Điều chỉnh cỗ máy đào tạo lệch cung

Giã từ thời “hoàng kim”

Rà soát và kiểm định chất lượng

996
  Tải tài liệu

Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013 đang đến gần và thật khó đoán có bao nhiêu học sinh tốt nghiệp phổ thông chọn học những ngành “nóng” như kinh tế, tài chính, ngân hàng. Nhưng có một lời khuyên của các chuyên gia là các bạn trẻ hãy cân nhắc kỹ giữa đam mê, sở thích ngành nghề và nhu cầu sử dụng của xã hội…

Giã từ thời “hoàng kim”

Thời điểm cuối năm điểm qua các trung tâm giới thiệu việc làm, các trang tuyển dụng qua mạng internet dễ thấy hồ sơ, ứng viên là cử nhân, sinh viên tốt nghiệp cao đẳng các ngành kinh tế, kế toán, quản trị kinh doanh… cần tìm việc nhiều vô kể. Nhiều cử nhân ngành tài chính ngân hàng mới ra trường cũng “méo mặt” với hành trình tìm việc có thu nhập trung bình trong thời buổi hệ thống tín dụng-ngân hàng đối mặt  nợ xấu và đồng loạt tái cơ cấu, sáp nhập, thu hẹp hoạt động…

Cơn lốc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh khiến nhiều doanh nghiệp, công ty phải co hẹp sản xuất hoặc phá sản, cắt giảm, sa thải hàng chục ngàn lao động. Con số trên 1 triệu lao động trong năm 2012 bị thất nghiệp, thiếu việc làm đã minh chứng thực trạng tìm việc đầy cam go, thử thách đối với người lao động từ trình độ cao đến không có tay nghề.

Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân khách quan này, nhìn từ góc độ khác, các chuyên gia về đào tạo nhân sự cho rằng sự dư thừa nhân lực của các ngành nghề vốn một thời được coi là “nóng” như kinh tế, tài chính, ngân hàng cũng là hệ quả tất yếu của một thời đua nhau đào tạo những ngành này.

Vài năm về trước, sức hấp dẫn từ thu nhập cao ngất ngưởng, thưởng “khủng” của các ngành tài chính, chứng khoán, ngân hàng… đã tạo cơn sốt - tâm lý số đông người học chọn các ngành kinh tế - tài chính, quản trị kinh doanh, kế toán… vì dễ xin việc làm, thu nhập cao. Từ hệ lụy cho phép đào tạo quá dễ dãi nên nhiều trường đại học, cao đẳng không chuyên, hệ dân lập, cơ sở liên kết đào tạo với nước ngoài ồ ạt mở những ngành đào tạo nói trên dẫn đến thực trạng “bội thực” nguồn cung.

Sự thật này thức tỉnh ngành giáo dục đào tạo nước nhà và mới đây tại cuộc họp bàn về quy hoạch nguồn nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đưa ra thông điệp: Từ năm 2013 sẽ tạm ngừng mở các ngành đào tạo thừa đầu ra như tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán và không cho phép mở thêm các trường đại học đào tạo những ngành này. Động thái tích cực - điều chỉnh cỗ máy đào tạo nhiều năm qua chạy lệch pha - “sản xuất vội, cho ra lò nhiều sản phẩm” mà thị trường lao động đang dư thừa, được dư luận xã hội đồng tình lẫn một chút băn khoăn.

Rà soát và kiểm định chất lượng

TS Nguyễn Quốc Khanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển nguồn nhân lực Trường ĐH Kinh tế TPHCM khẳng định, vai trò điều tiết của cơ quan quản lý là cần thiết để đào tạo ngành nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động. Bên cạnh đó, trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp đều phải tái cấu trúc hoạt động sản xuất, kinh doanh nên nguồn cung vượt cầu là tất yếu. Vì thế, Bộ GD-ĐT nên xác định thời gian hạn chế việc mở ngành hoặc không cho phép đối với các trường đại học không chuyên, thiếu năng lực đào tạo những ngành liên quan đến kinh tế (quản trị kinh doanh, kế toán..), tài chính, ngân hàng. Nhiều ý kiến của các trường đại học cho rằng Bộ GD-ĐT cần rà soát lại thực tế đào tạo cũng như kiểm định chất lượng đào tạo nguồn nhân lực để có quyết định chuẩn xác trong việc không cho phép cơ sở giáo dục nào tiếp tục đào tạo.  

Với cách nhìn thận trọng, GS.TS Nguyễn Thanh Tuyền, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM nhận định nguồn nhân lực kinh tế - tài chính ở thời kỳ nào cũng rất cần vì nó thâm nhập, len lỏi trong mọi hoạt động của nền kinh tế quốc dân. Vì thế, cần có tầm nhìn xa trong đào tạo, chuẩn hóa chất lượng để chuẩn bị nguồn nhân lực quan trọng này cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững chứ không nên nhìn ở giai đoạn  trước mắt khi thị trường lao động đang bão hòa vì khủng hoảng kinh tế. Cũng theo GS, nếu sinh viên các ngành kinh tế - tài chính thực học, có kiến thức chuẩn, có kỹ năng mềm, năng động thích ứng với mọi công việc thì có thể tự thân lập nghiệp chứ không chỉ chờ  nơi tuyển dụng mình.

Điều đáng lo ngại ở đây chính là sự lãng phí của xã hội lẫn người học khi đầu tư vào những ngành nghề đã dư thừa mà không lường hết hậu quả. Sau hồi chuông cảnh tỉnh về đào tạo ngành nghề chưa gắn với nhu cầu sử dụng cũng như sự lệch pha-thiếu hụt những ngành nghề xã hội cần, Bộ GD-ĐT, Bộ LĐTB-XH phải làm gì để đưa ra dự báo đúng về nhu cầu cần đào tạo, sử dụng của thị trường lao động VN trong những năm tới?

KHÁNH BÌNH

Nguồn: sggp.org.vn

Bài viết liên quan

996
  Tải tài liệu