Lập lờ chữ “thực hành” để tuyển sinh !

Nhiều trường ĐH tìm cách thu hút người học bằng cách quảng bá tuyển sinh “CĐ thực hành”.

1431
  Tải tài liệu

Dùng tên gọi không có trong văn bản pháp quy

Hiện nay trong các văn bản pháp quy không có bậc đào tạo nào có tên gọi “CĐ thực hành”, thế nhưng trong mấy năm qua, trên các thông tin quảng bá tuyển sinh, nhiều trường ĐH lại sử dụng cụm từ này để thu hút người học. Thực chất đó là chương trình CĐ nghề hiện vẫn đang thuộc Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB-XH quản lý.

Một số trường ĐH đã sử dụng lập lờ cụm từ “CĐ nghề” thành “CĐ thực hành” như: Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, Nguyễn Tất Thành, Duy Tân, Tôn Đức Thắng...

Còn trường CĐ nghề cũng chối bỏ chữ “nghề” để lấy tên là “thực hành”, như: Thực hành FPT Polytechnic, Việt Mỹ, Thực hành Công nghệ thông tin iSpace. Ngoài ra, một số trường CĐ trực thuộc Bộ GD-ĐT quản lý cũng tuyển sinh CĐ nghề với tên gọi “thực hành” như: Kinh tế công nghệ TP.HCM, Đại Việt Sài Gòn…

PGS-TS Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, nhận định: “Đó là một tên gọi mà các trường tự đặt ra để né chữ “nghề” vốn không được người học mặn mà trong những năm qua. Tuy nhiên, cách gọi như vậy rất lộn xộn, không tuân thủ theo đúng quy định, gây hiểu lầm cho người học. Khi giáo dục nghề nghiệp chưa thống nhất một cơ quan quản lý, thì các trường vẫn gọi như tên gọi trước đây là CĐ và CĐ nghề, chứ không thể gọi chệch thành CĐ thực hành được”.

Đánh vào tâm lý người học

Trưởng phòng đào tạo một trường CĐ thuộc Bộ GD-ĐT quản lý nhưng có tuyển sinh cả chương trình nghề cho biết: “Hiện nay việc tuyển sinh của các trường quá khó khăn. Việc các trường ĐH ôm đồm thêm cả bậc CĐ và “CĐ thực hành” đã phá vỡ sự phân luồng, ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các trường chuyên đào tạo bậc CĐ. Tâm lý của phụ huynh và học sinh vẫn thích vào các trường ĐH để học hơn. Hơn nữa, nhiều học sinh cũng không phân biệt được… Họ cứ thấy quảng bá hấp dẫn là vô thôi”.

Theo luật Giáo dục nghề nghiệp mới, sinh viên tốt nghiệp bậc CĐ sẽ được công nhận danh hiệu cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành. Tuy nhiên, hiện tại do chưa có cơ quan quản lý chính thức trong giáo dục nghề nghiệp nên vẫn tồn tại CĐ với CĐ nghề và bằng cấp do Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH cấp. Thế nhưng các trường vẫn quảng cáo “tuyển sinh bậc kỹ sư - cử nhân thực hành” xét tuyển không cần thi. Nhiều người học tưởng ra trường sẽ có bằng kỹ sư hay cử nhân thực hành giống như tốt nghiệp ĐH, chứ không hề biết rằng thực chất đó là bậc CĐ nghề.

Đến thời điểm này, hàng loạt trường (cả nghề lẫn chuyên nghiệp) rơi vào tình trạng “thở ô xy”. Hầu hết chỉ tuyển được trên dưới 50%, thậm chí có trường chỉ tuyển được vài chục học sinh, sinh viên. Ông Trần Kim Tuyền, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM, nhìn nhận: “Vấn đề các trường ĐH đào tạo các bậc trong mấy năm qua đã gây bức xúc rất nhiều. Tại sao ĐH không tập trung đào tạo ĐH mà lại ôm đồm như vậy và các cơ quan nhà nước vẫn ủng hộ. Lợi thế của họ lớn gấp nhiều lần các trường CĐ, TC đó là họ có nguồn tuyển, khi thí sinh không đậu ĐH, họ sẽ nhận vào học các bậc còn lại”.

Theo ông Tuyền, sắp tới khi thống nhất thành một chương trình học duy nhất thì cơ quan quản lý cần chấm dứt việc trường ĐH được đào tạo CĐ theo tinh thần của luật Giáo dục nghề nghiệp đề ra.

Mỹ Quyên
Nguồn: thanhnien.com.vn

Bài viết liên quan

1431
  Tải tài liệu