐH theo định hướng ứng dụng, nghiên cứu và định hướng thực hành. Một trong những điểm khó của chúng ta trong việc phân tầng ĐH hiện nay là dựa trên tiêu chí nào? Theo chuẩn quốc tế, hay xây dựng chuẩn riêng của Việt Nam? Và cơ quan nào sẽ nhận nhiệm vụ phân tầng?
Việc xây dựng khung chuẩn của Việt Nam lại nảy sinh vấn đề là có theo kịp khung chuẩn của thế giới hay không, tính đặc thù của giáo dục nước ta sẽ được xếp những tiêu chí nào?
Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, cho hay, những tiêu chí mà dự thảo của Bộ GD&ĐT đưa ra chưa thực sự chuẩn xác. Các tiêu chí xếp hạng phải được thảo luận một cách cẩn trọng giữa các nhà khoa học, hiệu trưởng đại diện cho các nhóm trường chứ không thể là ý kiến chủ quan của một nhóm người. Bộ GD&ĐT nên tìm hiểu nền giáo dục của các nước phát triển trong khu vực để tham khảo và học tập các tiêu chí đánh giá của họ.
Hiện nay, tổ chức nào có thể đảm nhiệm phân tầng xếp hạng ở Việt Nam cũng còn gây tranh cãi. Vì hai trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thành lập ra hiện chưa đáp ứng kỳ vọng. PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Phó GĐ ĐHQG Hà Nội cho rằng: Việc phân tầng, cơ cấu mạng lưới GDĐH là vấn đề phải cẩn trọng, tránh xếp theo kiểu cơ giới hóa. Cần đẩy nhanh hoạt động của các trung tâm kiểm định làm căn cứ đánh giá phân tầng, quy hoạch. Bởi chúng ta không thể phân tầng nếu thiếu căn cứ.
Phan Thủy
phapluatxahoi.vn