Vì sao các trường TCCN lại tuyển sinh èo uột?

Vì sao các trường TCCN lại tuyển sinh èo uột?

580
  Tải tài liệu

Số học sinh tốt nghiệp THPT một vài năm gần đây giữ ổn định và có xu hướng giảm trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào ĐH, CĐ vẫn tăng, cộng với thời gian tuyển sinh vào ĐH, CĐ quá dài nên nguồn tuyển sinh vào học TCCN gặp nhiều khó khăn.

Đây là một trong số những nguyên nhân được Bộ GD-ĐT đưa ra lý giải việc số học sinh (HS) đi học Trung cấp Chuyên nghiệp (TCCN) ngày càng giảm. Trong năm 2012, đã có 33 cơ sở đào tạo TCCN không tuyển được HS.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, ngoài nguyên nhân trên còn có sự tác động của việc suy thoái kinh tế, cộng với thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp thời gian gần đây khiến nhiều thí sinh và gia đình không muốn cho con đi học TCCN vì điều kiện tìm được việc làm ngày càng trở nên khó khăn, trong khi lao động với trình độ TCCN có thu nhập ở mức thấp.

Bên cạnh đó, công tác hướng nghiệp ở bậc học phổ thông còn nhiều hạn chế, nên nhiều HS vẫn lựa chọn học CĐ, ĐH làm con đường phát triển sự nghiệp của mình trong tương lai. Chính sách hỗ trợ phân luồng và giáo dục nghề nghiệp của trung ương và ở các địa phương chưa được chú trọng nên khó thu hút HS vào học TCCN. Ngoài ra, một số trường chưa chú trọng trong việc bồi dưỡng, huấn luyện cho cán bộ làm công tác tuyển sinh, nên công tác tuyên truyền và tổ chức tuyển sinh bị hạn chế, hiệu quả thấp và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, công tác tuyển sinh TCCN năm 2012 đã diễn ra trong trật tự, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập như trường đã thông báo thông tin mập mờ, gây sự hiểu lầm cho thí sinh và xã hội về việc thí sinh sẽ được học liên thông lên CĐ, ĐH như là việc đương nhiên nếu học sinh đăng ký theo học TCCN tại trường, trong khi thực tế để được học liên thông lên ĐH, CĐ, thí sinh phải đảm bảo các điều kiện khác theo quy định về đào tạo liên thông của Bộ GD-ĐT.

Một số trường tuyển vượt nhiều so với chỉ tiêu được thông báo, không phù hợp với các điều kiện đảm bảo chất lượng, trong đó tập trung chủ yếu ở các trường có đào tạo các ngành về Sư phạm và Y - Dược. Ngược lại, ở một số trường lại không thu hút được thí sinh, hiệu quả thấp, trong đó tập trung chủ yếu ở các trường TCCN tư thục và một số trường Văn hóa nghệ thuật hoặc các trường đào tạo về lĩnh lực Nông, Lâm, Thủy sản...

Cần phải có giải pháp đồng bộ

Lãnh đạo các trường TCCN cho rằng, việc phân luồng HS là yếu tố quan trọng để hướng học sinh đến TCCN, đào tạo nghề… Tuy nhiên, nếu các trường ĐH tiếp tục đào tạo TCCN thì sẽ rất khó để các đơn vị TCCN tuyển sinh được. Nhưng trên thực tế, từ số liệu của Bộ GD-ĐT cho thấy “rào cản” này không quá lớn.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2012, cả nước có 591 cơ sở giáo dục (chưa kể các trường quân sự tỉnh) được giao nhiệm vụ tuyển sinh đào tạo trình độ TCCN, với tổng chỉ tiêu được xác định là 374.787 chỉ tiêu. Các trường đã xét tuyển được 359.339 thí sinh, đạt 90,8% so với chỉ tiêu. Số thí sinh đến nhập học là 251.202 thí sinh, đạt 63,5% (giảm gần 10% so với năm 2011). Trong đó, số thí sinh nhập học tại các trường TCCN là 112.681 thí sinh, chiếm 44,9%; tại các trường cao đẳng là 107.068 thí sinh, chiếm 42,6%; tại các trường đại học là 26.695 thí sinh, chiếm 10,6% và tại các cơ sở giáo dục khác có đào tạo TCCN là 4.758 thí sinh, chiếm 1,9%.

Số thí sinh tốt nghiệp THCS được tuyển vào học TCCN là 22.865 HS, chiếm 9,1%; số thí sinh trượt tốt nghiệp THPT được tuyển vào học TCCN là 10.271 HS, chiếm 4,1%. Các thí sinh theo học nhiều nhất lần lượt là các ngành tập trung ở 4 lĩnh vực: Sức khỏe (chiếm khoảng 34%); Kinh doanh và Quản lý (chiếm khoảng 22%); Công nghệ kỹ thuật (chiếm khoảng 17%); Đào tạo giáo viên (chiếm khoảng 14%); thấp nhất là hai lĩnh vực Môi trường, Sản xuất và chế biến có số thí sinh nhập học chỉ xấp xỉ 1%. Đặc biệt, các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nông lâm nghiệp và thủy sản, Môi trường, Sản xuất và chế biến có rất ít thí sinh đăng ký dự tuyển và nhập học.

Qua những số liệu này cho thấy, muốn giải quyết được bất cập hệ TCCN thì yếu tố đầu tiên phải quy hoạch lại ngành nghề đào tạo, nâng cao chất lượng và quan trọng là bài toán phân luồng HS sau THCS. Tại hội nghị triển khai “Chiến lược phát triển giáo dục” và “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục” ngày 23/1/2013, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: Sẽ sáp nhập hệ thống GD nghề nghiệp giữa 2 bộ (Bộ GD-ĐT và Bộ Lao động Thương bình và Xã hội - PV) để tránh phân tán. Lấy lợi ích của việc nâng cao chất lượng làm trọng tâm. Trong quý I/2013, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị phân luồng HS sau THCS, báo cáo Chính phủ hệ thống các giải pháp đến năm 2015.

Theo các chuyên gia, việc giải quyết bài toán phân luồng HS sau THCS sẽ rất khó khăn bởi hệ thống các trường THPT thời gian qua phát triển quá nhanh. Không có sự khống chế chỉ tiêu nên dẫn đến tình trạng cứ học xong THCS là vào THPT. Sau khi tốt nghiệp THPT lại đổ xô đi thi ĐH, CĐ.

Về công tác phân luồng, GS Văn Như Cương - hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng: Ở các nước có nền giáo dục phát triển thì sau THCS sẽ phát triển theo hai nhánh: Một là nhánh học THPT có tích hợp dạy nghề và nhánh còn lại là học THPT truyền thống.

Tuy nhiên, hiện nay điều bất cập nhất của chúng ta đó chính là xu hướng chạy theo bằng cấp của xã hội. Các em không muốn phân luồng đi theo hướng học nghề bởi người ta vẫn chuộng bằng tốt nghiệp THPT hơn và lên bậc cao hơn thì lại tham vọng kiếm tấm bằng ĐH bằng mọi giá. Do đó muốn thực hiện tốt công tác phân luồng thì điều đầu tiên xã hội phải thay đổi cách quan niệm về bằng cấp. Cần phải xác định học để lấy kiến thức để có thể làm việc kiếm sống chứ không nên suy nghĩ là chỉ nhằm lấy tấm bằng. Bên cạnh đó, cũng phải nhận thức được rằng những em đi học nghề sớm hoàn toàn có cơ hội học lên ĐH, CĐ bằng hình thức đào tạo mở như liên thông, từ xa, vừa học vừa làm…

Giữ ổn định công tác tuyển sinh TCCN năm 2013

Bộ GD-ĐT cho biết, về cơ bản, công tác tuyển sinh TCCN năm 2013 được thực hiện ổn định như năm 2012. Sẽ tiếp tục quy định thống nhất việc tuyển sinh TCCN theo hình thức xét tuyển, riêng đối với các ngành năng khiếu, môn văn hóa được thực hiện theo hình thức xét tuyển, môn năng khiếu do hiệu trưởng nhà trường quyết định thi tuyển hoặc xét tuyển.

Việc xét tuyển căn cứ kết quả học tập ở phổ thông hoặc kết quả thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm 2013 của thí sinh. Các trường có thể tổ chức xét tuyển nhiều đợt trong năm, tuyển nhiều loại đối tượng theo quy định với những tiêu chí xét tuyển phù hợp để tuyển sinh theo chỉ tiêu đào tạo đã được xác định của trường. Thí sinh có nguyện vọng đăng ký dự tuyển vào TCCN sẽ nộp hồ sơ và lệ phí tuyển sinh về trường đăng ký dự tuyển (qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc đến nộp trực tiếp tại trường).

Ngoài ra, tùy theo yêu cầu và tình hình cụ thể của việc thu nhận hồ sơ và công tác tuyển sinh TCCN tại địa phương, các sở GD-ĐT có thể tổ chức thu nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển vào TCCN của thí sinh trên địa bàn tỉnh (thành phố) và chủ động bàn giao cho các trường theo kế hoạch và yêu cầu thu nhận hồ sơ của từng trường.

Năm 2013, công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được tăng cường nhằm giữ vững trật tự, an toàn, nghiêm túc trong công tác tuyển sinh và đào tạo TCCN. Bộ GD-ĐT, các Bộ ngành có cơ sở đào tạo TCCN, các sở GD-ĐT địa phương sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra sự minh bạch, chính xác về những thông tin tuyển sinh, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, quá trình tổ chức tuyển sinh, điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở đào tạo TCCN trên phạm vi cả nước.

S.H

Nguồn: dantri.com.vn

Bài viết liên quan

580
  Tải tài liệu