Những ngành học đón đầu cơ hội

Mới mẻ, nhiều thách thức

2 875
  Tải tài liệu

Thị trường lao động VN hiện nay chưa có nhiều nhân lực cho các ngành như Chế tạo máy bay, Khoa học vũ trụ, Công nghệ nano điện tử... Đây chính là lý do khiến một số du học sinh VN học các ngành này chưa có điều kiện phát triển khi trở về nước.

Ông Trương Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ hàng không công nhận: “Ở nước ta chưa có những trung tâm nghiên cứu về hàng không vũ trụ mang tính doanh nghiệp. Gần như không có doanh nghiệp nào bên ngoài để tiếp nhận họ. Một khi nỗ lực học tập nhưng về nước không kiếm được cơ hội làm việc thì tất nhiên họ phải tìm đến nơi nào có nhiều cơ hội hơn. Cơ quan Hàng không vũ trụ NASA của Mỹ chính là doanh nghiệp tư nhân có chính sách tuyển dụng những người đi học về lĩnh vực này. Tuy nhiên, nước ta cũng đã có chiến lược lâu dài về phát triển hàng không vũ trụ, vì vậy những bạn trẻ ham học ngành này hy vọng sẽ có tương lai rộng mở”.

Dũng - một du học sinh đang theo học lĩnh vực công nghệ nano điện tử (nanoelectronics) thổ lộ: “Mình luôn nghĩ tốt nghiệp ngành này về nước khó xin được công việc đúng chuyên môn, vì công nghiệp công nghệ nano ở VN hiện nay còn khá mới mẻ”.

Cơ hội đang đến gần

Tại VN, hiện có trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) đang đào tạo ngành Công nghệ vũ trụ với chỉ 10 sinh viên theo học. Trường ĐH Khoa học và công nghệ (Hà Nội) cũng dự kiến sẽ đào tạo cao học ngành Công nghệ vũ trụ vào những năm tới. PGS-TS Phạm Anh Tuấn - Trưởng khoa Hàng không - Khoa học vũ trụ trường ĐH Khoa học và Công nghệ cho hay: “Chính phủ đã phê duyệt chiến lược nghiên cứu và ứng dụng vũ trụ tới năm 2020. Dự án xây dựng trung tâm vũ trụ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng sẽ được thực hiện với nhu cầu nhân lực từ 300 - 400 người. Ngành khoa học vũ trụ đang có những bước đi mạnh mẽ và táo bạo tại VN. Vì vậy thời gian tới sẽ cần rất nhiều nhân lực và đó sẽ là cơ hội cho những bạn trẻ đang theo học ngành này”.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ra một loạt quyết định phê duyệt chiến lược phát triển một số ngành công nghệ cao như: Chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông VN đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020, Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ Việt Nam đến năm 2020... Những khu công nghệ cao tại các thành phố lớn cũng đang rất sôi động với sự có mặt của nhiều tập đoàn, công ty nước ngoài lẫn trong nước. Do đó, nhu cầu nhân lực cho những ngành như công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới - công nghệ nano… đang trở nên vô cùng cấp thiết.

Mỹ Quyên (thanhnien.com.vn – 16/12/2010)

Bài viết liên quan

2 875
  Tải tài liệu