Trường ĐH không đào tạo TCCN: Cần lộ trình hợp lý

Trường ĐH không đào tạo TCCN: Cần lộ trình hợp lý

525
  Tải tài liệu

Từ năm 2012, Bộ GD-ĐT không cho phép các ĐH, học viện, trường ĐH đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp. Dù đây là một chủ trương được gọi là đúng luật nhưng lại đang khiến dư luận tranh cãi theo nhiều hướng.

Hướng thứ nhất gồm các trường trung cấp chuyên nghiệp. Loại trường này hiện đang có số lượng lên đến hàng trăm nhưng lâu nay “ấm ức” vì “trụ” không nổi trong bối cảnh các trường ĐH công khai tranh tuyển.

Hướng thứ hai gồm hầu hết các trường ĐH lâu nay có đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp. Loại này không có lý do gì để phản ứng chủ trương bỏ đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp nhưng đang tìm cách nại ra đủ thứ lý do (đã chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất, đã tuyển giáo viên…) để níu kéo. Đơn giản là vì với hạng trường này, việc tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp dễ hơn rất nhiều so với hệ ĐH, CĐ nhưng doanh số thì không hề nhỏ, thậm chí còn được xem như là nguồn thu chủ lực.

Ngoài hai hướng kể trên, còn một số không nhỏ những trường tiền thân là trung cấp, CĐ mới “chạy” để xin nâng cấp lên ĐH. Những trường này tiếng là lên ĐH nhưng làm sao một sớm một chiều có thể tạo dựng được thương hiệu. Không có thương hiệu thì rất khó tuyển hệ ĐH, cho nên danh nghĩa là trường ĐH nhưng đào tạo chủ yếu vẫn là trung cấp. Bây giờ đã mang danh trường ĐH rồi thì sẽ không được tuyển hệ trung cấp. Thế là tiến thoái lưỡng nan. Nhiều trường ngậm ngùi luyến tiếc vì giá mà an phận nằm lại với danh nghĩa trường trung cấp thì bây giờ cứ gọi là cơ hội ăn nên làm ra. Mà các trường này, xét cho cùng, thì vẫn cơ sở vật chất đó, vẫn bộ máy và đội ngũ giáo viên của một trường trung cấp đó, có khác chăng chỉ là cái tên gọi ĐH.

Bộ GD-ĐT đang làm đúng luật. Nhưng nói gì thì nói, thực tiễn có những việc muốn làm đúng luật thì phải cân nhắc. Bởi lâu nay luật có đấy nhưng Bộ GD-ĐT không áp vào mà quản lý hoặc có quản nhưng quản không nổi nên mới có việc hoạt động tuyển sinh đôi khi không như mong muốn. Các trường mở ra đào tạo là phải đầu tư nhân lực, vật lực, bây giờ nếu siết gấp thì sẽ không tránh khỏi những tổn hại. Đặc biệt là có nhiều ngành nghề mà lâu nay bản thân các trường trung cấp đều chê do khó tuyển và đầu tư lớn, chỉ có các trường ĐH chuyên ngành chịu khó mở ra để tận dụng nguồn lực của hệ đào tạo ĐH đang dôi thừa. Gọi là các trường tận dụng nguồn lực nhưng xã hội lại được hưởng lợi nhờ có đầu ra từ các trường này để sử dụng. Đấy là những ngành như vật lý trị liệu, phục hình răng, gây mê hồi sức, trắc địa, bản đồ…

Vì thế, Bộ GD-ĐT rất cần phải có một lộ trình hợp lý để kết quả sau cùng là việc tuyển sinh và đào tạo phải đúng với các quy định của pháp luật nhưng giảm thiểu những xáo trộn và lãng phí. Nhưng không vì thế mà dùng dằng để rồi đâu lại vào đấy.

Xuân Thành

Nguồn: nld.com.vn

Bài viết liên quan

525
  Tải tài liệu