Sinh viên thực tập: May nhờ rủi chịu!
Sinh viên thực tập: May nhờ rủi chịu!
Tháng 1-3 hàng năm là thời điểm sinh viên (SV) năm cuối tăng tốc tìm chỗ thực tập. Trong đó không phải ai cũng may mắn tìm được chỗ tập sự như mong muốn. Ở nhiều ngành học, thực tập chỉ cho có, không giúp ích hoặc không liên quan gì công việc của các tân cử nhân sau khi ra trường. Song, nghịch lý ở chỗ thực hành không bao nhiêu nhưng điểm số lúc nào cũng cao chót vót khiến nhiều SV xem đó như cơ hội “vớt” điểm cho mình…
“Thực” và “tập” khác xa
T.N., cựu SV chuyên ngành Ngôn ngữ ĐH KHXH-NV TPHCM nhớ lại kỳ thực tập cách đây hơn hai năm của mình: “Lớp hơn 50 người được chia thành 6 nhóm, mỗi nhóm đến một xã vùng cao thuộc tỉnh Bình Phước, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Ở đó, nhiệm vụ của chúng tôi là ghi lại tiếng nói của họ. Hết kỳ thực tập, hành trang duy nhất mang về thành phố là lõm bõm vài câu tiếng dân tộc bản địa, vài số điện thoại và một ít kỹ năng sống sau 3 tuần cùng ăn, cùng ngủ với họ. Ra trường, đứa vác máy ảnh theo nghề báo, đứa làm phiên dịch... Nội dung báo cáo thực tập thế nào cũng chẳng ai nhớ”.
Cùng cảnh ngộ, H.L., SV ngành Quản trị khách sạn ĐH Văn Lang cho biết, ở trường được đào tạo kiến thức chuyên ngành bài bản bao nhiêu thì khi đi thực tập, suốt cả tháng trời chỉ được giao những việc hết sức “bình dân học vụ” như rửa chén, lau bàn, bưng bê đồ ăn cho khách ở một nhà hàng tiệc cưới sang trọng tại quận 6.
Tuy nhiên, năm ngày cuối cùng trước khi nộp báo cáo, L. được sếp giao một xấp tài liệu về nhà đọc với lời dặn viết báo cáo theo nội dung A, B, C có sẵn. L. than: “Nội dung báo cáo soạn sẵn chẳng liên quan gì công việc em làm trong suốt kỳ thực tập. Hơn nữa, những gì trải nghiệm qua kỳ thực tập không khác gì những công việc thời vụ em làm hồi còn là SV năm nhất, năm hai, chỉ khác ở chỗ hồi đó làm có lương, còn giờ thực tập không công mà thôi”.
Ngoài ra, trên các diễn đàn, trang web cũng đầy ắp bài viết mang tên “nỗi niềm thực tập” của SV. Nick nguyen88 viết trên diễn đàn ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM): “Người ta nói phòng này chật quá, không có chỗ cho em, thôi em về đi, cần tài liệu gì thì nói. Tuy khỏe nhưng mình không biết gì hết”. Nick thuytrang_06 nói thêm: “Cả bọn quây quanh bàn họp, tài liệu chất đống, tám thả ga, ngồi đủ 8 tiếng +1,5 tiếng nghỉ trưa là về”. Do đó, sau khi tốt nghiệp, không ít bạn bỡ ngỡ với thực tế công việc, báo cáo thực tập gần như xếp xó. Đi phỏng vấn, nhà tuyển dụng nào cũng đòi hỏi kinh nghiệm làm việc thực tế khiến nhiều bạn rớt từ vòng… gởi xe.
Nghịch lý điểm số
Quy chế 43 của Bộ GD-ĐT về đào tạo ĐH, CĐ hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ không quy định khối lượng học phần quy đổi của thực tập tốt nghiệp. Do đó hiện nay có trường gộp chung điểm thực tập vào khóa luận tốt nghiệp, có trường chấm điểm thực tập riêng, bảo vệ khóa luận riêng, trong đó hệ số tín chỉ quy đổi thường dao động trong khoảng 2 - 10 tín chỉ. Hoàng Nam, SV năm ba ngành CNTT, ĐH Tôn Đức Thắng bày tỏ: “Chỉ cần nắm hiểu nguyên lý, có tinh thần cầu thị và quan hệ tốt với người hướng dẫn, điểm thực tập cao là điều không quá khó. Đối với những nam SV lười học bài như tụi mình, đó là một trong những cách kéo lại điểm trung bình học tập”.
Còn Lan Phương, cựu SV Khoa Văn học & Ngôn ngữ, ĐH KHXH-NV TPHCM, cho biết, do đặc trưng ngành học nên lớp cô thực tập theo nhóm, báo cáo thực tập làm chung nên điểm vì thế chỉ xê xích nhau 0,25 - 0,5 điểm. “Các học phần khác phải thi kiểm tra cuối kỳ nên điểm mỗi người một khác, riêng thực tập tốt nghiệp hầu như điểm không chênh lệch mấy. Do đó một số bạn nảy sinh tâm lý ỷ lại, trong nhóm có người làm nhiều, người làm ít, điểm số cao nhưng thực chất chẳng biết thêm được gì”, cô cho biết.
Riêng đối với khối ngành sư phạm, thời lượng dành cho thực tập hiện nay chiếm từ 4-5% tổng số tín chỉ toàn khóa học, tức khoảng 8 - 10 tuần chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Tuy nhiên, theo Th.S Phan Tấn Chí, Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM, việc đánh giá còn nhiều bất cập do thiếu quy định chung về chuẩn sư phạm thống nhất giữa các trường, mỗi đơn vị tự thực hiện theo bộ khung riêng do mình biên soạn. Sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ soạn thảo quy chế đào tạo và rèn luyện nghiệp vụ sư phạm nhưng đó là chuyện tương lai, còn hiện tại SV sư phạm vẫn chịu cảnh mỗi nhà mỗi cảnh.
Tóm lại, thực tập là khoản thời gian đầu tiên SV tiếp xúc môi trường làm việc một cách chuyên nghiệp, vận dụng kiến thức học được ở trường để tự khẳng định, tìm kiếm cơ hội việc làm sau tốt nghiệp. Tuy nhiên, đáng tiếc là hiện nay không phải ai cũng được tạo điều kiện tận dụng tốt cơ hội này, khiến thực tập mất đi ý nghĩa thật sự của nó.
THU TÂM
Nguồn: sggp.org.vn