Dùng dằng chuyển đổi tên ngành

Mười năm vẫn chưa có mã ngành

Bình mới rượu cũ

Kiến nghị xem xét lại quy định tuyển thẳng

880
  Tải tài liệu

Từ mùa tuyển sinh năm nay, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải thay đổi mã ngành đào tạo theo thông tư 14 về danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ ĐH, CĐ (gọi tắt là thông tư 14). Trong đó, ngành đào tạo bậc ĐH bắt đầu bằng ký tự D, bậc CĐ ký tự C và theo sau là sáu chữ số.

Theo đó, tất cả các ngành giống nhau sẽ có chung tên ngành và mã ngành thống nhất trên toàn quốc dù ngành đó ở trường nào. Ví dụ mã ngành quản trị kinh doanh bậc ĐH của tất cả các trường đều là D340101, mã ngành tiếng Anh hệ CĐ là C220201... Quy định là thế nhưng hiện nay nhiều trường vẫn loay hoay xin mã ngành.

Mười năm vẫn chưa có mã ngành

Thông tư 14 được ban hành từ tháng 4-2010 nhưng hiện nay khá nhiều trường vẫn mắc kẹt khi chưa có được mã ngành. Một trường ĐH tại TP.HCM năm nay thông báo tuyển 26 ngành bậc ĐH nhưng có đến hai ngành ghi mã ngành giống nhau là quản trị kinh doanh và quản trị kinh doanh du lịch (D340101). Tuy nhiên theo thông tư 14, hoàn toàn không có tên lẫn mã ngành của ngành quản trị kinh doanh du lịch!

Trong khi đó, ngành quan hệ lao động Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã được Bộ GD-ĐT ký quyết định mở ngành và tuyển sinh từ năm 2008. Tuy nhiên đến nay trường vẫn phải chờ mã ngành. Đại diện nhà trường cho biết: “Hội đồng tuyển sinh của trường đã liên hệ với Bộ GD-ĐT để xin cấp mã ngành nhưng được trả lời “hiện nay chưa có, có thể ngành này sẽ được đưa vào ngành quản trị - quản lý”. Ngoài ra, ngành Trung - Anh của trường này cũng bị vướng và phải đổi thành ngành ngôn ngữ Trung Quốc. Trong khi đó, một số trường khác như ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, ĐH Hùng Vương TP.HCM, ĐH Tài chính marketing, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM khi chuyển sang thông tư 14 cũng có ngành không có tên và buộc phải “nhét” vào nhóm ngành khác.

Đáng nói nhất là nhiều trường ĐH thành viên trong ĐHQG TP.HCM cũng bị rối do nhiều ngành đào tạo chưa có mã ngành. Trong đó bị vướng nhiều nhất là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn khi có nhiều ngành gồm: đô thị học, song ngữ Nga - Anh, du lịch... Các trường như ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế - luật, ĐH Khoa học tự nhiên cũng có một số ngành chưa có tên trong danh mục ngành nghề. Trong đó đáng chú ý là các ngành song ngữ Nga - Anh, toán - tin có thâm niên đào tạo đến hàng chục năm nhưng trong danh mục ngành nghề của Bộ GD-ĐT cũng không có tên...

Bình mới rượu cũ

Thực tế cho thấy các trường đều đồng tình với quy định này của Bộ GD-ĐT nhằm tránh tình trạng lộn xộn về tên gọi, ngành nghề đào tạo sau một thời gian dài thả nổi. Tuy nhiên, xung quanh chuyện chuẩn hóa này cũng khiến nhiều trường bị rối.

Phát biểu tại hội nghị công tác tuyển sinh năm 2012 của ĐHQG TP.HCM, TS Lê Hữu Phước, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), cho rằng: “Trường đồng ý với chủ trương chung của Bộ GD-ĐT để thống nhất tên gọi và mã ngành đào tạo. Song khi thực hiện theo chủ trương này trường sẽ rất khó tuyển sinh, khó thu hút người học ở một số ngành”. Dẫn chứng về điều này, TS Lê Hữu Phước cho biết: “Trường lấy tên gọi ngành song ngữ Nga - Anh cố gắng lắm cũng chỉ tuyển được 40-50 sinh viên vào học. Nếu đổi sang ngành tiếng Nga thì không ai học cả. Tương tự ngành đô thị học giờ đổi thành ngành quản lý đô thị thì không ai nghĩ vào Trường ĐH KHXH&NV để học ngành này”.

TS Nguyễn Kim Quang, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), cho biết: “Áp dụng theo thông tư 14, trường có hai ngành phải thay tên gọi là ngành toán - tin, hải dương học - khí tượng - thủy văn thành ngành toán và hải dương học. Dù đổi tên nhưng thực tế là chương trình cũ, vẫn là bình cũ rượu mới mà thôi”.

Trong khi đó, theo nhiều trường bị vướng mã ngành, để thí sinh an tâm đăng ký dự thi không còn cách nào khác là trường cố gắng xin Bộ GD-ĐT cấp mã ngành mới. Nếu căng quá đành ghép vào nhóm ngành nào đó. Tuy nhiên, điều khiến các trường băn khoăn hơn nữa là khi cấp bằng. Bởi lẽ, theo quy định mới, trên bằng chỉ được ghi ngành đào tạo, không ghi tên chuyên ngành. Ví dụ như ngành quan hệ lao động Trường ĐH Tôn Đức Thắng nếu ghép vào ngành quản trị - quản lý, nhiều khả năng sẽ được cấp bằng quản trị - quản lý. Từ thực tế này, viễn cảnh các trường đối diện với việc sinh viên khiếu nại về học một đằng cấp bằng một nẻo là khó tránh khỏi.

Theo TS Nguyễn Kim Quang, Bộ GD-ĐT cần hoàn thiện hơn trong việc rà soát, kiểm tra lại toàn bộ ngành nghề đào tạo để đưa ra bộ mã ngành bao phủ hết chương trình đào tạo hiện nay. Đồng thời phải có được bộ mã ngành dự trữ cho những ngành đặc thù, những ngành trong tương lai, nghiên cứu những ngành nghề của quốc tế... Khi đó, Bộ GD-ĐT sẽ có được bộ mã ngành hoàn chỉnh và các trường cũng hết băn khoăn, chờ đợi khi chuẩn hóa tên gọi cho ngành đào tạo.

Kiến nghị xem xét lại quy định tuyển thẳng

Xung quanh vấn đề xem xét tuyển thẳng học sinh THPT ở 62 huyện nghèo theo nghị quyết 30a của Chính phủ, nhiều trường chưa thống nhất vì hiện chưa có phương án, kế hoạch đào tạo bổ sung kiến thức trong một năm trước khi vào học chương trình chính thức. TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết ĐHQG TP.HCM sẽ kiến nghị với Bộ GD-ĐT để có phương án cụ thể hơn, nếu để các trường gánh thêm chương trình đào tạo bổ sung (dự bị) thì rất khó. Ngoài vấn đề nói trên, TS Nguyễn Đức Nghĩa cũng cho biết sẽ trao đổi thêm với Bộ GD-ĐT về quy định tuyển thẳng học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2012. Bởi lẽ quy định này sẽ thiệt thòi cho những học sinh lớp 12 đã đoạt giải năm 2011.

Trước đó, trong phiên họp bàn về các phương án tuyển sinh trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2012, các trường thành viên của ĐHQG TP.HCM cũng thống nhất năm 2012 không áp dụng hình thức nguyện vọng (NV) 1C mà chỉ áp dụng NV1B. Theo đó, thí sinh không trúng tuyển NV1 vào ngành đã đăng ký nếu có NV sẽ được chuyển vào những ngành khác (có cùng khối thi) trong tất cả các trường, khoa thành viên thuộc ĐHQG TP.HCM.

Thời gian xét tuyển NV1B tính từ ngày 16-8 và công bố điểm vào ngày 25-8. Các trường thành viên cũng thống nhất nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 từ ngày 25-8 đến 10-9 và không nhận giấy báo điểm photocopy. Ngoài ra, thí sinh được rút hồ sơ xét tuyển NV2 từ ngày 5 đến 10-9.

MINH HIẾU

Nguồn: tuoitre.vn

Bài viết liên quan

880
  Tải tài liệu