Tuyển sinh 2019: Tỉ lệ chọi cao không phản ánh được thực tế?
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉ lệ chọi của những trường đại học tốp đầu tăng cao so với năm ngoái. Song tỉ lệ chọi tăng cao vẫn chưa thể khẳng định điểm chuẩn vào những trường này sẽ tăng.
"Thí sinh cần thật sáng suốt"
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm nay có hơn 653.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng với hơn 2,5 triệu nguyện vọng. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường tăng gần 7,6% so với năm 2018, tương đương gần 490.000 chỉ tiêu. Dựa vào tổng chỉ tiêu và tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các ngành năm 2019, Bộ GD&ĐT đưa ra thống kê về tỷ lệ chọi của các ngành. Theo đó khối ngành có tỉ lệ chọi cao nhất là 1/7, đó là khối ngành VII (nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, khách sạn - du lịch - thể thao và dịch vụ cá nhân, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng) tuyển 104.769 chỉ tiêu mà có đến 739.587 nguyện vọng. Tiếp sau đó là khối ngành III (kinh doanh, quản lý và pháp luật) với tỷ lệ chọi là 1/6,5; khối ngành VI (sức khỏe) 1/5,8.
Theo giải thích của bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), khối ngành VII dẫn đầu về tỉ lệ chọi do trong khối ngành này có các ngành nhóm an ninh, quốc phòng, tuy chỉ tiêu ít nhưng số nguyện vọng đăng ký rất cao nên kéo tỉ lệ chọi chung của khối ngành cao lên. Tương tự, khối ngành sức khỏe tuy tổng số nguyện vọng đăng ký không nhiều (199.573) nhưng do đặc thù chỉ tiêu tuyển sinh thấp (34.352) nên cũng đẩy tỉ lệ chọi lên cao.
Theo dữ liệu của Bộ GD&ĐT, mùa tuyển sinh năm 2019 những trường tốp đầu nhưng Đại học Y Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Bách khoa có tỉ lệ chọi cao. Đơn cử, trường Đại học Y Hà Nội, năm nay có khoảng 17.600 thí sinh đăng ký xét tuyển, lượng hồ sơ đăng ký vào trường tăng khoảng hơn 2.000 bộ so với năm ngoái. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 1.120 nên tỉ lệ chọi là trung bình xấp xỉ 1/16. Đối với trường Đại học Bách khoa Hà Nội, lượng nguyện vọng 1 tăng từ 24.000 năm 2018 lên gần 33.000 thí sinh năm 2019. So với lượng chỉ tiêu 6.680 ở tất cả các ngành, nhóm ngành, năm nay trường có tỉ lệ chọi tương đương 1/5. Năm 2019, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng nguyện vọng và thí sinh đăng ký xét tuyển. Cụ thể, có hơn 63.000 thí sinh đã đăng ký với 103.119 lượt nguyện vọng vào trường. Nếu tính riêng số lượng nguyện vọng 1, 2 và 3 là 61.366 nguyện vọng, tăng 4,2% so với năm 2018. Tổng chỉ tiêu năm 2019 là 6.900, như vậy tỉ lệ chọi tương đương 1/10.
Năm nay, tỉ lệ chọi những trường tốp đầu cao cũng khiến cho nhiều thí sinh lo lắng cuộc đua vào những trường này sẽ khó khăn. Tuy nhiên, mới đây trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ, con số tỉ lệ chọi chỉ là một yếu tố tham khảo, đôi khi không phản ánh được thực tế của trường, ngành đó. Con số này không nói lên được nhiều, nếu không cẩn thận sẽ là yếu tố gây nhiễu cho thí sinh. Thực tế, nó còn phụ thuộc vào chất lượng thí sinh đăng ký và thứ tự ưu tiên các nguyện vọng. Do vậy thí sinh không nên “hốt hoảng” hay lo lắng mình sẽ không có cơ hội khi đăng ký vào các trường có tỉ lệ chọi cao. Ông Tú cũng khẳng định: “Không phải chọi cao sẽ khó đỗ, cũng như không phải lúc nào "chọi" thấp cũng dễ trúng tuyển. Do vậy thí sinh cần phải thật sáng suốt".
Đồng quan điểm, Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) khẳng định, việc đăng ký xét tuyển không giới hạn nguyện vọng thì nhiều trường, ngành sẽ có số lượng nguyện vọng đăng ký lớn. Tuy nhiên, tỉ lệ chọi trong bối cảnh này vẫn còn nhiều ý nghĩa do chỉ tiêu vào ngành có giới hạn nhưng số thí sinh đăng ký lớn thì tỉ lệ chọi vẫn cao.
Có nhiều lựa chọn
Theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019, thí sinh còn một lần thay đổi nguyện vọng sau khi đã biết điểm thi THPT quốc gia. Cụ thể, trước ngày 22/7 các trường công bố mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển. Từ ngày 22/7 đến ngày 29/7, thí sinh điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến; Từ ngày 22/7 đến ngày 31/7, thí sinh trực tiếp đến trường điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu đăng ký xét tuyển. Như vậy, dựa vào mức điểm đã đạt được thí sinh sẽ có sự điều chỉnh nguyện vọng phù hợp và tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Ngoài việc đăng ký xét tuyển vào các trường đại học thông qua kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh cũng có nhiều trường tốp đầu, tốp giữa xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT. Năm 2019, lần đầu tiên trường Đại học Ngoại thương áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập 3 năm THPT. Đối tượng để thực hiện xét tuyển kết hợp là học sinh các lớp chuyên Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn và Ngoại ngữ của các trường THPT chuyên toàn quốc tốt nghiệp năm 2019, có hạnh kiểm các năm THPT đạt từ khá trở lên. Điều kiện xét tuyển được thực hiện dựa trên việc thí sinh đạt kết quả học tập bậc THPT và có chứng chỉ quốc tế về ngoại ngữ phù hợp theo quy định với từng chương trình đào tạo.
Ngoài ra, những năm gần đây vào đại học không còn là con đường duy nhất của các thí sính. Theo thống kê của tỉnh Nghệ An, kỳ thi THPT quốc gia 2019 có tới hơn 41% học sinh lớp 12 của tỉnh này chỉ đăng ký xét tốt nghiệp mà không đăng ký xét tuyển vào các trường đại học. Tại Hà Nội, theo lãnh đạo của nhiều trường THPT, năm nay nhiều học sinh lớp 12 lựa con đường học nghề và đăng ký thi THPT quốc gia chỉ với mục đích xét tốt nghiệp. Thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho biết: “Những năm trước, 100% học sinh của nhà trường đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, nhưng năm nay nhiều học sinh đã lựa chọn học nghề. Đây là một tín hiệu đáng mừng, thể hiện công tác hướng nghiệp của nhà trường đã đem lại hiệu quả”.
Đỗ Hòa
baohaiquan.vn – 28/05/2019