Dạy nghề không thể cứ như áo vá víu...!

Nhìn nhận giáo dục nghề nghiệp hiện nay như "chiếc áo ngũ sắc vá víu từ vải cũ", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến tính đồng bộ của các trường nghề. Cùng với đó, nâng cao tính dự báo sớm để nhà trường, doanh nghiệp mở rộng đào tạo nghề.

1079
  Tải tài liệu

Ngày 16-11 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn đàn quốc gia "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam" cùng với sự tham gia của các ban, bộ, ngành và 1.500 đại biểu. 

Diễn đàn do Bộ Lao động - thương binh và xã hội phối hợp với Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Công thương cùng Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức.

Nguồn lực con người

Chủ trì diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nguồn lực phát triển của đất nước ta không phải là "rừng vàng, biển bạc" mà là gần 100 triệu người Việt Nam. Do đó, kỹ năng lao động, kỹ năng quản trị quốc gia, quản trị từng ngành, năng lực trí tuệ, năng lực nghề nghiệp của mỗi người quyết định sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng ghi nhận những kết quả bước đầu của việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, như xác định 130 nghề trọng tâm, 40 trường nghề trọng điểm chất lượng cao, 3 năm gần đây tuyển sinh của các trường dạy nghề vượt chỉ tiêu, bình quân 85% sinh viên nghề ra trường có việc làm, chất lượng đào tạo nghề tăng 13 bậc...

Tuy nhiên Thủ tướng cũng chỉ ra một số khuyết điểm của giáo dục nghề nghiệp như tỉ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp; phổ biến tình trạng "thiếu thầy thiếu thợ"; tâm lý cha mẹ "không vào đại học được mới đi học nghề"; trường nghề đông nhưng đạt chuẩn quốc tế còn thấp; sinh viên tốt nghiệp kỹ năng, ngoại ngữ yếu...

Do đó, Thủ tướng yêu cầu đào tạo phải gắn với thị trường, nhu cầu thị trường, nâng cao tính đồng bộ. "Mạng lưới cơ sở dạy nghề của nước ta như chiếc áo ngũ sắc với không ít miếng vá víu từ vải cũ. Chúng ta nói tính đồng bộ của các trường dạy nghề cần phải được quan tâm" - Thủ tướng nói.

Về định hướng trong giai đoạn tới, Thủ tướng cho rằng phải đảm bảo các nguyên tắc: bám sát nhu cầu thực tiễn thị trường, đảm bảo hài hòa cung - cầu lao động có kỹ năng nghề, gắn kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp; phát triển đào tạo nghề chất lượng chuẩn mực quốc tế.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh việc nâng cao tính dự báo, nắm bắt nhanh nhạy, dự báo sớm nền kinh tế trong giai đoạn tới để định hướng doanh nghiệp, nhà trường mở rộng đào tạo nghề theo hướng nào. Chẳng hạn, cần cơ sở đào tạo các ngành ứng dụng số hóa như thương mại điện tử, thanh toán điện tử, sâu hơn nữa là khoa học máy tính, trí tuệ máy tính, robot, trí tuệ vạn vật, blockchain...

Cải thiện hệ thống giáo dục nghề nghiệp, cách nào?

Trả lời câu hỏi này, bà Keiki Inoue - điều phối Chương trình Phát triển con người, giới, việc làm (WB) - chia sẻ các chiến lược như chuyển từ văn hóa tuân thủ sang văn hóa chất lượng trong giáo dục nghề nghiệp với mục tiêu chung đào tạo lao động có kỹ năng, linh hoạt với bối cảnh hiện đại; cải cách cơ chế tài chính đảm bảo chất lượng và bình đẳng; đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp trong phát triển kỹ năng.

Từ một số kinh nghiệm của hệ thống giáo dục và đào tạo nghề tại Úc, bà Joanna Wood - tham tán giáo dục, Đại sứ quán Úc tại Hà Nội - nhấn mạnh sự cần thiết cần có hội đồng kỹ năng ngành tại Việt Nam. Bà chỉ rõ vai trò của hội đồng này nhằm rà soát kỹ năng và dự báo kỹ năng; cấp các văn bằng giáo dục nghề nghiệp và tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; đồng thời quảng bá các văn bằng này tới doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Đà Lạt - nêu kiến nghị để phát triển mối quan hệ nhà trường - doanh nghiệp cần có sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo như tham gia hội đồng trường; phối hợp xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình; kiểm tra đánh giá kết quả học tập, phản hồi chất lượng "sản phẩm" đào tạo. 

Kết hợp nhà trường - doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Lý - hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (TP.HCM) - chia sẻ một số kinh nghiệm gắn kết giữa nhà trường - doanh nghiệp, như thành lập bộ phận chuyên trách thực hiện hoạt động hợp tác giữa nhà trường - doanh nghiệp, tham gia hội viên của hội và hiệp hội doanh nghiệp tại địa bàn TP.HCM, triển khai mô hình đào tạo kép, ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp, tổ chức đưa học sinh sinh viên tham gia chương trình "Học kỳ doanh nghiệp", thực tập tại doanh nghiệp...

Tiềm năng quốc gia là chất lượng nguồn nhân lực

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Bình - trưởng Ban Kinh tế trung ương - cho biết trong quá trình soạn thảo các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, chất lượng nguồn nhân lực là nội dung được Đảng quan tâm, không chỉ 5 năm mà 10 năm, có tầm nhìn đến năm 2045.

Ông cho rằng trong thời kỳ cách mạng khoa học công nghệ, đặc biệt cách mạng công nghiệp 4.0 thì tiềm năng phát triển của một quốc gia là chất lượng của nguồn nhân lực. Do đó, cần tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, có nhận thức đủ - đúng - sâu sắc về vị trí, vai trò chất lượng nguồn nhân lực mới có chuyển biến trong hành động.

HÀ THANH - CHÍ TUỆ
tuoitre.vn – 17/11/2019

Bài viết liên quan

1079
  Tải tài liệu