Nên có "quy trình" chọn trường, chọn ngành

Hiểu mình là ai

Tiêu chí chọn ngành nghề phù hợp

1139
  Tải tài liệu

Vào lúc này, không ít bạn trẻ lớp 12 đang cầm cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ trong tay mà lòng thì rối bời. Tôi xin mách các em một "quy trình" để bớt rối trí khi lựa chọn cho mình một ngành nghề.

Hiểu mình là ai

Hiểu mình trước hết là xác định xem mình có sở thích nghề nghiệp gì, có năng lực sở trường để đạt sở thích ấy không. Có em rất thích nghề ca sĩ vì ca sĩ được nhiều người hâm mộ, lại thu nhập cao. Vậy là ghi nguyện vọng thi vào khoa thanh nhạc của các trường cao đẳng đại học. Làm như vậy mà chưa xét xem mình có giọng hát hay không, có ngoại hình dễ nhìn không, có nhiều lần hát trước bạn bè mà được nhiệt liệt tán thưởng không. Tôi từng biết một bạn trẻ học THPT giữa chừng thì bỏ ngang để qua bổ túc văn hóa, với hy vọng có nhiều thời gian đi học thanh nhạc chuẩn bị cho nghiệp ca sĩ. Cuối cùng thì đậu lớp 12 bổ túc văn hóa cũng không nổi mà giọng hát thì luyện mãi cũng chẳng thành. Từ bỏ ước mơ thành "sao", em này đang sống qua ngày bằng cách lái xe hơi thuê.

Hiện nay có nhiều bộ test dựa trên các lý thuyết về khoa học tâm lý, có thể giúp bạn trẻ xác định khá chính xác sở thích của mình, nói đúng hơn là xác định xem mình thuộc "nhóm sở thích nghề nghiệp" nào. Theo thuyết của nhà tâm lý học ứng dụng John Holland thì bất kỳ ai cũng có thể được xếp vào 1 trong 6 nhóm sở thích, ứng với mỗi nhóm sở thích là một môi trường thích hợp để sống và làm việc.

Được làm việc trong môi trường thích hợp thì người ta sẽ cảm thấy như cá gặp nước, rơi vào môi trường không thích hợp thì sẽ thấy như cá mắc cạn, mất hứng thú làm việc, dẫn đến phải chia tay với môi trường đó. Gia đình cũng là một môi trường nghề nghiệp. Giả sử em có cả cha lẫn mẹ đều là người kinh doanh thì ảnh hưởng của cha mẹ lên môi trường đó là rất lớn. Nếu em thấy nghề này phù hợp mà chọn nó thì tin chắc là sau khi trúng tuyển em sẽ được cha mẹ giúp đỡ rất thiết thực, kể cả chỉ những bí quyết trong nghề. Song nếu đã sống gần 2 "nhà kinh doanh" gần 20 năm mà em vẫn không thấy nghề này phù hợp với mình thì em nên dựa vào nhóm sở thích nghề nghiệp được xác định một cách khoa học để chọn môi trường phù hợp với mình. Tính độc lập của em trong trường hợp này là rất cần thiết. Đừng phó mặc cho người khác, cho dù là cha mẹ, quyết định ngành nghề cho mình. Em chọn nghề cho em, phù hợp với chính em, để em hiến dâng và gắn bó trọn đời.

Hiểu mình còn là hiểu sức học của mình (có so sánh với trình độ chung, so sánh với điểm đầu vào của ngành mà mình thấy phù hợp), hiểu khả năng chịu đựng của mình trong môi trường học tập căng thẳng. Tôi từng biết 3 học sinh học rất giỏi, có học bổng du học ở trường nổi tiếng nhưng sang nước người học một thời gian thì chịu không nổi áp lực, stress đến phát bệnh, rồi phải trở về nước học một ngành ít áp lực hơn và đã thành công.

Tiêu chí chọn ngành nghề phù hợp

Trước hết, đầu ra của các ngành nghề đó ra sao. Nói cách khác, thị trường lao động có nhu cầu cao không, tìm việc làm có dễ không, thu nhập ra sao, khả năng thăng tiến nghề nghiệp thế nào. Tôi biết đã có em ráng tìm cách "lách" để thi được vào đại học ở một ngành không đòi hỏi cao về điểm chuẩn nhưng ít có nhu cầu lao động. Em này sau khi tốt nghiệp suốt một năm kiếm không được việc làm, đành chia tay không hề lưu luyến với ngành đó, bỏ phí 4 năm đại học để quay lại học một khóa dạy nghề mà xã hội có nhu cầu cao.

Điểm đầu vào của các ngành nghề nên cao thấp khác nhau để em có thể "ướm thử" sức học của mình vào các mức khác nhau. Các ngành nghề đó không nhất thiết cứ phải là thuộc trường đại học mà có thể là cao đẳng, trung cấp... Đừng cứ ép mình phải thi vào một trường đại học chỉ vì đó là... đại học và có đầu vào vừa sức với mình mà thôi. Đâu cứ học trung cấp, cao đẳng là hết đường vào đại học?

Chi phí đào tạo của các trường đó cao thấp ra sao? Giá chỗ ở (ký túc xá, nhà trọ...) và chỗ ăn có phù hợp với kinh tế gia đình mình không? Đối với các em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn thì nên tìm hiểu ở nơi đó mình có khả năng tìm việc làm thêm để đỡ đần cho gia đình không?

Ngoài ra, cần trả lời những câu hỏi khác, như: Trường có tiếng, có truyền thống tốt không? Thời gian đào tạo là bao lâu, gia đình và bản thân mình có chịu nổi không?...

TS Hồ Thiệu Hùng

Bài viết liên quan

1139
  Tải tài liệu