Phải có cơ chế giám sát
Mở trường như… trảy hội
Thiếu toàn diện
Phải có cơ chế giám sát
Mùa thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2011 khép lại bằng một cái “kết” buồn. Nhiều trường đại học, cao đẳng không thể tuyển đủ chỉ tiêu, chất lượng ứng viên đầu vào không cao như mong đợi. Thêm một lần nữa, dư luận lại đặt câu hỏi: Phải làm gì để đổi mới chất lượng giáo dục đại học và bao giờ chúng ta mới sẵn sàng để “tạo” ra nguồn lao động bậc cao cho đất nước?
Mở trường như… trảy hội
Cách đây chưa lâu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị sơ kết Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ và tổng kết năm học 2010-2011 khối các trường đại học, cao đẳng. Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Chúng ta không thể phát triển giáo dục đại học với quy mô ngày càng tăng mà thiếu sự giám sát chặt chẽ về chất lượng đào tạo.
Tiếp đó, những con số hội nghị đưa ra đã khiến nhiều người phải “sốt ruột”. Năm 2006, cả nước có 18 trường được thành lập, bên cạnh số trường đại học nâng cấp từ cao đẳng, có 6 trường thành lập mới tinh, con số tương ứng năm 2007 là 11-10; 2008: 10-8; 2009: 9-5; 2010: 12-4 và 2011: 14-1.
“Chưa bao giờ chúng ta lại có nhiều trường đại học ra đời đến thế”, GS Nguyễn Xuân Hãn, Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ quan điểm về tình trạng “mở trường tràn lan” hiện nay. Trong khi đó, ước tính, hằng năm, số học sinh tốt nghiệp THPT gần như ổn định. Cầu không tăng mà cung thì thừa dẫn tới cảnh đến mùa tuyển sinh, trường trường mời gọi, tuyển vượt chỉ tiêu, chấp nhận cả cách thức thiếu “fair-play” như tuyển trước thời gian cho phép. Tất cả nhằm mục tiêu “vơ bèo vạt tép” được nhiều thí sinh nhất có thể. “Thêm thí sinh vào học là thêm nguồn tiền để trường hoạt động” - một hiệu trưởng trường đại học ngoài công lập cho biết. Năm 2007, qua thanh tra tại 19 trường (12 trường đại học và 7 trường cao đẳng), có 18/19 trường tuyển vượt chỉ tiêu hơn 20%, có trường tuyển vượt đến hơn 97% so với chỉ tiêu được giao. Năm 2010, cũng có 15 trường đại học, cao đẳng bị xử phạt vi phạm hành chính trong tuyển sinh do tuyển vượt chỉ tiêu.
Thiếu toàn diện
Dư luận hẳn còn nhớ câu chuyện Trường Đại học Phan Thiết lập danh sách khống, giả mạo chữ ký giảng viên, trường lớp chưa có nhưng vẫn được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thành lập và vẫn tuyển sinh hệ đại học chính quy năm đầu tiên (2009-2010) với gần 750 sinh viên. Hay như Đại học Nguyễn Trãi phải thuê cả khán đài B Sân vận động Mỹ Đình làm giảng đường… GS Nguyễn Xuân Hãn nói: “Mở trường học không thể giống với mở công ty. Bởi doanh nghiệp phá sản thì chỉ người của nơi đó chịu ảnh hưởng. Nhưng nếu trường không ra trường thì sẽ ảnh hưởng tới cả thế hệ con người”.
Để tăng chất lượng giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng phải “3 công khai” trước xã hội về chất lượng giáo dục và chất lượng thực tế; điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và công khai thu chi tài chính. Nhưng văn bản thì có mà vẫn có trường không chấp hành vì ngại “vạch áo cho người xem lưng”. Tương tự như vậy, quy trình, thủ tục thành lập trường đại học, cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2007 cũng quy định đối với các ngành đào tạo năng khiếu tỷ lệ sinh viên/giảng viên là 5-10 SV/GV, từ 10-15 SV/GV đối với các ngành đào tạo khoa học kỹ thuật và công nghệ, từ 20 đến 25 SV/GV đối với các ngành đào tạo khoa học xã hội, nhân văn và kinh tế - quản trị kinh doanh. Thế nhưng, thực tế, nhiều trường đang phải đối mặt với tình trạng “thiếu giảng viên”. Năm 2010, tỷ lệ trung bình SV/GV của gần 400 trường đại học, cao đẳng trong cả nước cao lên tới gần 30 SV/GV, vượt xa so với tiêu chuẩn. Mới đây, qua thanh tra một số trường đại học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận phải thừa nhận: “Có những trường mở tới 10 ngành nhưng chỉ có 50 giảng viên cơ hữu, mỗi ngành chỉ có 2-3 giảng viên, diện tích sử dụng trên một sinh viên chỉ có 0,9m2”. GS Nguyễn Quốc Vọng, Đại học Rmit Ô-xtrây-li-a cho biết: “Nghiên cứu khoa học lẽ ra phải là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của các trường đại học. Nhưng thực tế, nhiều giảng viên gần như “bỏ qua nghiên cứu” chỉ vì bận giảng bài chạy sô giữa các trường, có khi thời gian giảng vượt quá 200% giờ quy định. Tất cả cũng bởi vì giảng viên là “của hiếm”.
Phải có cơ chế giám sát
Theo ông Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng Giáo dục Đại học, Hiệp hội các trường đại học ngoài công lập, muốn đổi mới chất lượng giáo dục đại học, trước hết chúng ta cần làm rõ khái niệm đại học là gì? Trên thế giới, có hai loại hình đại học là đại học tinh hoa và đại học đại chúng. Nếu Việt Nam đi theo con đường đại học tinh hoa thì thi đại học phải khó hơn nữa để chọn thí sinh thật sự xuất sắc. Nhưng nếu đi theo đại học đại chúng thì phải gắn với phân tầng đại học và có thể không cần thi. Ngay cả xét về loại hình trường đại học, chúng ta cũng “hỗn loạn”. Đại học quốc gia nhưng lại đào tạo cả tại chức… trong khi lẽ ra chỉ nên đào tạo bậc sau đại học. Đại học nghiên cứu cũng phải khác đại học thiên về giảng dạy. Tuy nhiên, đại học bây giờ, trường nào cũng tranh đào tạo từ cao đẳng tới đại học, rồi tiến sĩ, đào tạo cả cử nhân, đào tạo cả tại chức từ xa… chứ không có tiêu chí, ranh giới gì.
Một trong những sự kiện đang được dư luận trông đợi là việc Luật Giáo dục Đại học sắp ra đời sẽ “điều chỉnh” những vấn đề đang xảy ra với hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam. Tuy nhiên, ông Lê Viết Khuyến cho rằng: “Điều cốt tử hiện nay là chúng ta phải hình thành được cơ chế hậu kiểm. Nghĩa là, trường ra đời nhưng phải dưới sự giám sát của xã hội. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa cho mở trường, vừa làm luôn nhiệm vụ giám sát. Cơ chế đó bây giờ nên được thay thế bằng cơ chế quản lý 3 chiều: Bộ Giáo dục và Đào tạo-Nhà trường-Xã hội. Nghĩa là phải giao quyền giám sát cho những cơ quan kiểm định của xã hội. Cơ quan giám sát này hoạt động độc lập, tách khỏi Bộ thì mới khách quan”.
Lan Hoàng
07/11/2011 – qdnd.vn