Tuyển sinh ĐH, CĐ 2012: Vẫn chưa thể bỏ được điểm sàn

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2012: Vẫn chưa thể bỏ được điểm sàn

686
  Tải tài liệu

Kết thúc kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011, Bộ GDĐT cho biết, kỳ thi năm 2012 tới vẫn tiếp tục thực hiện phương thức “ba chung”. Mặc dù phương thức này sẽ được điều chỉnh nhưng vẫn phải có điểm sàn. 

Bỏ điểm sàn là thả nổi chất lượng?

Sau đợt xét tuyển NV3, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã có đề xuất với Bộ GDĐT về việc bỏ điểm sàn, giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường.

GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, “ba chung” đang khiến các trường mất tự chủ, vì thế trong mùa tuyển sinh 2012 chỉ nên giữ “2 chung” (chung đề, chung đợt thi). Như vậy, thí sinh vẫn thi cùng đợt và có phương thức đánh giá chung nhưng việc chọn lựa đầu vào thì mỗi trường tự tiến hành với các tiêu chí riêng của mình. Nếu thực hiện như vậy, các trường sẽ tự chịu trách nhiệm về việc tuyển sinh.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GDĐT cho biết, kỳ thi ĐH tới vẫn duy trì phương thức “ba chung” tuy nhiên sẽ có sự cải tiến, điều chỉnh cho kỳ thi gọn nhẹ, hiệu quả, giảm căng thẳng và bảo đảm quyền lợi công bằng cho thí sinh. Và một khi vẫn giữ “ba chung” thì không thể bỏ được điểm sàn. Đây là ngưỡng tối thiểu để đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, nếu bỏ điểm sàn, chất lượng giáo dục ĐH sẽ không đảm bảo, ảnh hưởng tới chất lượng đầu ra.

Nhiều ý kiến cho rằng, bỏ điểm sàn đồng nghĩa với việc để các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tuyển sinh đại trà. Việc học ĐH, CĐ quá dễ thì học sinh không có ý chí phấn đấu, chủ quan và nhiều vấn đề khác nảy sinh. Liệu các trường ĐH, CĐ có bảo đảm chất lượng đào tạo cho các sinh viên ra trường không? Điểm sàn chính là thước đo để phản ánh ngưỡng trình độ thí sinh. Đáng lẽ, điểm sàn cần phải tăng lên, đồng nghĩa chất lượng giáo dục ngày một cao hơn thì bây giờ lại yêu cầu bỏ. Và liệu khi bỏ điểm sàn, các trường chất lượng kém có tuyển được đủ học viên?

Lãnh đạo Bộ GDĐT cho biết, từ mùa tuyển sinh sau, Bộ sẽ thí điểm việc cho phép một số trường có đủ điều kiện cần thiết được tự tổ chức tuyển sinh theo phương án riêng. Tuy nhiên, vẫn chưa có có đề án đổi mới tuyển sinh nào được các trường trình lên Bộ để phê duyệt.

Bất cập trong lựa chọn ngành nghề

Kết thúc mùa tuyển sinh được xem là thất bại vừa qua, ở nhiều trường có nhiều ngành học, thậm chí là những ngành xã hội đang rất cần nhưng vẫn phải ngừng đào tạo do không tuyển được thí sinh.

Điều này thể hiện sự bất cập trong việc chọn ngành nghề của học sinh. Học sinh vẫn có tâm lý tập trung vào các khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng… mà bỏ qua các ngành khoa học cơ bản. Thêm vào đó, xu hướng “phải vào được ĐH” khiến nhiều em không đủ trình độ vẫn cố “với”, bỏ qua nhiều cơ hội tại các trường TCCN, CĐ, dạy nghề…

Sắp tới, Bộ sẽ nghiên cứu cơ chế, chính sách để thu hút học sinh vào học những ngành học mà xã hội có nhu cầu. Thêm vào đó, trước thực trạng ồ ạt thành lập trường ĐH, CĐ mới trong khi chưa tạo được uy tín với xã hội, trang thiết bị  xuống cấp, cơ sở học đi thuê mướn, đội ngũ giảng viên chưa đạt chuẩn… khiến chất lượng giáo dục bị thả nổi, Bộ sẽ xem xét cụ thể để đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp, nếu cần sẽ đóng cửa trường nếu không đảm bảo.

Nguyên Minh

10/11/2011 – laodong.com.vn

Bài viết liên quan

686
  Tải tài liệu