Tuyển sinh “vơ bèo vạt tép” sẽ hết đất sống
Dự thảo của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng, ngành Giáo dục Mầm non đang được đưa ra để lấy ý kiến góp ý.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.
Theo đó, Dự thảo có một số nội dung đáng chú ý như sau:
Một ngành không được sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển
Về lựa chọn tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển, yêu cầu thực hiện theo nguyên tắc: sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển.
Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành (những tổ hợp chỉ thay đổi các ngoại ngữ khác nhau được coi là một tổ hợp).
Thủ trưởng cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về quy trình, cơ sở xác định tổ hợp tuyển sinh;
Đối với các trường, ngành có thi năng khiếu, sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó, có ít nhất một bài thi/môn thi Toán hoặc Ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển.
Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định bài thi/môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.
Các trường đại học tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng
Về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, căn cứ kết quả của kỳ thi trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, các ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ đại học; ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng.
Đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định.
Cụ thể, căn cứ phương thức tuyển sinh, các trường xác định và công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trong Đề án tuyển sinh, riêng nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên do Bộ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào;
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do các trường quy định phải đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh.
Thủ trưởng cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về quy trình, cơ sở xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với Bộ và xã hội.
Chấm dứt xét tuyển đại học theo kiểu “vơ bèo vạt tép”
Có thể nhận thấy, Dự thảo đưa nội dung “sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển”, là một trong những điểm sáng nhằm chấn chỉnh việc xét tuyển ồ ạt của một số trường đại học hiện nay.
Thực tế nhiều năm qua, khi trường đại học đã tự chủ thì xuất hiện kiểu tuyển sinh “vơ bèo vạt tép”, bất chấp năng lực để tuyển sinh càng nhiều càng tốt.
Chẳng hạn như năm 2018, có nhiều thí sinh thi 3 môn chưa tròn 10 điểm nhưng cũng rất dễ dàng chọn cho mình một trường đại học, cả trường công lập và tư thục.
Còn trường học thì chỉ cần có nguồn thu nên tuyển sinh bằng mọi cách với nhiều phương thức khác nhau, có khi tuyển nhiều đợt trong năm nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu.
Vì thế mới có chuyện các trường đại học địa phương, trường tư thục xét tuyển những tổ hợp tréo ngoe cho các ngành (trừ ngành sức khỏe) như: Văn - Sử - Địa; Văn - Sử - Giáo dục Công dân; Địa - Sử - Giáo dục Công dân – khiến dư luận dậy sóng.
Việc xét tuyển như vậy chắc chắn sẽ thả nổi chất lượng đầu vào khiến việc đào tạo gặp nhiều trở ngại và sinh viên sau tốt nghiệp thất nghiệp hàng loạt do thiếu “chất”.
Với quy định, tổ hợp xét tuyển phải có một trong hai bài thi Toán, Ngữ văn, có thể sẽ chấm dứt kiểu tuyển sinh “vơ bèo vạt tép”!
Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng tuyển sinh, thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo nên bắt buộc có thêm môn tiếng Anh trong xét tuyển.
Có thể nhận thấy, sinh viên các ngành nghề của lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội phải đạt chuẩn trình độ tiếng Anh ở một ngưỡng nào đó theo quy định thì mới có thể học tập tốt.
Sinh viên học tốt tiếng Anh sẽ là một lợi thế trong việc đọc tài liệu để nâng cao kiến thức, nâng cao khả năng giao tiếp… vì thế cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường cũng rộng mở hơn.
Ngoài ra, tiếng Anh còn bổ trợ cho những lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ, tin học, khoa học kĩ thuật… nhằm giúp sinh viên hội nhập nhanh với thời Công nghệ 4.0.
Phan Thế Hoài
giaoduc.net.vn – 05/05/2020
Bài viết liên quan
- Trường đại học Bách khoa Hà Nội chốt phương án thi bổ sung
- Đề thi tốt nghiệp THPT giảm bớt áp lực, các trường ĐH có thể tổ chức kỳ thi riêng
- Đại học Quốc gia Hà Nội lại không tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng
- Cảnh báo thí sinh về việc đóng phí dự kỳ thi đánh giá năng lực
- Thi THPT và tuyển sinh đại học 2020: Không gây khó cho học sinh