Chất lượng đào tạo ở đại học: Sinh viên bị “chê” khi ra trường

Đào tạo như thế nào để những lứa sinh viên (SV) tốt nghiệp không bị “chê lên chê xuống” như hiện nay đang là vấn đề “đau đầu” đối với giáo dục đại học (ĐH)…

728
  Tải tài liệu

Tại hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ ĐH” do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức ngày 30-11, nhiều nhà giáo dục cho rằng, cần thay đổi quan điểm trong đào tạo nguồn nhân lực nhằm cải tiến chất lượng.

Đào tạo đứng “bên lề” thị trường lao động

Chất lượng nhân lực trình độ ĐH vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động khi tỷ lệ SV tốt nghiệp làm đúng chuyên ngành còn thấp và số thất nghiệp ở nhóm có trình độ ĐH ngày càng tăng lên. Đây là nhận định của ThS. Nguyễn Văn Chiến (Trung tâm Phân tích và Dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) về giáo dục ĐH nước ta. ThS. Chiến nêu cụ thể, qua “3 công khai”, chỉ 25/89 trường ĐH có tỷ lệ SV làm đúng ngành đạt trên 60%.  Ở khối ngành khoa học xã hội và nhân văn, tỷ lệ này rất thấp. Khảo sát của Hội SV Việt Nam cũng đưa ra con số đáng báo động, đến 50% SV ra trường không được làm đúng chuyên môn.

Trên thực tế, SV ra trường khi tham gia vào thị trường lao động thường bị “chê” thiếu kỹ năng mềm, ngoại ngữ, kinh nghiệm thực tế… Ông Phạm Minh Tuấn (Giám đốc tuyển dụng và phát triển nhân sự Tân Hiệp Phát) đơn cử, qua sử dụng rất nhiều nhân lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, chủ yếu là SV tốt nghiệp các trường ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Kinh tế - Luật… cho thấy các em còn thiếu định hướng, không biết xác định mục tiêu của cuộc đời hay tương lai ngành nghề dẫn đến khó hòa nhập vào môi trường làm việc. Kiến thức chuyên ngành được trang bị ở trường là rất quý nhưng lúc ra trường nhiều em bị… quên hoặc lúng túng khi áp dụng thực tế. Đối với SV ở các khối ngành kỹ thuật, kế toán… kỹ năng giao tiếp là rất yếu. Giám đốc chiến lược NhanViet Management Group Phan Thanh Bình cho biết thêm, từ thực tế phỏng vấn, nhiều SV đã không tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng và hầu như không thể vượt qua được những thử thách trong quá trình tuyển dụng để đạt kết quả tốt mà nguyên nhân nằm ở việc thiếu nghiệp vụ chuyên môn lẫn kỹ năng mềm. Trước thực trạng yếu kém trong chất lượng sản phẩm đầu ra của giáo dục ĐH, việc đào tạo bổ sung là phương án khó tránh khỏi đối với các đơn vị sử dụng lao động dù muốn hay không. Ông Phí Anh Tuấn (Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM) cho rằng, việc các doanh nghiệp đào tạo bổ sung cho SV là đương nhiên, bởi mỗi doanh nghiệp có những văn hóa, yêu cầu riêng, không thể yêu cầu SV ngay khi tốt nghiệp đã hội đủ kỹ năng đề ra. Nhiều doanh nghiệp khác cũng “kêu” rằng, họ chỉ có thể đào tạo bổ sung kiến thức chuyên môn cho người lao động chứ rất khó để bồi dưỡng cả kỹ năng mềm. Những kỹ năng này, bản thân SV phải tự học, tích lũy.

Định hướng đúng, làm còn… trầy trật 

Trong mục tiêu cải tiến chất lượng giáo dục ĐH, vấn đề “bắt tay” giữa nhà đào tạo và đơn vị sử dụng lao động đã được nhận thức đúng. Tuy nhiên, việc thực hiện yêu cầu này trên thực tế vẫn chưa đi vào chiều sâu. ThS. Chiến chỉ rõ, phía cơ sở đào tạo ĐH thực hiện theo năng lực được thiết kế và dựa trên cơ sở những gì là thế mạnh (cơ sở vật chất, đội ngũ, uy tín, tài chính…) chứ chưa theo những gì xã hội cần. Phía đơn vị sử dụng thiếu chủ động trong đề xuất nhu cầu đào tạo. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về giáo dục ĐH Việt Nam cũng cho thấy, chỉ chưa đầy 3% doanh nghiệp chịu hợp tác với cơ sở giáo dục về vấn đề phát triển sản phẩm. Ông Tạ Huy Hùng (Trường ĐH Thương mại) phân tích thêm, qua khảo sát thì dù các doanh nghiệp rất cần nhân lực nhưng số lượng cho mỗi vị trí vẫn mơ hồ. Một số khác lại gặp khó khăn về cơ chế quản lý và các thủ tục khi thực hiện liên kết.

Chỉ riêng ở vấn đề thực tập nghề của SV, sự thiếu hợp tác tạo điều kiện của doanh nghiệp đã khiến sụt giảm hiệu quả, gây lãng phí thời gian. Ông Nguyễn Quốc Huy (Trường ĐH Lạc Hồng) đã khảo sát gần 850 SV thì thấy có đến 25% các em không được tiếp cận thực tế do doanh nghiệp muốn bảo mật thông tin về tài chính, công nghệ… Gần 40% SV không được tin tưởng giao việc. 15% không được phân công đúng chuyên môn…

Đã đến lúc, cái “bắt tay” trong hợp tác đào tạo nhân lực giữa nhà đào tạo lẫn đơn vị sử dụng cần “siết chặt” hơn nữa, thông qua những hoạch định, bước đi cụ thể thay cho việc các bên cứ ngồi than vãn chương trình giảng dạy xa rời thực tiễn hoặc thiếu trách nhiệm chung tay thực hiện đào tạo...

Mê Tâm

03/12/2011 - giaoduc.edu.vn

Bài viết liên quan

728
  Tải tài liệu