Nên hướng nghiệp cho con từ tuổi nào?

Theo các chuyên gia của Đại học RMIT, cha mẹ nên hướng nghiệp cho con mình ngay từ năm 10 tuổi, tức là từ lúc học lớp 5.

1036
  Tải tài liệu

Theo các chuyên gia của Đại học RMIT, hướng nghiệp là một quá trình lâu dài bao gồm cả việc thử và sai, vì thế nên được bắt đầu càng sớm càng tốt.

Chuyên gia Melvin Chia, người đã có hơn 10 năm nghiên cứu và trực tiếp huấn luyện về Đào tạo Hướng nghiệp sớm dành cho thanh thiếu niên Singapore, khuyên cha mẹ nên bắt đầu hướng nghiệp cho con ngay từ khi con mới 10 tuổi.

Ông Melvin Chia cho rằng, cha mẹ nào cũng muốn con theo học tại một ngôi trường danh giá. Tuy nhiên, lạc giữa môi trường không phù hợp là cách nhanh nhất hủy hoại niềm vui thích học tập của con. Vì thế, hãy coi xếp hạng trường và lựa chọn số đông chỉ là một trong các gợi ý.

Đã có thời nhiều người truyền tai nhau câu: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, Sư phạm bỏ qua, Nông lâm xếp xó”. Đây là những định hướng rất nguy hiểm. Bởi ai cũng có thế mạnh riêng, không thể bắt cá leo cây. Hơn thế nữa, xu hướng chỉ là nhất thời, chỉ vì chạy theo mốt vài năm mà con phải mắc kẹt trong công việc mình không thích cả đời là sai lầm lớn.

Bởi vậy, các con nên chọn nghề theo sở thích, năng lực của mình thay vì bị buộc tiếp nối “truyền thống gia đình” hay thực hiện ước mơ của cha mẹ. Bên cạnh đó, những công việc ổn định thời cha mẹ chưa chắc đã là lựa chọn tốt với các bạn trẻ năng động ngày nay. Gò ép con theo những định kiến từ vài chục năm trước sẽ mài mòn khả năng sáng tạo và độc lập của con.

Nếu có điều kiện, cha mẹ nên cùng con tham khảo ý kiến của các tư vấn viên chuyên về định hướng nghề nghiệp. Các chuyên gia sẽ cho con làm các bài kiểm tra năng lực và tính cách, trò chuyện sâu với cả gia đình, theo sát con trong các bước tiến và đưa ra những lời khuyên sát sườn nhất.

Thế giới nghề nghiệp thay đổi mỗi ngày. Cha mẹ có thể dẫn con tới các hội thảo nghề nghiệp, các phòng tư vấn tuyển sinh trong trường đại học để tìm ra những vị trí tiềm năng mà mình còn chưa biết.

Gia đình nên bàn bạc kĩ về kế hoạch dự phòng trong trường hợp con không thể theo đuổi ngành mơ ước. Ví dụ, nếu con không vào được trường này, ngành này thì cần phải làm gì, liệu có một lựa chọn nào khác phù hợp hơn về tài chính không? Tất cả những câu hỏi này nên được cân nhắc trước.

Các con nên được tham gia vào các công việc ngoại khoá đa dạng, trải nghiệm trại hè, gặp gỡ nhiều người để mở rộng tầm hiểu biết về thế giới xung quanh, đồng thời hiểu hơn về chính khả năng và mong muốn của mình.

"Xét đến cùng, quyết định tương lai của con, vẫn luôn là của con. Hy vọng các bậc phụ huynh sẽ luôn đồng hành cùng con, giúp con đưa ra những quyết định sáng suốt nhất" - các chuyên gia Đại học RMIT nêu quan điểm.

An Nhiên
giaoducthoidai.vn – 13/10/2019

Bài viết liên quan

1036
  Tải tài liệu