Lời giải nào cho bài toán cử nhân thất nghiệp?
Ra ngõ gặp cử nhân thất nghiệp
Nhiều hệ lụy và đâu là nguyên nhân
Hơn một nửa số cử nhân tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng hiện không có việc làm hoặc phải làm công việc thời vụ, lao động chân tay, trái ngành, trái nghề đào tạo; trong đó, nhiều cử nhân có bằng khá, giỏi. Dư luận bạn đọc đặt câu hỏi: Vì sao có tình trạng này và lời giải nào cho bài toán lãng phí nguồn nhân lực?
Ra ngõ gặp cử nhân thất nghiệp
Câu chuyện cử nhân La Văn Ngọ ở huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An) được đích thân Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng nhận vào làm việc tại Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải đang là giấc mơ của hàng nghìn cử nhân, thạc sĩ đã tốt nghiệp. La Văn Ngọ là thủ khoa đầu ra của Trường đại học Giao thông vận tải. Ra trường với tấm bằng loại giỏi nhưng mấy tháng vất vả tìm việc làm với 10 bộ hồ sơ rải khắp nơi, Ngọ vẫn không thể tìm được công việc đúng với chuyên môn, trình độ của mình.
Tình trạng kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đang ngày càng phổ biến ở nước ta. Bây giờ, không khó để tìm được những trường hợp cử nhân, thạc sĩ ở nhà làm nội trợ, chạy "xe ôm", chạy bàn ở quán ăn, quán cà-phê, bán sim điện thoại, bán hàng đa cấp, hay bán hoa quả, bán trà thuốc ngoài vỉa hè. Thậm chí, có những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nhưng vẫn thất nghiệp hoặc phải chấp nhận làm việc trái với ngành, nghề đào tạo.
Theo thống kê của ngành lao động - thương binh và xã hội, nếu như cuối năm 2013, cả nước có 158 nghìn người có trình độ đại học trở lên không có việc làm thì đến hết năm 2014, số cử nhân tốt nghiệp chưa có việc làm đã tăng lên hơn 174 nghìn người. Đó là chưa tính số cử nhân chấp nhận làm những công việc thời vụ, không đúng với chuyên môn, trình độ.
Chuyện cử nhân phải giấu bằng để đi làm công nhân cũng không phải là hiếm. Bởi hầu hết các khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp hiện nay chủ yếu tuyển lao động trình độ phổ thông. Nhiều thông báo tuyển dụng còn nhấn mạnh không tuyển lao động có bằng đại học. Thế nên, nhiều cử nhân phải giấu bằng cấp để được doanh nghiệp chấp nhận vào làm việc.
Nhiều hệ lụy và đâu là nguyên nhân
Tính trung bình, một sinh viên học đại học 4-5 năm phải tiêu tốn khoảng 100 triệu đồng để chi phí cho việc sinh hoạt, học tập. Nhiều gia đình phải vay nợ để có tiền cho con ăn học, hy vọng sau khi ra trường, con có việc làm, kiếm được tiền trả nợ. Việc cử nhân thất nghiệp không chỉ trở thành gánh nặng của gia đình, gây ra sự lãng phí lớn về tiền bạc, thời gian, sức lực mà còn làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Trước sức ép của cuộc sống và sự bế tắc trong tìm kiếm việc làm, không ít người đã dấn thân vào con đường phạm tội như trộm cắp tài sản, môi giới mại dâm, buôn bán ma túy... để rồi bước ra từ giảng đường đại học mà đích tới là trại giam.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng cử nhân thất nghiệp, nhiều chuyên gia có chung quan điểm là bên cạnh nguyên nhân do kinh tế khủng hoảng, các doanh nghiệp phá sản hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh dẫn đến dư thừa lao động thì sự gia tăng quá nhanh các trường đại học và các ngành học không theo quy hoạch, đào tạo tràn lan, chất lượng thấp, không gắn với sử dụng nhân lực đã dẫn đến hậu quả nặng nề là tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên mới ra trường ngày một tăng cao.
Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi năm thị trường lao động chỉ có nhu cầu tuyển dụng khoảng 20 nghìn người có trình độ đại học trở lên trong khi các trường đại học cho "ra lò" khoảng 400 nghìn người, thì việc cử nhân, kỹ sư thất nghiệp, làm trái nghề, làm lao động chân tay là khó tránh khỏi. Hiện tỷ lệ cử nhân của nước ta là rất cao (khoảng 250 sinh viên/1 vạn dân), vượt mức trung bình của thế giới, nhưng chất lượng đào tạo lại thấp. Phần lớn sinh viên đã tốt nghiệp còn yếu về chuyên môn, thiếu năng lực thực tiễn và khả năng thích ứng trong môi trường cạnh tranh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên có trình độ cao đẳng, đại học tiếp tục tăng cao vài năm gần đây cho thấy không chỉ là vấn đề cung - cầu lao động lệch nhau mà quan trọng hơn là đào tạo nhân lực chưa gắn với nhu cầu xã hội, nhu cầu của thị trường lao động. Ngoài ra, cũng có nguyên nhân từ tâm lý xã hội coi trọng, đề cao bằng cấp hoặc tập trung vào một số ngành nghề nhất định mà chưa chú ý tới năng lực người học, nhu cầu thị trường và chất lượng đào tạo.
Việc hàng nghìn cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ thất nghiệp còn là hệ quả của việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh kém hiệu quả. Bên cạnh đó, vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp còn phụ thuộc nhiều ở bản thân mỗi sinh viên, đó là sự chủ động, kinh nghiệm và năng lực cá nhân, tấm bằng chỉ là sự khởi đầu.
Tìm lời giải Có một thực tế trái ngược là, trong lúc hàng nghìn cử nhân thất nghiệp thì có tới 75% đến 90% số học viên tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng nghề có việc làm ngay. Thậm chí, nhiều trường dạy nghề không đáp ứng đủ nhân lực theo đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp. Kết quả này cho thấy, việc đào tạo nhân lực phải theo nhu cầu của thị trường lao động, cơ sở đào tạo phải có sự liên kết với đơn vị sử dụng lao động, công tác đào tạo phải gắn với thực hành, học viên ra trường có thể đáp ứng ngay yêu cầu của công việc.
Từ hiệu quả của công tác đào tạo nghề thấy rằng, muốn giải quyết tốt bài toán lãng phí nguồn nhân lực, trước tiên phải làm tốt công tác dự báo thị trường lao động, việc làm cả trong ngắn hạn và dài hạn đối với từng ngành nghề, theo từng khu vực. Trên cơ sở những thông tin dự báo đó, các trường đại học sẽ quyết định việc hạn chế, thậm chí tạm dừng mở mới các ngành đào tạo đang thừa "đầu ra", điều chỉnh quy mô ngành nghề đào tạo sao cho phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ở các địa phương. Nhưng quan trọng nhất vẫn là phải đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học và cao đẳng, chú trọng trang bị các kỹ năng thực hành, kỹ năng xã hội cho sinh viên.
Công tác hướng nghiệp, phân luồng nhân lực cũng cần được thực hiện ngay từ khi học sinh học hết cấp THCS và điều chỉnh cấp học cho phù hợp. Bên cạnh đó, bản thân mỗi học sinh và các bậc phụ huynh cần có định hướng đúng đắn, thiết thực trong việc chọn nghề lập nghiệp, lựa chọn ngành nghề phù hợp với sở trường, năng lực của mình, không nên chạy theo phong trào.
Nhà nước cần có những chính sách vực dậy và phát triển nền kinh tế để tạo thêm việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, sử dụng các nguồn hỗ trợ cho vay vốn tự tạo việc làm hoặc xuất khẩu lao động. Nhà nước và địa phương cần đưa ra các chế độ đãi ngộ hợp lý nhằm thu hút cử nhân về địa phương hoặc đi các vùng sâu, vùng xa làm việc.
"Cần sắp xếp lại hệ thống các trường lớp đào tạo để làm sao đào tạo cái mà xã hội cần để sử dụng chứ không phải là đào tạo cái mà nhà trường có". BÙI SỸ LỢI |
"90% số học viên ngành học sửa chữa ô-tô có việc làm ngay sau khi ra trường. Nhiều học viên còn được doanh nghiệp nhận vào làm việc từ khi chưa tốt nghiệp. Học nghề phù hợp với bản thân gia đình và xã hội là sự lựa chọn thiết thực". NGUYỄN TIÊN PHONG |
"Đối với những cử nhân đang thất nghiệp, nên xác định vấn đề quan trọng nhất là việc làm, chỉ cần có công việc rồi từ đó tiếp tục phấn đấu, trau dồi kiến thức, kỹ năng làm việc. Chính những kỹ năng, thái độ làm việc sẽ giúp ứng viên ghi điểm với nhà tuyển dụng". VŨ HẢI LONG |
ANH THƠ
Nguồn: nhandan.org.vn