Bùng nổ đại học và hệ quả - Bài 2: Những cuộc đua số lượng
Bùng nổ đại học và hệ quả - Bài 2: Những cuộc đua số lượng
Muốn có chỉ tiêu phải mở thêm ngành, chuyên ngành; muốn có nhiều ngành phải nâng cấp trường. Cứ như thế, phong trào từ trường trung cấp lên đời thành trường cao đẳng (CĐ), rồi vài năm sau hóa thành đại học (ĐH)... hiện đang diễn ra rầm rộ trên cả nước. Điều này đã gây ra những hệ quả nhãn tiền.
Đua trường, đua ngành, đua chỉ tiêu
Xu hướng ĐH hóa diễn ra từ 10 năm nay và hiện đang chưa có dấu hiệu dừng. Không chỉ các trường CĐ sư phạm mà các trường CĐ tư thục, dân lập cũng đua nhau nâng cấp lên ĐH. Từ năm 2006 đến nay rất nhiều trường CĐ sư phạm tại các tỉnh lên đời thành ĐH. Bên cạnh đó, hàng loạt trường CĐ thuộc các bộ Tài nguyên - Môi trường, Công thương, Tài chính, Giao thông Vân tải… cũng được nâng cấp thành ĐH như ĐH Hóa chất, ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, ĐH Nguyễn Tất Thành (Bộ Công thương), ĐH Tài chính Kế toán (Bộ Tài chính); ĐH Công nghệ Giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải)...
Theo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo hệ giáo dục ĐH mới đây, hiện nay cả nước có 409 trường ĐH, CĐ. Trong đó, có 307 trường mới được thành lập hoặc nâng cấp trong 10 năm qua. Như vậy mỗi tỉnh, thành có ít nhất 1 trường ĐH hoặc CĐ. Trong số 307 trường ĐH, CĐ mới, có 245 được nâng cấp từ bậc thấp hơn; 8 trường được nâng cấp từ khoa thuộc ĐH quốc gia, ĐH vùng, chỉ có 32 trường mới được xây dựng.
Khi trường ĐH bùng nổ thì ngành học cũng bung ra. Nếu mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2009 cả nước có hơn 4.300 ngành học thì năm 2010 con số này đã nhảy lên hơn 4.500 ngành học. Số ngành học ở các trường ĐH, CĐ đã tăng lên gần 200 ngành so với năm 2009. Mặt khác, đối những trường ĐH mới được thành lập hay nâng cấp từ CĐ lên, tốc độ mở ngành còn ồ ạt hơn.
Đơn cử như Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM (được nâng cấp từ Trường CĐ Công nghiệp thực phẩm TPHCM) trong năm 2010 Bộ GD-ĐT cho 4 ngành đào tạo hệ ĐH với 800 chỉ tiêu. Thế nhưng, sang năm 2011 đã nhảy lên 10 ngành đào tạo hệ ĐH.
Tương tự, năm 2010 Trường ĐH Thủ Dầu Một (nâng cấp từ Trường CĐ Sư phạm Bình Dương) và xét tuyển 600 chỉ tiêu cho 6 ngành thì nay đã nhảy vọt lên đến 12 ngành với 1.200 chỉ tiêu… Cá biệt, tại TPHCM có trường ngoài công lập năm nay được Bộ GD-ĐT duyệt tăng 1.000 chỉ tiêu hệ ĐH dù trước đó trường này đã tuyển vượt chỉ tiêu đến 20%.
Trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011, tổng chỉ tiêu của cả nước tiếp tục tăng 33.500 chỉ tiêu so với năm 2010 (514.500 chỉ tiêu). Trong số các trường dự kiến tăng chỉ tiêu tại TPHCM, Trường ĐH Tài chính - Marketing dẫn đầu khi dự kiến tăng khoảng 1.200 chỉ tiêu.
Tiếp đến là Trường ĐH Kinh tế TPHCM cũng xin tăng từ 4.000 chỉ tiêu lên thành 4.500 chỉ tiêu, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tăng khoảng 500 chỉ tiêu bậc ĐH (năm 2010 là 3.300 chỉ tiêu), Trường ĐH Sư phạm TPHCM tăng khoảng 500 chỉ tiêu và chủ yếu tăng ở các ngành ngoài sư phạm. ĐH Huế tăng khoảng 1.260 chỉ tiêu so với năm 2010. Tiếp đến là Trường ĐH Kinh tế TPHCM cũng xin tăng từ 4.000 chỉ tiêu lên thành 4.500 chỉ tiêu, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tăng khoảng 500 chỉ tiêu bậc ĐH (năm 2010 là 3.300 chỉ tiêu),
Trường ĐH Sư phạm TPHCM tăng khoảng 500 chỉ tiêu và chủ yếu tăng ở các ngành ngoài sư phạm. ĐH Huế tăng khoảng 1.260 chỉ tiêu so với năm 2010. Tại khu vực phía Bắc, ngoại trừ ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến vẫn giữ ổn định chỉ tiêu ở mức 5.500 như năm 2010, nhiều trường còn lại đều dự kiến xin tăng.
Khai sinh và khai tử
Với phong trào phát triển trường ĐH đa ngành, nhiều cơ sở đào tạo vừa được nâng cấp lên ĐH đã ôm đồm một loạt các ngành nghề từ khoa học, kỹ thuật, đến kinh tế, khoa học xã hội... Và như thế quy mô đào tạo các trường được phình to qua mỗi mùa tuyển sinh bất chấp việc đội ngũ giảng viên, các điều kiện đảm bảo chất lượng… vẫn tệ như cũ.
Hậu quả của phong trào lên đời ĐH và mở ngành tràn lan để tăng chỉ tiêu nhưng không tính đến các yếu tố kèm theo đã dẫn đến thực trạng: rất nhiều trường phải khai tử nhiều ngành đào tạo vì không có người học. Kết thúc kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2010, tổng kết cả 3 NV, nhiều trường ĐH tại TPHCM như ĐH Văn Hiến, ĐH Hùng Vương, ĐH Ngoại ngữ - Tin học… phải chính thức ngưng đào tạo nhiều ngành như: tiếng Nhật, tiếng Trung, công nghệ sau thu hoạch, điện tử viễn thông, văn hóa học, Việt Nam học… vì mỗi ngành chỉ lèo tèo vài thí sinh đến làm thủ tục nhập học.
Chưa dừng lại đó, hàng loạt ngành đào tạo của ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế, ĐH Thái Nguyên đã dừng mở lớp hoặc học ghép với ngành khác. ĐH An Giang, ĐH Đồng Tháp, ĐH Tây Nguyên có nhiều ngành quan trọng đối với việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương như sư phạm kỹ thuật công nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản… sau nhiều năm cố gắng duy trì đã đành buông xuôi vì quá ít người học. Và cứ thế, một điều rất lạ được lặp đi lặp lại, dù ngưng đào tạo hoặc tuyên bố khai tử nhưng cứ đến hẹn các trường lại xin chỉ tiêu và lại… được cho.
Lượng không đi đôi với chất
Về tốc độ tăng trưởng sinh viên, hiện nay Việt Nam đạt 13%, là không cao so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia luôn trên 15%. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nếu cứ mãi chạy theo cái danh ĐH, chạy theo số lượng mà không chú trọng đến chất lượng đào tạo thì ắt hẳn nguồn nhân lực trong tương lai sẽ đối diện với thực tế, thầy không ra thầy, thợ không ra thợ.
Nói về vấn đề tốc độ mở trường ĐH, PGS-TS Phan Thị Tươi, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho rằng: “Nhu cầu học tập của xã hội hiện nay rất lớn. Đó là điều đáng mừng vì nước ta có truyền thống hiếu học. Nhưng học phải có sự phân tầng. Mở trường thì phải đảm bảo chất lượng chứ đừng biến trường ĐH thành trường CĐ, trung cấp. Có trường chỉ mới từ trung cấp lên CĐ vài năm đã nâng cấp lên ĐH. Như vậy liệu việc chuyển hóa đội ngũ, công tác quản lý có theo kịp... Đội ngũ còn không có làm sao nói đến chất lượng đào tạo!”.
Thực tế hiện nay quy mô tuyển sinh vượt xa năng lực đào tạo của các trường. Hơn bao giờ hết, đã đến lúc cần đặt dấu chấm hết đối với việc đào tạo theo kiểu phong trào, thiếu định hướng. Cần dự báo nguồn nhân lực, hoạch định chiến lược đào tạo một cách khoa học, chú trọng đến chất lượng đào tạo sát với nhu cầu xã hội. Nếu không, nguồn nhân lực đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước e còn bế tắc hơn.
Báo cáo của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ năm 1998 – 2009 có 312 trường ĐH, CĐ thành lập, nghĩa là trung bình cứ 2 tuần lại có 1 trường ĐH, CĐ ra đời. Tính đến tháng 9-2009, cả nước có 440 trường ĐH, CĐ… Trong khi quy mô đào tạo ở tất cả các bậc học và hệ đào tạo tăng nhanh thì các điều kiện cơ bản như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy, giáo trình cơ bản… để đảm bảo chất lượng đào tạo lại không theo kịp hoặc chắp vá. |
Thanh Hùng
15/09/2011 – sggp.org.vn