Thách thức của giáo dục nghề nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang diễn ra trên toàn thế giới, máy móc và robot thay thế sức lao động của con người đã trở thành hiện thực, điều này đặt ra những thách thức lớn cho thị trường lao động và công tác giáo dục nghề nghiệp. Nếu không thay đổi, những thành quả nhân tạo sẽ đẩy con người ra khỏi thị trường lao động.

635
  Tải tài liệu

Công việc mới, kỹ năng mới

CMCN 4.0 đang là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Các chuyên gia đã nhiều lần khuyến cáo những thách thức cũng như chỉ ra những thuận lợi từ CMCN 4.0 đem lại. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, thời gian qua, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi về sản xuất, đặc biệt là các công nghệ sản xuất có kết nối internet. Đồng thời thay đổi quản trị để thích ứng với kỹ thuật công nghệ số, cũng như các bước, công đoạn của một số nhà máy của Việt Nam đã sử dụng đến robot.

Máy móc đang thay thế cho con người ở một số ngành sản xuất. Chính vì điều đó, những công việc mới sẽ xuất hiện, CMCN 4.0 đòi hỏi sự thích ứng của người lao động phải có những kỹ năng mới, có trình độ kỹ thuật và tay nghề cao. PGS TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho rằng: Với CMCN 4.0 cần xem xét từ hai góc độ, thứ nhất là quá trình phát triển theo xu hướng tất yếu; thứ hai, vì con người đã sản sinh ra nó, nên phải nhận diện đúng xu hướng phát triển để thích ứng nhanh, như vậy con người sẽ không bị lệ thuộc, thụ động và tận dụng được cơ hội đến từ CMCN 4.0. Những người có kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc chuyên nghiệp, nhận thức đúng về cuộc CMCN 4.0 sẽ là những người luôn đảm bảo được vị trí trên thị trường lao động.

Chính sách và giải pháp

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hiện nay học sinh học nghề có đến 70% có việc làmngay sau khi ra trường, một số nghề có 100% sinh viên ra trường có việc làm, thu nhập tốt. Xã hội đã có nhưng thay đổi nhận thức về học nghề, đã có nhiều người học nghề hơn, nhiều người dù đã qua đại học nhưng công việc vẫn không ổn định đã quay ra học nghề. Tuy nhiên, nhiều người học nghề cũng không có mức thu nhập ổn định hơn, mức sống của gia đình họ thường thấp hơn mức sống của các gia đình có học vị cao hơn. Theo PGS TS Cao Văn Sâm, đây là một thực tế mà trong quá trình sử dụng và khai thác nguồn nhân lực cần phải có những chính sách điều chỉnh. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là hiệu quả sử dụng lao động, gắn liền với việc đảm bảo đời sống cho cả hệ thống nguồn lực. Trong hệ thống chính sách hiện nay, vẫn còn những bất cập khi chưa chú ý đến năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, hiệu quả công việc mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, lợi ích quốc gia.

"Đặc biệt đối với lực lượng lao động của Việt Nam hiện nay, cần nhận diện ba hạn chế phải khắc phục là: Năng suất lao động còn thấp; trình độ kỹ năng lao động còn thấp và khả năng thích ứng với môi trường làm việc mới còn thấp. Khắc phục được những tồn tại này, người lao động hoàn toàn có thể tự tin hòa nhập trong CMCN 4.0” - PGS TS Cao Văn Sâm khẳng định.

Giáo dục nghề nghiệp là đào tạo cho học sinh những kỹ năng để các em có năng lực thực hiện các yêu cầu cụ thể trong nghề nghiệp của mình. Vì vậy, trang thiết bị và công nghệ, đào tạo là rất quan trọng. Hiện nhiều cơ sở đào tạo còn đang gặp nhiều khó khăn trong trang thiết bị dạy nghề, trong khi đó, những tiến bộ KHKT trong CMCN 4.0 lại thay đổi rất nhanh chóng. Do đó, trang thiết bị dạy nghề  tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phải đáp ứng được yêu cầu về chương trình đào tạo, phù hợp, tương thích với chương trình đào tạo và tương thích với các công nghệ trong sản xuất, như vậy các em có nhiều cơ hội rèn luyện kỹ năng nghề. Để đáp ứng những yêu cầu này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tích cực gắn kết với doanh nghiệp, đào tạo một phần tạo cơ sở  giáo dục nghề nghiệp và rèn luyện kỹ năng sản xuất tại doanh nghiệp, để các em học sinh sinh viên có thể hoàn thiện được những kỹ năng nghề nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp.

PHƯƠNG MINH - ANH QUANG
Nguồn: baodansinh.vn – 26/11/2017

Bài viết liên quan

635
  Tải tài liệu