Sửa tên hàng loạt ngành đào tạo
Trong năm 2018, danh mục ngành đào tạo ĐH sẽ có sự xuất hiện của trên 100 ngành mới. Thí sinh sẽ có thêm nhiều cơ hội lựa chọn ngành đăng ký xét tuyển.
Tăng trên 100 ngành mới
Theo danh mục giáo dục, đào tạo cấp 4 trình độ ĐH vừa được Bộ GD-ĐT ban hành, hiện có 366 ngành đào tạo (tăng thêm 105 ngành so với danh mục được ban hành năm 2010). Trong đó, sự thay đổi tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: an ninh quốc phòng, khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, khoa học xã hội và hành vi. Trong đó, nhiều ngành học lần đầu có mã ngành riêng như: du lịch, an toàn thông tin, tổ chức và quản lý y tế, du lịch, bảo tồn di sản kiến trúc đô thị, quản lý đô thị và công trình…
Ngay khi danh mục mới được ban hành, một số trường đã có dự kiến điều chỉnh hoặc mở mới với những ngành lần đầu được cấp mã ngành riêng.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết năm 2018 trường sẽ tuyển sinh ngành du lịch thay vì quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành như các năm trước đó. Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cũng dự kiến mở thêm 3 ngành gồm: du lịch, quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống.
Không chỉ ngành mới, nhiều trường còn phải tiến hành sửa tên hàng loạt ngành đào tạo cũ của trường.
Chẳng hạn, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM phải điều chỉnh 6 trong số 34 ngành đào tạo bậc ĐH. Cụ thể: kỹ thuật điện - điện tử thành kỹ thuật điện, kỹ thuật điện tử - truyền thông đổi thành kỹ thuật điện tử - viễn thông, công nghệ may thành công nghệ dệt may, kỹ thuật công trình xây dựng thành kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật công trình thủy thành kỹ thuật xây dựng công trình thủy, kỹ thuật công trình biển thành kỹ thuật xây dựng công trình biển…
Ngoài ra, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM dự kiến nâng cấp ngành bảo dưỡng công nghiệp từ bậc CĐ lên trình độ ĐH ngay trong năm 2018.
Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng phải sửa tên một loạt ngành cho chính xác với danh mục mới như: truyền thông và mạng máy tính chuyển thành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, kỹ thuật công trình xây dựng thành kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật điện tử truyền thông thành kỹ thuật điện tử viễn thông, kỹ thuật điện điện tử thành kỹ thuật điện…
Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cũng điều chỉnh tên ngành kỹ thuật điện tử - truyền thông thành kỹ thuật điện tử - viễn thông.
Chương trình đào tạo có thay đổi?
Điều chỉnh tên gọi có kéo theo sự thay đổi về chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra với người học hay không là một vấn đề cũng được đặt ra.
Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết điều chỉnh này chỉ đơn thuần về tên gọi cho phù hợp với quy định trong danh mục mã ngành của Bộ. Còn nội dung đào tạo, chuẩn đầu ra của người học sau khi tốt nghiệp không khác so với trước đây.
Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, việc điều chỉnh tên ngành kéo theo thay đổi về định hướng đào tạo. Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, cho biết trường dự kiến song song với việc mở ngành mới du lịch là chuyển hướng đào tạo ngành VN học. Theo đó, thay vì đào tạo hướng dẫn du lịch như trước đây thì từ năm 2018 ngành VN học sẽ theo hướng khu vực học như đúng tên gọi của nó.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng cho biết theo danh mục giáo dục đào tạo cấp 4 trình độ ĐH thì không ít chuyên ngành của trường lần đầu tiên có mã ngành riêng. Cụ thể là các chuyên ngành toán kinh tế, thống kê kinh doanh, thương mại điện tử (ngành hệ thống thông tin quản lý); chuyên ngành kiểm toán (ngành kế toán); chuyên ngành kinh tế chính trị (ngành kinh tế)…
Tuy nhiên, thạc sĩ Đương cho biết hiện trường này đang lấy ý kiến các hội đồng khoa học từng khoa chuyên môn về việc nâng cấp một số chuyên ngành thành ngành độc lập. Nếu được triển khai thì không chỉ những ngành mới mà các ngành cũ cũng sẽ có sự điều chỉnh về chương trình đào tạo theo hướng phù hợp hơn.
Mã ngành còn 7 chữ số Không chỉ tên ngành, mã các ngành đào tạo trình độ ĐH cũng thay đổi đồng loạt. Nếu mã ngành theo danh mục ban hành năm 2010 có 8 chữ số thì danh mục mới ban hành chỉ còn 7 chữ số. Trong đó tính từ trái sang phải, số đầu tiên quy định mã trình độ đào tạo, số thứ 2 và 3 là mã lĩnh vực đào tạo, số thứ 4 và 5 là mã nhóm ngành đào tạo, 2 số cuối là mã ngành đào tạo. Danh mục mới có sự thay đổi về mã trình độ đào tạo từ 52 (danh mục cũ) sang 7 (danh mục mới). Ví dụ ngành giáo dục học có mã ngành đào tạo cấp 4 như sau: 7140101. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, lưu ý theo quy định của nhiều trường thì mã ngành đào tạo cũng chính là mã ngành tuyển sinh. Đây là phần thí sinh phải điền vào hồ sơ khi đăng ký xét tuyển trong năm 2018 nên rất quan trọng. Thực tế, năm 2017 đã có không ít thí sinh gặp khó khăn do bị nhầm lẫn, sai sót về mã tuyển sinh này. |
Hà Ánh
Nguồn: thanhnien.vn – 12/12/2017