Sao không công khai những tên trường kém chất lượng?

Ồ ạt mở trường – chất lượng tính sau

Không ít trường đạt điểm 0 về chất lượng kiểm định

564
  Tải tài liệu

Qúa dễ dãi trong việc cấp phép mở trường ĐH, CĐ mà Bộ GDĐT lại lơi là trong việc kiểm định chất lượng của những trường này. Thực trạng đã dẫn đến việc “đánh lừa” người học bằng những thông tin quảng cáo thiếu trung thực.

Ồ ạt mở trường – chất lượng tính sau

Tính đến tháng 4/2010, Việt Nam có 440 trường ĐH, CĐ. Số lượng trường ĐH mới mở đang tăng lên theo từng năm, so với 20 năm trước, số sinh viên tăng lên 13 lần, trong khi cán bộ giảng dạy tăng rất ít, số tiến sĩ (TS), thạc sĩ (Ths) tăng không đáng kể ( 13 - 14% TS, 30% Ths). Hệ thống thư viện, sách giáo khoa, sách tham khảo quá thiếu và hạn chế, trường nào được đầu tư tốt nhất thì chỉ đáp ứng được 50% SGK. Tính trung bình về quy mô thư viện của các ĐH, CĐ thì 21,2 sinh viên mới có một chỗ ngồi. Trong số 196 ĐH, CĐ có báo cáo về Bộ GDĐT thì có đến 24 trường không có thư viện truyền thống, 119 trường không có thư viện điện tử. SGK, tham khảo cho các chương trình đào tạo tiên tiến lại càng thiếu.

Theo báo cáo của Thường vụ Quốc hội, việc thành lập các trường ĐH, CĐ ở Việt Nam không chặt chẽ, quá dễ dãi với hiện tượng đầu tư dàn trải, cào bằng và không có chiều sâu.

Theo PGS. Văn Như Cương, hiện nhiều trường ĐH  được mở để chạy theo số lượng nên không có chất lượng, Bộ GDĐT cần phải có các tiêu chí và chuẩn mực trước khi cho phép thành lập trường ĐH, chứ không phải địa phương cứ xin là cho mở trường như hiện nay. Bên cạnh đó, cũng theo PGS Văn Như Cương, Bộ cần phải có kiểm tra thực tế các trường, vì nhiều trường ĐH dân lập mặc dù có báo cáo với Bộ số giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng, số GS, PGS, TS… của trường nhưng con số này chỉ có trên giấy tờ, báo cáo cho đủ hồ sơ chứ không có thực tế đứng lớp giảng dạy.

Không ít trường đạt điểm 0 về chất lượng kiểm định

Năm 2009, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT) tiến hành  kiểm định 20 trường ĐH “top trên” của Việt Nam. Kết quả đánh giá cho thấy, các trường đều không đạt, còn phải khắc phục nhiều khuyết điểm mới có thể theo kịp các trường ĐH các nước trong khu vực và trên thế giới. Tại hội nghị sơ kết về kiểm định chất lượng giáo dục của các trường ĐH, CĐ vừa qua cũng cho thấy, có rất nhiều trường không đạt chất lượng, thậm chí có trường chỉ đạt điểm 0 về kiểm định. Có đến 1/3 trường không báo cáo hoặc báo cáo thiếu theo yêu cầu của Bộ.

Nếu chỉ dựa vào những thông tin của các trường công khai trên website, người học có thể bị “đánh lừa” bởi sự “nhiễu” thông tin. Trường nào cũng tự cho mình có đội ngũ giảng viên giỏi, có tiêu chí rõ ràng, có điều kiện đào tạo tốt, năng lực cao… trong khi đó không hề công bố chất lượng kiểm định giáo dục như thế nào.

Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo công bằng cho người học bằng cách công bố các trường không đạt hoặc giải thể vì chất lượng kém như Mỹ, Nga… Mới đây, Hàn Quốc cũng đã công bố công khai 30 trường ĐH, CĐ không đạt chất lượng. Đã đến lúc Việt Nam phải công khai danh tính của những trường không đạt chất lượng kiểm định để “sòng phẳng” với xã hội về chất lượng giáo dục ĐH, CĐ.

Nguyên Minh (Nguồn: laodong.com.vn - 15/12/2010)

Bài viết liên quan

564
  Tải tài liệu