Xóa “mù” ngoại ngữ cho học sinh TCCN

Rất yếu kém

Trình độ B1 khi tốt nghiệp

761
  Tải tài liệu

Sở GD-ĐT TP.HCM đang nghiên cứu áp dụng thực hiện đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh trong các trường trung cấp chuyên nghiệp.

Rất yếu kém

Theo thạc sĩ Phạm Ngọc Thanh - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện học sinh - sinh viên (HS-SV) các trường TCCN tại TP.HCM đang học chương trình ngoại ngữ thiết kế theo quy định của Bộ GD-ĐT. Một số trường có tổ chức giảng dạy tăng cường theo chương trình chứng chỉ A, B, C hoặc TOEIC. Tuy nhiên, ông Thanh thừa nhận, trong thực tế, chương trình ngoại ngữ hiện tại chỉ đáp ứng được mục đích về trang bị kiến thức ngữ pháp cơ bản, cung cấp phục vụ giao tiếp cơ bản, đọc tài liệu chuyên môn đơn giản, đáp ứng nhu cầu thi tuyển công chức. Trình độ tiếng Anh trong bộ phận HS hệ chuyên nghiệp đang khá yếu kém.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng bộ phận thường trực đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, Bộ GD-ĐT, cũng cho biết: “Khi làm việc với rất nhiều trường TCCN, tôi thấy rằng trình độ đầu vào của HS gần như là 0. Trong khi đó, chương trình học chỉ có 60 tiết, lớp học được tổ chức 60 đến 100 HS thì chúng ta coi ngoại ngữ là môn phụ rồi”. Vì xem tiếng Anh là môn phụ, các cấp quản lý ít quan tâm phát triển tiếng Anh trong các trường TCCN và thiếu tính định hướng. Chính các trường cũng đầu tư cơ sở vật chất ít, tuyển giáo viên sơ sài, dưới chuẩn.

Đầu vào tiếng Anh của HS trường chuyên nghiệp thấp cũng có xuất phát từ việc tuyển sinh. Để tuyển HS vào học các trường TCCN, các trường chỉ xét hai môn toán và vật lý theo học bạ. Chuẩn đầu ra của các trường này cũng không có yêu cầu bắt buộc về trình độ tiếng Anh. Vì thế, số HS tốt nghiệp các trường TCCN hầu như không đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ của doanh nghiệp.

Thậm chí, theo ông Đặng Cao Đẳng, Tổ trưởng tổ ngoại ngữ Trường TC Việt Khoa, qua kết quả khảo sát đầu năm 2012 tỷ lệ HS đạt điểm tiếng Anh trên trung bình ở các trường rất thấp, thấp nhất so với các môn học khác. Nhiều HS rơi vào tình trạng “mù” ngoại ngữ.

Trình độ B1 khi tốt nghiệp

Ông Lâm Văn Quản, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Chỉ mới vài tháng trước, khi đề cập đến việc nâng cao tiếng Anh, lãnh đạo nhiều trường TCCN đã chùn bước. Tuy nhiên, gần đây, khi Sở GD-ĐT quyết tâm thực hiện điều này đã nhận được sự đồng tình nhiều hơn từ các trường. Đây là tín hiệu đáng mừng để có thể bắt tay vào thực hiện đề án. Bởi, chủ trương sắp tới là đưa HS các trường này qua nước trong khu vực làm việc. Nếu ngoại ngữ quá yếu, chúng ta sẽ bị thua thiệt. Trong khi đó, trình độ ngoại ngữ của HS các nước trong khu vực đã vượt xa so với chúng ta rồi”.

Giải pháp phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho HS trong các trường TCCN sẽ bắt đầu thí điểm tại một số trường, ngành học. Lộ trình là đào tạo tăng cường tiếng Anh cho khoảng 10% HS trong năm 2012, 60% vào năm 2015 - 2016 và 100% vào năm 2020. Trình độ ngoại ngữ chung của HS sau khi tốt nghiệp là đạt được bậc 3 (B1) của khung năng lực ngoại ngữ châu Âu.

Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hùng, giải pháp để thay đổi thực trạng này chủ yếu xuất phát từ giáo viên. Cần phải rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ giảng viên ngoại ngữ để xây dựng quy hoạch, kế hoạch tuyển dụng, bồi dưỡng. Bà Phạm Hoàng Minh Thảo, giảng viên tiếng Anh Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, đề xuất: “Các trường nên trang bị dạy học tối thiểu môn tiếng Anh có chất lượng tốt và đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất để giảng dạy; tạo điều kiện cho giáo viên tham gia những khóa học TESOL ở nước ngoài để mở rộng tầm nhìn và nâng cao trình độ”.

Cũng theo ông Lâm Văn Quản, việc áp dụng đề án này sẽ còn lấy nhiều ý kiến sau đó mới thực hiện. Nhưng chắc chắn phải có quy định cụ thể đầu vào và đầu ra trình độ tiếng Anh của HS trường TCCN.

Đăng Nguyên

(thanhnien.com.vn)

Bài viết liên quan

761
  Tải tài liệu