Sinh viên bị đuổi học để siết chặt chất lượng đào tạo

Đừng bao giờ nghĩ đỗ đại học là có thể tốt nghiệp ra trường, việc “siết” chặt chất lượng đào tạo tại các trường đang khiến hàng loạt sinh viên phải ra trường… trước thời hạn.

466
  Tải tài liệu

Bị buộc thôi học là cái “kết đắng” mà N.T.P – cựu sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội nhận được sau khoảng thời gian dài tối ngày “cày” game ở ngoài quán. P chia sẻ, hồi cấp ba ở nhà bị bố mẹ “quản thúc” nên khá ngột ngạt. Sau khi đỗ được ĐH lại là ĐH Bách Khoa danh tiếng gia đình vui lắm. Được bố mẹ chu cấp tiền sinh hoạt đầy đủ và xông xênh hơn nhiều sinh viên khác, lại mang tâm lý “xả hơi” nên P lao vào chơi điện tử, bỏ bê bài vở, thi thoảng lại cúp tiết trốn học đi chơi.

“Nhận được quyết định bị thôi học em ân hận lắm, suốt mấy tháng sau không dám về nhà, cũng không dám nói cho ai biết. Giờ thì học hành dang dở, không có mặt mũi nào về quê, gặp gỡ bạn bè. Bố mẹ sau khi biết tin đã rất thất vọng, giờ em vào trường nghề để học về cơ điện hy vọng sau này sẽ có cơ hội lập nghiệp sửa chữa sai lầm” – P nói.

P chỉ là 1 trong số hơn 700 sinh viên của ĐH Bách khoa bị buộc thôi học mỗi năm. Theo ông Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng trường, sinh viên bị thôi học giữa chừng vì nhiều lý do nhưng chủ yếu là ở ý thức học tập.

“Tâm lý chung sau 12 năm học nhiều em vào đại học muốn … xả hơi. Thay vì học tập các em đắm chìm trong điện tử và đủ trò khác. Nhưng chỉ cần 6 tháng không tập trung là kết quả tụt dốc. Hiện theo quy chế đào tạo tín chỉ, nếu 6 tháng toàn bị điểm F sinh viên sẽ vào diện cảnh báo mức 3 và có thể buộc thôi học” – ông Tớp chia sẻ.

Không chỉ có ĐH Bách khoa, rất nhiều trường ĐH lớn tại Hà Nội mỗi năm cũng có vài trăm sinh viên bị ra trường trước thời hạn.

Theo số liệu thống kê của trường ĐH Sư phạm, từ năm 2013 – 2017,  trường đã cảnh cáo học tập hơn 1.000 học sinh và buộc thôi học 620 sinh viên. Trung bình mỗi năm có trên 120 sinh viên trường này bị thôi học. “Nguyên nhân chủ yếu cũng là do các bạn nợ quá số tín chỉ cho phép nên buộc phải thôi học. Điều này rất đáng tiếc” – đại diện ĐH Sư phạm cho biết.

Con số thống kê số sinh viên bị cảnh cáo, bị liệt vào danh sách “báo động đỏ” và buộc thôi học tại trường ĐH Công nghiệp Hà Nội còn “khủng” hơn rất nhiều.

Cụ thể, từ năm 2015 – 2016 đã có 1.409 sinh viên bị cảnh cáo vì kết quả học tập kém (chiếm tỷ lệ từ 4,2 – 10% sinh viên mỗi năm). Những trường hợp bị cảnh cáo là những sinh viên có điểm trung bình chung học kỳ đạt dưới 0,8 đối với học kỳ đầu của khóa học và dưới 1,00 đối với kỳ học tiếp theo. Điểm trung bình chung tích luỹ đạt dưới 1,20 đối với sinh viên năm thứ nhất, dưới 1,40 đối với sinh viên năm thứ hai, dưới 1,60 đối với sinh viên năm thứ ba hoặc dưới 1,80 đối với sinh viên các năm tiếp theo.

Cũng theo thống kê này, số sinh viên bị buộc thôi học trong 2 năm từ 2014 – 2015 là 634 em chiếm tỷ lệ từ 3,5 – 6,7% sinh viên. Ông Kiều Xuân Thực – Trưởng Phòng đào tạo, ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết, sinh viên buộc thôi học rơi vào 2 trường hợp: Lần thứ 2 liên tiếp thuộc diện cảnh cáo và lần thứ 3 thuộc diện cảnh cáo.

ĐH Ngoại thương được mệnh danh là trường có chất lượng sinh viên thuộc top “đỉnh” trong cả nước, tuy nhiên, đại diện trường này cũng cho biết, mặc dù trường luôn có những cảnh báo cho những em thuộc diện “báo động đỏ” nhưng mỗi năm trường vẫn phải buộc thôi học khoảng 5 sinh viên.

Không phải cứ đỗ đại học là có thể yên vị đến lúc tốt nghiệp – đó là lời cảnh báo của các chuyên gia giáo dục và lãnh đạo các trường ĐH về tình trạng sinh viên lơ là việc học trong 4 năm tại trường. Sinh viên không đủ điều kiện sẽ phải thôi học là kết quả tất yếu phù hợp với chủ trương siết chặt đầu ra, đẩy mạnh kiểm định chất lượng đào tạo mà Bộ GDĐT đang ráo riết yêu cầu các trường ĐH phải thực hiện trong các năm tới.

Tùng Anh
Nguồn: danviet.vn – 07/11/2017

Bài viết liên quan

466
  Tải tài liệu