Các trường phải công khai tỷ lệ việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp
Phương án thi THPT đã được Bộ GD-ĐT đưa ra và có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc Bộ dự tính trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ trong những năm tới.
Đưa ra ý kiến ủng hộ việc tuyển sinh riêng của các trường trong các năm tuyển sinh tiếp theo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết các trường có quyền được tuyển sinh riêng, tự ý ra đề thi riêng, tự ý ra phương án thi riêng tuy nhiên phải đảm bảo điều kiện yêu cầu phương thức chỉ tiêu tuyển sinh... Đây là những luật giáo dục mà tất cả các trường phải tuân thủ.
Trong trường hợp các trường chưa có đủ năng lực để thi riêng thì có thể vẫn sử dụng phương pháp sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT vào xét tuyển.
Còn đối với các trường tốp đầu hoặc các trường có nhu cầu đầu vào cao thì việc thi riêng là hoàn toàn hợp lý và phù hợp. Bộ hoàn toàn ủng hộ để các trường này tuyển sinh được những thí sinh tốt nhất. "Các trường tuyển sinh sao cho phù hợp với quy chế tuyển sinh thì Bộ ủng hộ, việc có các cơ chế thi riêng của các trường ĐH muốn tuyển sinh riêng không chỉ giúp các trường lấy được thí sinh chất lượng và còn tạo thương hiệu tốt cho các trường đối với xã hội" - Thứ trưởng Ga cho hay.
Năm 2017 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT cải cách chuyển đổi sang hướng thi trắc nghiệm toàn phần gồm 5 bài thi, trong đó có 2 bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, chính vì vậy mà việc học của thí sinh cũng thay đổi theo. Môn Văn là môn tự luận, môn Toán năm 2017 đã thi trắc nghiệm. Nhiều trường đã xin ý kiến của Bộ năm 2018 sẽ tổ chức thi riêng bằng hình thức đánh giá năng lực hoặc thi năng khiếu để đánh giá năng lực tốt nhất của thí sinh.
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, từ năm 2018 trở đi Bộ GD-ĐT sẽ không quyết định điểm sàn vào các trường ĐH nữa mà trao quyền cho từng trường. "Riêng về tuyển sinh, các trường muốn tuyển sinh riêng phải đáp ứng được các điều kiện bổ sung. Đặc biệt phải công khai tỷ lệ việc làm của sinh viên theo từng ngành đào tạo trong 2 năm gần nhất và công khai tỷ suất đầu tư đào tạo từng sinh viên trong năm học…Sự đầu tư của nhà trường cũng sẽ tương đương với học phí thu. Đó là cơ sở để xã hội giám sát chất lượng và thí sinh lựa chọn được trường phù hợp với ngành học, trình độ năng lực, mức điểm thi của mình… Khi đã cung cấp cho thí sinh, xã hội tất cả điều kiện lựa chọn rồi thì Bộ GD-ĐT có thể không cần thiết phải quy định điểm sàn nữa mà trao quyền đó cho từng trường và xã hội sẽ có quyền lựa chọn" - Bộ GD-ĐT đặt ra các yêu cầu cho các trường khi đã nhận được các đề án tuyển sinh riêng khi vừa kết thúc kỳ thi THPT 2017.
Đưa ra quan điểm riêng của mình, Trưởng phòng quản lý đào tại ĐH Kinh tế Quốc dân, PGS.TS Bùi Đức Triệu cho biết: "Các sinh viên khi thi đỗ vào trường ĐH Kinh tế Quốc dân phần lớn là học lệch vì các thí sinh chỉ đạt điểm cao ở các môn tổ hợp mà các em đăng ký thi vào các trường. Và bản thân các trường cũng không thể nói rằng tôi chỉ cần em có kiến thức môn Hóa, Toán chứ không cần các thí sinh có điểm cao môn Sinh. Điểm thi chỉ là một căn cứ để xác định thí sinh có đủ năng lực vào học đại học hay không, chứ không có nghĩa thí sinh phải có kiến thức môn đó tốt mới học được ngành/nghề này. Việc đánh giá là cả quá trình chứ không chỉ ở một điểm. Chính vì thế khi trao quyền tuyển sinh cho các trường ĐH sẽ hạn chế tối đa những thí sinh có chất lượng vào các trường mà thí sinh có nhu cầu.
Tuy nhiên, trong một vài năm tới và có thể năm sau đó nữa trường ĐH Kinh tế Quốc dân vẫn xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là một trường lớn, việc tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng với đầy đủ sự kiểm soát để đảm bảo tính minh bạch là điều không đơn giản. Cần có sự chuẩn bị kỹ càng cho một kỳ thi như vậy - ông Triệu chia sẻ quan điểm.
Trước đó, đưa ra ý kiến của mình về việc tuyển sinh riêng tại các trường ĐH - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng điểm yếu của các trường ĐH, CĐ hiện nay sẽ phải gặp khó khăn khi tuyển sinh riêng đó chính là thiếu sự sáng tạo và nghiên cứu khoa học ngay tại các trường. So với các nước tiên tiến trên thế giới, sự sáng tạo nghiên cứu, phát minh ra các sản phẩm trong các trường của Việt Nam còn ít so với các nước khác.
Dạ Thảo
Nguồn: motthegioi.vn – 26/09/2017